Tuổi trẻ, anh Cánh là bộ đội lái xe Trường Sơn, nhiều năm liền tham gia vận chuyển đạn dược, vũ khí, quân lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được cử đi học trường sĩ quan chỉ huy và công tác trong quân đội liên tục đến tháng 5/1993 thì giải ngũ trở về địa phương với cấp bậc thiếu tá. Tháng 8/1993, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hải, xã Trung Sơn. Và từ năm 2006 đến nay anh làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Sơn.
Trước đây, Hội Cựu chiến binh xã chỉ được xếp loại trung bình khá, nhưng từ khi anh Cánh làm Chủ tịch đến nay đã góp phần đưa hoạt động của Hội phát triển ngày càng vững mạnh, liên tục 5 năm gần đây đều đạt danh hiệu xuất sắc. Từ năm 2007 triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã đã tích cực hưởng ứng với 100% số chi hội tổ chức học tập nghiêm túc các chuyên đề của cuộc vận động. Hội Cựu chiến binh xã đã mời các giáo viên của Học viện Chính trị quân sự giới thiệu đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các hội viên. Ở xã Trung Sơn, hầu hết các cựu chiến binh đều là những người tuổi đã cao và giữ các chức vụ chủ chốt ở cơ sở như trưởng thôn, bí thư nên được nhân dân tín nhiệm cao. Hội đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào...
Gương mẫu học tập và làm theo Bác, bản thân anh Cánh tự tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu nhiều tài liệu nói về thân thế, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác. Qua đó anh đã học được ở Bác việc "nói đi đôi với làm", hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Anh luôn tâm đắc với chuyên đề "Yêu thương con người" trong số các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Anh quan niệm rằng là cán bộ cơ sở thì phải thực sự tâm huyết với địa phương, nói thẳng nói thật, quan tâm giúp đỡ mọi người thì mới được người dân ủng hộ. Phải học và làm theo lời Bác Hồ "Lấy dân làm gốc"; học tập ở Bác đức tính tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí.
Từ nhận thức chuyển thành hành động cụ thể, khi làm Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hải, anh Cánh đã tham gia nghiên cứu, soạn thảo bản quy chế, quy ước của làng văn hóa để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Nhờ đó liên tục từ năm 1998 đến nay, thôn Sơn Hải đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện. Năm 2000, sau các buổi họp với 45 hộ dân ở thôn, anh đã quyết định vận động người dân đào một hồ rộng 3 mẫu, sâu 2 mét để trữ nước, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của thôn. Nhờ đó thôn Sơn Hải từ chỗ không đủ nước tưới cho một vụ lúa đến nay đã đảm bảo canh tác được cả 3 vụ lúa một năm, góp phần tăng năng suất lúa gấp đôi so với trước đây, đạt từ 2 - 2,5 tạ/sào.
Từ khi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Sơn đến nay, anh Cánh đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên thi đua phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Các hội viên cựu chiến binh xã đã xây dựng được nhiều mô hình trang trại trồng lúa, thả cá, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, cây cảnh... cho thu nhập từ 70 triệu đến 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, trong tổng số 464 hội viên cựu chiến binh của xã, có gần 30% số hộ khá và giàu, số hộ nghèo chỉ còn 3%. Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, anh Cánh đã tuyên truyền, vận động gia đình hội viên thực hành tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tính sơ bộ từ năm 2007 đến nay đã tiết kiệm được trung bình khoảng 2 triệu đồng/đám trong tổng số 32 đám hiếu, hỷ của các gia đình hội viên cựu chiến binh; giảm hẳn các chi phí trong tổ chức lễ hội, tân gia... Bản thân anh Cánh đã gương mẫu thực hiện và vận động tất cả các đồng chí trong Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, chi hội trưởng, hội viên cựu chiến binh của xã đăng ký làm các việc tốt hàng ngày theo lời Bác. Cùng với công tác xã hội, anh Cánh còn tích cực phát triển kinh tế của gia đình với mô hình chuyên trồng cây cảnh, cây ăn quả với diện tích gần 3.000 m2 vườn trồng các cây lộc vừng, sanh, si, đa, đề, tùng La Hán, bưởi...., cho thu nhập đạt gần 100 triệu đồng mỗi năm./.
BT