Thứ Sáu, 6/12/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 24/9/2020 11:35'(GMT+7)

Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc với Đồng Tháp

Đó là một trong những chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị do Ban Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Ban Chủ nhiệm đã và đang triển khai khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành trong cả nước như: Nam Định, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp là sự lựa chọn ưu tiên trong việc trao đổi nghiên cứu dựa trên những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, với điểm nhấn là thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định, Đồng Tháp là tỉnh đại diện cho các địa phương thuần nông ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh duy nhất có mô hình hội quán, xây dựng niềm tin với các khách hàng từ các sản phẩm có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua các mô hình “vườn tôi, nhà mình” và thực hiện bước đầu xuất sắc sáng tạo khởi nghiệp. Rõ ràng, Đồng Tháp có lợi thế về phát triển nông nghiệp gắn với tiềm năng phát triển dịch vụ nhờ lực lượng lao động dồi dào. Mục tiêu quan trọng phải đạt được trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa giai đoạn tiếp theo là phải giải được bài toán tạo mức tăng trưởng cao và ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, mở ra cơ hội phát triển cho đông đảo dân cư nông thôn để đạt tốc độ tương đương với các địa phương thuận lợi, như vùng Đông Nam bộ.

Trao đổi với Đoàn nghiên cứu, các sở ngành tỉnh Đồng Tháp cung cấp nhiều thông tin và thảo luận làm sáng tỏ thêm những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là cách làm nông nghiệp trong thời gian qua. Cụ thể, tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2010 - 2019 đạt 4,76%/năm, quy mô giá trị tăng thêm khu vực này đến năm 2019 tăng 1,5 lần so với năm 2010 và chiếm 37% giá trị tăng thêm cả tỉnh. Cơ cấu giá trị nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) sang thuỷ sản.

Thực tế, Đồng Tháp có lợi thế về phát triển nông nghiệp và huy động lao động nông thôn, tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn về giao thông, tiếp cận thị trường, khả năng phát triển công nghiệp, chất lượng tài nguyên con người... Nhiều đại biểu trăn trở với việc giải quyết bài toán chi phí nhất là giao thông kết nối với cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến giao thương thuận lợi với các tỉnh, thành trong cả nước; tỉnh thiếu các đề tài, dự án đột phá phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp làm sao tháo gỡ các cơ chế để thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ; hoạt động của các hợp tác xã trong tiến trình hội nhập quốc tế trong khi nguồn lực và khả năng quản trị của đội ngũ còn những hạn chế nhất định.

 TS Đặng Kim Sơn đề nghị, với đặc trưng địa phương, Đồng Tháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, quan tâm công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn, bên cạnh đó tỉnh cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng chất lượng, an toàn; tiếp tục phát huy vai trò của các hội quán không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn gắn kết với nhau về kinh tế. Lấy hiệu quả cách làm của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ qua, TS Đặng Kim Sơn hy vọng Đồng Tháp phát huy tiềm năng, chủ động sáng tạo và khơi thông sự đột phá, tiếp tục đổi mới trong thời gian tới. Những thông tin và vấn đề tỉnh đặt ra về thực trạng địa phương và khu vực là cơ sở để Đoàn nghiên cứu bổ sung hoàn thành đề tài khoa học, đưa vào kiến nghị, đề xuất giải pháp với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa mới nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao tốc độ và hiệu quả tăng trưởng kinh tế. 

Phạm Ngọc Hân
Ban Tuyên  giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất