Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 8/4/2010 8:50'(GMT+7)

Thẳng thắn với những yếu kém

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội nghị

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu của 3 đầu cầu đã nghe báo cáo tóm tắt tình hình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quý I/2010 với 7 nội dung, trong đó đề cập những kết quả đã đạt được. Đó là việc  tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, văn  nghệ phục vụ nhân dân trong dịp Tết Canh Dần; công tác quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ; công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2010 được triển khai, tổ chức đúng kế hoạch; nhiều hoạt động VHNT xúc tiến du lịch quy mô lớn gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức; có nhiều cố gắng trong xây dựng và cung cấp cho thị trường sản phẩm du lịch mới, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, trong quý I/2010 ước đạt 1.351.224 lượt khách du lịch, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2009; tổ chức 20 giải thi đấu thể thao quốc gia, 2 giải quốc tế mở rộng, tham dự 15 giải quốc tế giành 12 huy chương các loại.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Bộ cũng thẳng thắn với những yếu kém hư hiện tượng đốt nhiều đồ mã ở các đền, chùa trong dịp trước, trong và sau dịp Tết; hạ tầng du lịch chậm được đầu tư nâng cấp đồng bộ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ của nhiều doanh nghiệp chưa được cải tiến, tiếp tục tái diễn tình trạng nâng giá, ép giá, chèo kéo khách và quá tải tại các khu du lịch trong  dịp lễ Tết; tình trạng bạo lực sân cỏ chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để.

Du khách tàu biển đến TP.HCM tháng 3.2010. Ảnh: Tràng Dương

Tiếp tục nóng về lễ hội và hoạt động du lịch

Người “nổ” đầu tiên tại hội nghị là ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội. Về công tác quản lý lễ hội, ông Long cho rằng qua khảo sát thực tế, điều khiến dư luận phàn nàn là số lượng các lễ hội tổ chức trong năm quá nhiều; việc nhiều  quan chức tham dự các lễ hội cũng tạo nên những nhầm tưởng trong dư luận. Tự nhận còn thiếu sót trong công tác quản lý ở một số lĩnh vực, ông Long  kể những bất cập trong hoạt động du lịch ở Thủ đô và hướng tháo gỡ  như một bài học chung cho các địa phương.

Đó là việc nâng giá của các đơn vị kinh doanh du lịch (có đơn vị tăng giá phòng tới 25%) khiến lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong 3 tháng qua giảm; khâu xúc tiến du lịch chưa tốt, cách làm còn cổ điển. Những hiện tượng như đeo bám, chèn ép du khách còn phổ biến; Hà Nội cấp phép cho 200 xích lô hoạt động nhưng số lượng thực tế hiện tại lên đến 1.000 và theo quy định mỗi nhóm xích lô chỉ từ 6-8 chiếc, nhưng có lúc lãnh đạo Sở đã tận mắt chứng kiến 47 chiếc xích lô nối đuôi nhau vượt đèn đỏ. Giải quyết vấn đề này, Sở đã có kế hoạch làm việc với các đơn vị kinh doanh với “cái roi” sẽ rút giấy phép nếu các đơn vị này không chấp hành các quy định trong hoạt động du lịch. Mặt khác, tổ chức các đội chống nạn chèo kéo khách, ép giá; xây dựng và làm mới các tour du lịch...

Trong sự quan tâm chung về hoạt động du lịch, lãnh đạo các Sở VHTTDL  TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đều khẳng định sự tăng trưởng của du lịch trong 3 tháng đầu năm. Số lượng khách du lịch đến các địa phương đều tăng. Tuy nhiên, đại diện của Thừa Thiên - Huế cho rằng cần có sự thống nhất trong thống kê. Bởi, có địa phương thông báo lượng khách tăng vọt nhưng doanh thu từ du lịch lại không tỉ lệ thuận với sự tăng này.

Về công tác quản lý lễ hội, các đại biểu tham dự hội nghị gặp nhau trong đánh giá- có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý nhưng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới trong hoạt động lễ hội; mặt khác phải đề cao giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người tham gia lễ hội. Việc này cần phải làm thường xuyên, bền bỉ và lâu dài.

Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá xem hiệu quả của việc ban hành các văn bản pháp luật về  quản lý văn hóa ở các địa phương đến đâu. Bởi theo khảo sát gần đây của cơ quan chuyên môn thì có tới 90% người dân ở khu vực được khảo sát không biết đến các văn bản luật về quản lý lễ hội; 5% biết “lơ mơ”, chỉ có 5% là nắm được các văn bản luật. Đây là hiện trạng khó chấp nhận cần được các địa phương có giải pháp triển khai để người dân được tiếp cận các văn bản luật, hiểu và thực hiện.

Giỗ Tổ và Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: triển khai đúng tiến độ

Hai nội dung được các địa phương quan tâm bàn việc phối hợp tại  hội nghị giao ban trực tuyến lần này là Giỗ Tổ Hùng Vương và Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Theo báo cáo của Sở VHTTDL Hà Nội, các công việc chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm đang triển khai đúng tiến độ. Có 31 kịch bản liên quan đến hoạt động kỷ niệm này đã được các hội đồng thẩm định lần 2.

Trong đó, kịch bản lễ khai mạc (sáng ngày 1.10) và  chương trình văn nghệ chào mừng Đại lễ (tối ngày 10.10 tại sân vận động Mỹ Đình) vừa được thông qua. Theo đánh giá của cá nhân ông Phạm Quang Long, đây là hai kịch bản tốt, đặc biệt kịch bản tối ngày 10.10 hứa hẹn sẽ hấp dẫn và ấn tượng. Ông Long cũng đánh giá: có sự phối hợp rất tốt giữa Sở và các đơn vị chức năng của Bộ.

Hiện tại, các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Bắc Ninh đang xúc tiến  triển khai các công việc phối hợp với Hà Nội tổ chức ngày Đại lễ. Riêng về ngày Giỗ Tổ, mọi công việc đang triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên các địa phương  cũng  kiến nghị nên có sự hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tham gia sự kiện này. Ở vị trí là đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL, Tổng cục Thể dục thể thao cho biết, đã chuẩn bị chu đáo các nội dung tham gia trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII tổ chức tại Phú Thọ từ 14-17.4; đồng thời phối hợp với  Hà Nội triển khai cúp bóng đá, giải cầu lông, đua xe đạp xuyên Việt cho sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Vẫn tồn tại những hình ảnh này tại các lễ hội(chụp tại Phủ Dầy-Nam Định). Ảnh: Ngọc Anh

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã phân tích và gợi mở giải pháp cho các vấn đề được các đại biểu nêu ra tại hội nghị. Đó là vấn đề xử lý quảng cáo rao vặt; nâng cao công tác quản lý lễ hội; những định hướng cho việc tổng kết 10 năm  phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; công tác phối hợp tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; phát huy giá trị của di tích trong môi trường giáo dục; kích cầu du lịch; chống bạo lực trong thể thao và phát triển phong trào thể thao quần chúng; công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp . Về công tác xử lý quảng cáo rao vặt, Bộ trưởng cho rằng Hà Nội là địa phương đi tiên phong và đã có kinh nghiệm và đây là cơ sở để các địa phương trao đổi, học hỏi. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương rà soát, phân loại đâu là lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian và lễ hội cách mạng để xem xét, nghiên cứu khi cần điều chỉnh. Bộ trưởng cho rằng cần trả lễ hội dân gian cho người dân tự tổ chức và thụ hưởng. Đồng thời huy động các tổ chức xã hội hóa tham gia tổ chức các lễ hội theo hướng nâng cao chất lượng lễ hội, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Về việc tổng kết 10 năm  phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Bộ trưởng yêu cầu chọn một số  tỉnh ở  từng khu vực tổ chức tổng kết điểm, có đề cương hướng dẫn để đạt được mục tiêu của tổng kết là rút ra được những bài học thật cụ thể, thật hữu ích cho giai đoạn tiếp theo. Đối với hoạt động du lịch, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 nội dung: kích cầu du lịch, đào tạo nhân lực và chuẩn bị tốt các nội dung kỷ niệm 50 năm thành lập ngành. Cũng ở nội dung này, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch “áp” tiêu chí  bình chọn  Vịnh Hạ Long đến các đơn vị kinh doanh du lịch. Theo đó, các “ứng viên” của Top ten du lịch phải  trình ra con số bao nhiêu khách du lịch của đơn vị mình đã bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.                                             

Nhiệm vụ trọng tâm của quý II/2010

- Tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, trọng tâm là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2010; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII, Kỷ niệm 35 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

- Tập trung hoàn thiện các văn bản, đề án theo phân công trong quý II/2010, đảm bảo chất lượng nội dung và tiến độ theo quy định.

- Xây dựng và hoàn thiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao chuẩn bị phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số VN lần thứ nhất năm 2010 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản VN.

- Đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “VN-Điểm đến của bạn”.

Chu Thu Hằng-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất