Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 18/7/2010 8:20'(GMT+7)

Một đòi hỏi phi lý, phi pháp

Phiên tòa xét xử Lê Công Định - Ảnh minh họa

Phiên tòa xét xử Lê Công Định - Ảnh minh họa

Trong Báo cáo đó, Tổ chức Ân xá quốc tế (viết tắt là AI) cho rằng, ở Việt Nam đang có một làn sóng bắt bớ, nhằm vào giới đấu tranh cho dân chủ và những người chỉ trích Chính phủ…, tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến.., bắt bớ, sách nhiễu và giám sát chặt chẽ các thành viên của các nhóm tôn giáo bị cho là chống đối chính quyền... Đi xa hơn họ còn đòi Nhà nước Việt Nam phải thay đổi Bộ luật Hình sự, 1999 và cho rằng: các điểm đề cập tới an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự 1999, vốn không đề phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;… hạn chế đối với bất đồng chính kiến, đối lập chính trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp; và trả tự do cho tù nhân lương tâm”...

Những điều mà AI ám chỉ là Điều 79 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” của Bộ luật Hình sự, 1999. Chứng cứ được viện dẫn là vụ án xét xử Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long...

Những đòi hỏi, chỉ trích của AI là phi lý và phi pháp, hơn nữa đó còn là một sự xuyên tạc và vu cáo trắng trợn đối với Nhà nước Việt Nam. Có thể khẳng định rõ ràng như vậy bởi mấy lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, Việt Nam, cũng như bất cứ một quốc gia có chủ quyền nào khác trên thế giới, có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, độc lập dân tộc, chống lại các âm mưu nhằm lật đổ chế độ xã hội của các thế lực thù địch, phản động được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, trong đó có hình thức “diễn biến hòa bình”, “đấu tranh bất bạo động”.

Hiện nay vẫn đang có một thực tế không thể phủ nhận được là chiến lược “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền" đang được các thế lực thù địch và phản động triệt để sử dụng để chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sở dĩ chiến lược "diễn biến hòa bình" được đẩy mạnh bởi nó đã khẳng định tính hiệu quả đặc biệt sau sự kiện Liên-xô tan rã, các nhà nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Tổng kết kinh nghiệm này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ R.Nich-xơn đã rút ra kết luận, Hoa Kỳ có thể giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh” nếu biết sử dụng chiến lược “diễn biến hoà bình".

Áp dụng vào Việt Nam, chiến lược đó đã được “cụ thể hóa” trên thực tế thông qua việc du nhập cái gọi là các “chuẩn mực” dân chủ, nhân quyền của phương Tây như “dân chủ”, “công khai”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”...; tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, những phần tử “bất đồng chính kiến” trong nước trỗi dậy, và các thế lực thù địch, chống đối ở ngoài nước “hồi hương"; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bạo loạn, lật đổ; thành lập các tổ chức chính trị phi pháp chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam bằng “phương pháp bất bạo động”...

Trong phiên tòa xét xử các nhân vật nêu trên, chính Lê Công Định đã thừa nhận: “Tôi biết những việc tôi là là vi phạm pháp luật Việt Nam”. Lê Công Định đã ra nước ngoài tham dự lớp huấn luyện về đấu tranh “bất bạo động”, cùng với các nhân vật nêu trên bàn bạc để viết tài liệu gọi là: “Con đường Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Đảng Dân chủ”, “Đảng Xã hội Việt Nam”. Như vậy không phải là AI không biết Lê Công Định và đồng bọn là những kẻ phạm tội. Vậy vì sao họ vẫn cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, bảo vệ cho những kẻ phạm tội đó? Vì sao khác với nhiều tổ chức, cũng như các quốc gia đã và đang tham gia đối thoại nhân quyền với Việt Nam, AI cố tình phủ nhận thành quả nhân quyền của Việt Nam, cố tình phớt lờ các chứng cứ cáo buộc những kẻ phạm tội?

Trong bối cảnh quốc tế và âm mưu chống phá quyết liệt của các thế lực cực đoan, thù địch, như vậy, cũng giống như bất cứ quốc gia có chủ quyền nào khác, Việt Nam không thể không có các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ. Khi an ninh quốc gia bị đe dọa, khi các thế lực thù địch vẫn tiếp tục dùng các biện pháp tuyên truyền chống đối trên lĩnh vực tư tưởng nhằm mục tiêu từng bước đi tới xoá bỏ chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, xóa bỏ Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì việc Bộ luật Hình sự quy định các hành vi được người ta gọi là “bất bạo động”, như thành lập các tổ chức phi pháp hoặc tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là những tội phạm nguy hiểm, là hoàn toàn hợp lý.

Thứ hai, cho đến nay không có một văn kiện quốc tế nào bắt buộc các quốc gia phải áp dụng một tiêu chuẩn, một quy định pháp lý thống nhất. Đơn giản vì thế giới xưa nay không phải một quốc gia, Liên hợp quốc không phải là chính phủ trung ương, các quốc gia không phải là chính quyền địa phương. Các quốc gia có các trình độ phát triển khác nhau, có đặc thù văn hóa, truyền thống... không giống nhau. Trên lĩnh vực pháp lý cũng như các lĩnh vực khác, quan hệ giữa Liên hợp quốc với quốc gia là quan hệ song phương. Luật quốc tế, trên thực tế, đó là các hiệp ước giữa các quốc gia, nó chỉ phát sinh hiệu lực khi quốc gia nào đó gia nhập; ký kết, phê chuẩn công ước. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nguyên tắc tối thượng, bao quát các quan hệ quốc tế trong đó có cả quan hệ pháp lý. Văn kiện "Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế năm” năm 1970 nhấn mạnh: Sự tuân thủ chặt chẽ của các quốc gia đối với trách nhiệm không can thiệp vào công việc của bất kỳ quốc gia nào là một điều kiện cơ bản để đảm bảo rằng các quốc gia chung sống trong hoà bình... bất kỳ hình thức can thiệp nào đều không chỉ vi phạm tinh thần và nôị dung của Hiến chương mà còn dẫn đến những tình huống đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế (1).

Thứ ba, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966, tại Điều 1 quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết...” bao gồm quyền “quyết định thể chế chính trị...”. Điều đó có nghĩa là, một quốc gia - dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào, hệ thống chính trị đa đảng hay “độc” đảng, xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ con người và chế độ xã hội ra sao... là thẩm quyền của mỗi quốc gia - dân tộc, mà cụ thể là thẩm quyền của cơ quan lập pháp.

Trong Công ước quốc tế nói trên có các quy định về các quyền dân sự, chính trị như "Quyền tự do ngôn luận”; “Quyền tự do lập hội, hội họp”... nhưng những quyền nói trên không phải là quyền tuyệt đối mà là những quyền bị hạn chế. Có nghĩa là, đối với những quyền trên, các quốc gia có quyền đưa ra các quy định hạn chế nếu đó là cần thiết vì “An ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc vì các quyền và tự do của người khác.” (2).

Trường hợp Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức... bị bắt, toà án xét xử và kết tội là hoàn toàn thích đáng, có căn cứ xác thực về hành vi vi phạm pháp luật cho dù họ có cố tình lẩn tránh pháp luật bằng thủ đoạn hoạt động “bất bạo động”.

Vì thế có thể nói các quy định trong Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, 1999 nhằm nhăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bao gồm các tội vi phạm các quyền con người và tội gây nguy hiểm cho chế độ xã hội là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế. Quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với những tiến bộ đạt được trong tăng trưởng kinh tế. Điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, muốn là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam không bao giờ bó tay trước các âm mưu và hành động lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "tự do báo chí"... nhằm lật đổ chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới giành lại được. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng không bao giờ chịu sự áp đặt phi lý, phi pháp bởi cái gọi là “chuẩn mức pháp lý quốc tế” cực đoan mà phải hy sinh lợi ích cao nhất của dân tộc, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, vì đó là tiền đề và điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người./.
________________________________________________

(Theo TCCS điện tử)

(1) Trung tâm nghiên cứu quyền con người – “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người – Hà Nội, 2002, trang 91”.

(2) SĐD, tr 255

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất