Thứ Hai, 9/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Ba, 25/6/2019 10:29'(GMT+7)

Hướng tới phát triển du lịch bền vững ở Vĩnh Phúc

Khu du lịch hồ Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Khu du lịch hồ Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

TIỀM NĂNG CỦA “VÙNG ĐẤT VÀNG”

Với Khu du lịch Tam Đảo; các hồ: Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng, vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù …, Vĩnh Phúc là vùng đất là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Đây chính là những tiềm năng để tỉnh trở thành "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống (lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống ; trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số làng nghề nổi tiếng, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), cá thính Lập Thạch … Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn chưa có chỗ đứng tại các điểm du lịch.

Với những lợi thế về phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa nổi tiếng, Vĩnh Phúc đã và đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Trong kế hoạch phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đặt rõ mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Quá trình phát triển kinh tế song hành với phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống, cảnh quan, môi trường.

 Năm 2017 Vĩnh Phúc đón 4,42 triệu lượt khách và 33.500 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch năm 2017 đạt 1.420 tỷ đồng. Trong năm 2018, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu về du lịch đều hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, ngành du lịch ước đón 5,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 40.200 lượt khách quốc tế, tăng 20%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017.

Chỉ tính riêng trong Quý I năm 2019, khách du lịch tới Vĩnh Phúc ước đạt 1,7 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ, đây là tiền đề quan trọng trong mục tiêu phấn đấu đón 6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc đã và đang tăng cường đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án...

Để khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu tạo bước đột phá về phát triển các ngành Dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên phát triển các ngành Dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao. Trên tinh thần nghị quyết 01, nhiều chính sách, cơ chế, đề án của các ngành để phát triển du lịch được ban hành. Vĩnh Phúc đã ban hành 21 cơ chế chính sách, đề án của các ngành để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành và phê duyệt 58 quy hoạch; triển khai lập 194 đồ án quy hoạch...

 Nếu năm 2011, trên địa bàn tỉnh mới có 172 cơ sở lưu trú với 2.789 phòng thì đến tháng 3/2019, Vĩnh Phúc đã có 377 cơ sở lưu trú với khoảng 6.464 phòng phục vụ du khách; trong đó có 2 khách sạn 5 sao 01 khách sạn 4 sao và 306 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391: 2009.

Để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung các nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, quà tặng lưu niệm.

Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Vĩnh Phúc; khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng, góp phần đưa du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất