Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 16/5/2010 22:28'(GMT+7)

Hơn 20 năm đi tìm kỷ vật về Bác Hồ

Bác Nguyễn Đinh Sơn với phần trưng bày Bác Hồ với Công an Nhân Dân.

Bác Nguyễn Đinh Sơn với phần trưng bày Bác Hồ với Công an Nhân Dân.

Ông là Nguyễn Ðình Sơn, nguyên cán bộ Công an Thanh Hóa đã về hưu, từng làm chủ nhiệm đề tài lịch sử: "Bác Hồ với Ðảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa".

Trong cái nắng oi ả đầu hè, với lòng ngưỡng mộ về ông Nguyễn Ðình Sơn, người luôn thành kính, dành trọn vẹn tình cảm của mình đối với Bác Hồ qua những trang hồi ký "Trọn lòng với Bác kính yêu" và một bảo tàng đầy ắp những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ, tôi đã tìm gặp ông tại nhà riêng.

Khẽ chấm những giọt nước mắt, ông Sơn bồi hồi nhớ lại ký ức xa xưa: "Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Cẩm Nga (Ðông Yên, Ðông Sơn, Thanh Hóa). Nước mất, nhà tan, đói nghèo và dịch bệnh đã cướp đi cha mẹ và anh chị của tôi". Những tháng năm đau thương ấy luôn ám ảnh, hun đúc trong ông ý chí tham gia cách mạng. Ông Sơn được nhận vào đội quân giao liên, phục vụ cho bộ đội chủ lực của tỉnh Thanh Hóa. Do bị thương trong một lần đưa tài liệu qua trạm kiểm soát của địch, đầu năm 1952, ông Sơn được điều lên ATK làm công tác thông tin ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Cục Cảnh vệ Bộ Công an. Ðiều may mắn là ông Sơn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lối sống giản dị, thanh đạm, tận tụy với công việc của vị Chủ tịch nước yêu nước, thương dân là tấm gương sáng nhắc ông Sơn luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong công việc và học ở Bác Hồ tư tưởng "cần, kiệm, liêm, chính".

Năm 1963, vợ ông Sơn qua đời ở quê vì căn bệnh hiểm nghèo. Thương đàn con nheo nhóc, ông xin chuyển về Ty Công an Thanh Hóa làm việc, năm 1982, ông về hưu. Mặc dù đã nghỉ công tác nhưng trong ông luôn hiển hiện hình ảnh Bác Hồ, vị cha già kính yêu, suốt đời hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân. Nhớ lại những hình ảnh cao đẹp của Bác, ông Sơn nung nấu trong lòng ý định, phải sưu tầm thật nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu, báo chí... về Bác để lập một "Bảo tàng Bác Hồ" ngay tại nhà mình.

Vậy là hằng ngày, trên chiếc xe đạp cũ, ông Sơn cần mẫn đi tìm các kỷ vật, bút tích, tranh ảnh về Bác Hồ... Nhiều khi ông phải lặn lội ra tận Hà Nội để gặp các nhân chứng lịch sử như: đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác), Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lãnh đạo ngành công an, lãnh đạo tỉnh đã về hưu... để tìm hiểu chính xác một số thông tin liên quan đến những kỷ niệm, sự quan tâm của Bác với lực lượng công an nhân dân, với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, với lực lượng Thanh niên xung phong... Nghe tin nơi nào có tư liệu, hay bút tích của Bác, ông Sơn tìm tới ngay để xin lại, những thông tin còn mập mờ, ông đi tìm nhân chứng để xác minh rõ nguồn gốc.

Hơn 20 năm đi tìm kỷ vật về Bác Hồ, ông Sơn đã có hàng trăm bài viết, tranh ảnh và bút tích. Mỗi lần các báo, tạp chí đăng thông tin về Bác Hồ, ông đều cắt, ép plastic để bảo quản được lâu. Tường nhà tầng một của ông Sơn không còn chỗ treo và trưng bày những kỷ vật về Bác. Ông đã di chuyển một phần bảo tàng của mình lên căn phòng tầng hai. Tại đây, ông Sơn phân ra nhiều mảng trưng bày. Bên phải từ cửa vào là những hình ảnh Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam; bên trái là Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân; chính diện cửa vào là Bác Hồ với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa... cùng hai tủ sách nói về Bác Hồ và Lê-nin, Các Mác.

Lúc đầu, thấy ông Sơn miệt mài, cặm cụi đi sưu tầm tìm kiếm những tư liệu về Bác Hồ, một số người cho là ông làm chuyện "viển vông", thậm chí có người còn nói ông là người "không bình thường". Giờ đây, ngôi nhà của ông Sơn đã trở thành bảo tàng về Bác Hồ lưu giữ nhiều tư liệu thông tin quý giá về Bác. Cũng chẳng biết tự lúc nào, các nhà nghiên cứu, người dân và đặc biệt là đông đảo các cháu học sinh đã đến nhà ông Sơn tìm hiểu và tham quan Bảo tàng về Bác Hồ của ông Sơn. Ðây cũng là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức lực để ông Sơn vượt qua căn bệnh tuổi già những lúc trái nắng, trở trời, tiếp tục tìm kiếm, gìn giữ các hiện vật, tư liệu quý về Bác Hồ đối với nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Ông Sơn nói rằng: "Mai đây khi "trăm tuổi", tài sản của tôi chẳng có gì ngoài mảnh đất do bố mẹ để lại, tôi đã chia cho các con. Riêng ngôi nhà hai tầng 14/42 phố Lam Sơn 1, phường Tân Sơn hiện là Bảo tàng Bác Hồ tôi sẽ hiến tặng Nhà nước. Vì chỉ có Nhà nước mới tiếp quản tốt những giá trị lịch sử, văn hóa và tư liệu quý về Bác"./.

(Theo: Ngọc Tuyền/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất