(TG)- Với sự tham gia tích cực, toàn diện và đồng bộ của cả hệ thống chính trị
trong suốt thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hưng
Yên đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực cả về
nhận thức và hành động, tác động sâu sắc đến tư tưởng, ý thức của các
tầng lớp nhân dân.
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện mô hình các hộ dân giao ước với nhau thực hiện theo nếp sống mới, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, những tàn dư của chế độ phong kiến. Điển hình là tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, 6 gia đình (gồm: gia đình ông Luyện Văn Để, Đinh Văn Để, Đinh Văn Khắc, Luyện Văn Ân, Nguyễn Văn Tục, Đỗ Văn Thức) đã tự nguyện giao ước thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn nền nếp gia phong, chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xây dựng kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, dạy bảo con cái chăm ngoan học tập, giúp đỡ láng giềng lúc khó khăn.
Qua thời gian đúc rút kinh nghiệm, 6 gia đình này đã trở thành những gia đình văn hóa đầu tiên trong toàn quốc. Năm 1962, tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa toàn quốc, Ngọc Long đã được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nếp sống mới, được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng bức trướng "Chiếc nôi gia đình văn hóa". Cũng tại Hội nghị này, Bộ Văn hóa- Thông tin đã chủ trương phổ biến, nhân rộng mô hình này trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, Hưng Yên được coi là quê hương và chiếc nôi của phong trào xây dựng gia đình văn hóa của cả nước.
Phát huy truyền thống quê hương, 51 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã huy động được sức mạnh, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục và toàn diện. Trong mỗi giai đoạn cụ thể, rõ nhất là tại các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy luôn xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần đạt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Trên cơ sở đó, HĐND và UBND tỉnh đã thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy, được các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Các xã, phường, thị trấn đều chủ động đưa các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thành nghị quyết đại hội Đảng, nghị quyết Hội đồng nhân dân và chương trình phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của địa phương để tạo sự đồng thuận, đồng bộ cả về nhận thức, tổ chức chỉ đạo thực hiện, định hướng phát triển và chính sách đầu tư, hỗ trợ phong trào. Hàng năm việc đánh giá chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa đều được lồng ghép vào nội dung chương trình tổng kết, sơ kết phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và tổng kết của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch.
Công tác phối hợp chỉ đạo thực hiện phong trào giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các thành viên Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy được hiệu quả cao. Nhiều phong trào được các ngành, đoàn thể phát động đã được đông đảo các gia đình thuộc nhiều thành phần, từ gia đình nông dân, công nhân, trí thức, lực lượng vũ trang, gia đình công giáo, gia đình tiểu thương… đăng ký tham gia. Tiêu biểu như phong trào xây dựng "Gia đình nông dân văn hóa" của Hội Nông dân tỉnh; phong trào bình nhận danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; phong trào "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan" của Hội Liên hiệp phụ nữ; phong trào "Gia đình vì trẻ em" của ngành Lao động, thương binh và xã hội; phong trào xây dựng "Gia đình vì sức khỏe", "Làng vì sức khỏe" của ngành Y tế…
Việc tuyên truyền về phong trào xây dựng gia đình văn hóa được tiến hành từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức: qua các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là Báo Hưng Yên, Đài PTTH tỉnh); qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt các câu lạc bộ; xuất bản, luân chuyển sách có liên quan đến chủ đề về gia đình cho người dân ở tận làng, xã; qua hệ thống pano, áp phích tại cộng đồng dân cư; qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng, cán bộ xã. Bên cạnh đó, vai trò giáo dục trực tiếp, thường xuyên của ông bà, cha mẹ và dòng họ được đặc biệt coi trọng, phát huy.
Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tiến hành công khai ở các thôn, làng, khu phố căn cứ vào 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa đã được ban hành. Ngay từ đầu năm, các gia đình tự nguyện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Cuối năm, khu dân cư họp bình bầu và lập biên bản kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” để ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cấp xã, phường, thị trấn xét duyệt và trình Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn ký giấy chứng nhận gia đình văn hóa và công bố, vinh danh tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của khu dân cư (18/11) và ghi “Sổ vàng Gia đình văn hóa” ở khu dân cư. Những gia đình được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục được cấp giấy chứng nhận của UBND xã. Thông qua đó, làm cho người dân nhận thức rõ về vai trò và vị trí quan trọng của gia đình và phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong đời sống xã hội; quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân, mỗi hộ gia đình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống gia đình Việt Nam, thực hiện thắng lợi phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Theo đó, với sự tham gia tích cực, toàn diện và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hưng Yên đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, tác động sâu sắc đến tư tưởng, ý thức của các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, những điển hình tiên tiến trong phong trào xuất hiện ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Từ 6 gia đình văn hoá đầu tiên ở thôn Ngọc Tỉnh, cái "nôi" của phong trào xây dựng gia đình văn hoá của cả nước, đến năm 1997, cả tỉnh có 115.000 gia đình văn hoá (chiếm tỷ lệ 42,5% tổng số hộ gia đình của toàn tỉnh). Năm 2003 có 148.000 gia đình văn hoá (chiếm 72%). Năm 2007, có hơn 220.000 gia đình văn hóa (chiếm 81%) và đến năm 2012 có hơn 245.200 gia đình văn hóa (86%), 47.269 gia đình được công nhận danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền", 35.978 gia đình hiếu học, trong đó có 8.172 gia đình hiếu học xuất sắc; có 2.069 dòng họ hiếu học, trong đó có 483 dòng họ hiếu học xuất sắc. Điển hình như các khu dân cư: Liêu Thượng (xã Liêu Xá, Yên Mỹ), Tứ Mỹ (xã Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào), Thiết Trụ (xã Bình Minh, Khoái Châu)… Nhiều huyện có tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa cao hơn mức trung bình của cả tỉnh như Mỹ Hào, Ân Thi, Yên Mỹ, Phù Cừ, Khoái Châu…
Hầu hết các gia đình văn hóa đều gương mẫu chấp hành
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham
gia các phong trào thi đua của địa phương; có ý thức cao trong việc giữ
gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, không
vứt, xả rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ, đúng quy định, xây dựng và thực
hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công cộng, thực hiện tốt nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Không chỉ giữ gìn gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, nhiều gia đình "tứ đại đồng đường", "tam đại đồng đường", duy trì cuộc sống chung giữa 3, 4 thế hệ mà không để xảy ra điều tiếng, bất hòa; các thành viên sống bình đẳng, yêu thương nhau, đoàn kết, có trách nhiệm chăm sóc nhau. Ông bà giúp đỡ, giáo dục con cháu đạo lý, truyền thống gia đình Việt Nam kính trên nhường dưới. Bố mẹ bảo ban, dạy dỗ, chăm sóc con cái, tạo điều kiện cho con học tập tốt, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. 100% cháu trong độ tuổi được đến trường. Thành viên trong các gia đình văn hóa đến độ tuổi đều được đi mẫu giáo, đạt phổ cập trung học cơ sở trở lên. Các thành viên trong gia đình được tạo điều kiện thuận lợi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần. Người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích"; người ở độ tuổi lao động tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; các thành viên trong gia đình cùng hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, đảm bảo đạt mức sống bằng hoặc trên mức trung bình của tỉnh. Mặt khác, các gia đình văn hóa còn có tinh thần đoàn kết hàng xóm, láng giềng, tham gia các hoạt động hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng…, được cộng đồng dân cư suy tôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, là hạt nhân trong phong trào thi đua ở địa phương, cơ sở.
Điển hình như: gia đình bà Nguyễn Thị Đót, thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu - một gia đình thuần nông đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ chân ruộng trũng thành vườn vây nhãn Miền, chăn nuôi lợn nái cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/năm, đồng thời còn là tấm gương tích cực tham gia công tác xã hội, nuôi dạy con ngoan ngoãn, thành đạt, 5 năm liền được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên tặng danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền". Gia đình ông Nguyễn Hải Đồng, thôn Phú Sơn, xã Hưng Long, huyện Mỹ Hào - có 5 người con thì các con đều thành đạt trong học tập, công tác; bản thân ông không chỉ đề xuất thành lập câu lạc bộ sinh vật cảnh mà còn được tín nhiệm bầu làm chủ tịch câu lạc bộ liên tiếp 3 nhiệm kỳ đại hội; thành lập và tài trợ lưới, cầu, vợt cho câu lạc bộ cầu lông thôn Phú Sơn. Gia đình ông Bùi Huy Việt, thôn Hạ Cát, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, thường xuyên vận động con cháu ủng hộ tiền làm công tác từ thiện - năm 2011, ủng hộ UBND xã xây dựng đài tưởng niệm và 2 nhà bia nghĩa trang liệt sỹ xã là 150.000.000 đồng; năm 2012, ủng hộ xây nhà ăn bán trú cho Trường mầm non xã Tống Phan 120.000.000 đồng, ủng hộ giao thông nông thôn mới là 50.000.000 đồng, đường điện thắp sáng trong thôn là 30.000.000 đồng. Gia đình bà Trần Thị Hằng, thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ - gia đình thuần nông, đã tự nguyện phá bỏ công trình mới xây kiên cố gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước mưa, một bể nước lọc giếng khoan, cổng, tường rào với tổng trị giá lên đến gần 100 triệu đồng, hiến 30,2m2 đất để phục vụ làm đường giao thông nông thôn, là tấm gương để 99 hộ dân sống hai bên đường tự nguyện hiến 4000m2 đất, phá nhà ở, công trình phụ, cổng, tường bao, có trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng….
Một điều đáng phấn khởi đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hưng Yên là việc phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng điển hình tiên tiến được quan tâm đúng mức. Điều này lí giải vì sao những gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc như gia đình ông Quách Xuân Lưu (ấp Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi), gia đình ông Nguyễn Như Bột (thôn Phương Đường, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu), gia đình ông Trần Minh Chuật (thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ), gia đình ông Đặng Ngọc Lương (thôn Hà Châu, xã Hoàng Hanh, huyện Tiên Lữ)… lại thường xuyên được biểu dương, khen thưởng tại các hội nghị tổng kết 5 năm một lần của tỉnh, của Trung ương.
Những kết quả nêu trên là minh chứng sinh động cho việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hưng Yên thực sự đạt được những hiệu quả tích cực, góp phần huy động sức người, sức của, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, thiết thực đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng "về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đi vào cuộc sống.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[1]. Vì thế việc xây dựng gia đình văn hoá ở Hưng Yên và rộng hơn là xây dựng môi trường văn hoá trong cộng đồng và xã hội trong sáng, lành mạnh, văn minh không chỉ có tác động mạnh mẽ đối với quá trình phát triển bền vững của mỗi gia đình, mỗi địa phương, mà còn có ý nghĩa lớn lao, góp phần xây dựng nền văn hoá mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII trên phạm vi cả nước./.
Hoàng Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên
----------------
[1] Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, tháng 10 – 1959, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H,2000, tập 9, trang 265.