Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 31/3/2010 16:38'(GMT+7)

Bộ đội Biên phòng học tập và làm theo gương Bác

Trong số 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc được tôn vinh, lực lượng BĐBP có 2 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động được tôn vinh. Ảnh minh họa

Trong số 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc được tôn vinh, lực lượng BĐBP có 2 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động được tôn vinh. Ảnh minh họa

Họ là những “bông hoa” tiêu biểu đại diện cho hàng vạn cán bộ, chiến sỹ BĐBP trên khắp các miền biên cương của Tổ quốc. Mỗi câu chuyện của họ, đều là những minh chứng sống động cho những phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” xứng đáng được Đảng tin, dân quý.

Đại úy Thạch Hữu Trung: quyết tâm mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào

Từ khi có Cuộc vận động, Đại úy Thạch Hữu Trung, Chính trị viên Đồn 765, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Nông đã sưu tầm, tìm đọc những mẩu chuyện về Bác Hồ. Mỗi câu chuyện đã lắng đọng trong anh tư tưởng và nhân cách của một con người vĩ đại nhưng hết sức bình dị, gần gũi. Chính vì thế, anh đã suy nghĩ: ‘’Người vĩ đại bao nhiêu thì khiêm tốn, giản dị bấy nhiêu, đạo đức của Người không phải thánh thần chỉ đứng xa để ngắm mà có thể học tập và làm theo được”.

Ở cương vị công tác là chính trị viên phó Đồn biên phòng Đăk Tiên, anh đã suy nghĩ và đề nghị với cấp ủy, ban chỉ huy Đồn tổ chức một buổi sinh hoạt ôn lại những lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng biên phòng và đối chiếu xem trong giai đoạn này nên lựa chọn nội dung nào là đột phá cho Cuộc vận động. Cuối cùng, Đồn đã thống nhất lấy nội dung: “Hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, trung thành với Đảng, tận tụy với dân” là trung tâm, trong đó lấy thành tố “tận tụy với dân” là yếu tố then chốt. Xuất phát từ quan điểm đó, Đồn đã nhanh chóng tiến hành khảo sát đánh giá tình hình địa bàn, đời sống của đồng bào ở Thuận Hà. Bà con nơi đây vẫn còn 2 thứ giặc đeo bám là “giặc đói” và “giặc dốt” làm cho đời sống còn nhiều lạc hậu, khó khăn. Xã Thuận Hà, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Lăk có diện tích tự nhiên 5.643 héc ta, dân số 1021 hộ với 4.011 khẩu, phần lớn di cư từ các tỉnh phía Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới. Đăk Tiên là xã mới thành lập nên hạ tầng cơ sở còn yếu kém, tình hình an ninh phức tạp, mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ chiếm 17%. Đồn Biên phòng 765 cũng mới được thành lập từ năm 2004, đóng quân sát biên giới, cách trung tâm xã Thuận Hà chừng 10 km, nhưng vì đường chưa mở nên để đi đến được trung tâm xã phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ bằng xe máy. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận trong cấp ủy, chỉ huy đơn vị để xác định quyết tâm đột phá vào trận chiến không khói, không tiếng súng này, Đại úy Trung đã tích cực tham mưu ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch để triển khai giúp nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Khi sự chuẩn bị đã chín muồi, các anh trực tiếp xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở với bà con để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, rồi tham mưu cho địa phương lắp đặt hệ thống phát thanh công cộng để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu gương điển hình tiên tiến, giới thiệu những mô hình nuôi trồng có giá trị cao về kinh tế cho bà con học tập, ứng dụng. Đồn Biên phòng 765 đã tìm gặp và mời một số người ở các địa phương khác có kiến thức về địa chất, thổ nhưỡng và phát triển kinh tế vườn, chuồng trại, làm ruộng để đến tham quan và hướng dẫn bà con xã Thuận Hà cách nuôi trồng trên những mảnh đất mà bà con đang canh tác theo cách truyền thống nay đã bạc màu, năng suất kém.

Và những thay đổi kỳ diệu đã diễn ra. Từ những thửa ruộng trước đây chủ yếu là cây ngô thì nay đã phủ xanh bằng những thảm khoai lang Nhật Bản cho năng suất cao, chất lượng tốt, có giá trị về kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cây ngô và nhiều loại cây hoa màu khác. Mỗi năm, bà con Thuận Hà trồng được 2 vụ khoai, mỗi vụ cho năng suất 10 tấn/01 héc ta, trị giá từ 40-50 triệu đồng, đời sống dần dần khá giả.

Một công việc thành công đặc biệt đã đem lại niềm vui cho cán bộ, chiến sĩ và bà con Thuận Hà đó là việc vận động, mở lớp dạy chữ cho bà con. Đồn BP 765 đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Đăk Song mở lớp dạy chữ cho bà con độ tuổi từ 15-60 – những người chưa bao giờ cắp sách đến trường hoặc là đã bỏ học và quên mất chữ. Để mở được lớp, bộ đội biên phòng Đồn 765 cũng phải vất vả đi từng nhà, từng thôn xóm để vận động mọi người đi học; làm tốt công tác dân vận để “xóa mù chữ”. Việc ấy diễn ra hàng tháng trời. Lớp học được mở, 58 học sinh đầu tiên ở những độ tuổi khác nhau đã cùng nhau đến lớp khai giảng. Họ mặc đồ mới nhất, đẹp nhất, phần lớn là đồng bào người Dao đỏ với những trang phục truyền thống chỉ mặc trong những dịp lễ hội lớn hoặc khi về nhà chồng. Lần đầu tiên được gọi là ‘thầy giáo”, Đại úy Trung vui đến cả chục ngày. Sau 4 tháng, lớp học bế giảng, 100% đều “tốt nghiệp ra trường”, có chị còn e ấp nói: “mình mang chữ về dạy chồng mình nữa. Chồng mình làm việc đồng để mình đi học đấy”.

Phó trưởng bản mang quân hàm xanh

Thiếu úy Quách Văn Tuấn, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) được bà con dân bản Cha Khót đặc biệt yêu quý. Bởi anh là người làm công tác vận động quần chúng, đã tích cực tham mưu, giúp đỡ củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.

Năm 2008, chàng lính trẻ sinh năm 1980 được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách tổ công tác cắm bản tại bản Cha Khót, với nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm giúp dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh.

Cha Khót là bản giáp biên với nước bạn Lào nằm cách đồn 19 km với 35 hộ dân, là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Quan Sơn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng bào chủ yếu là người dân tộc Thái di cư từ các huyện Lang Chánh và Bá Thước đến từ trước năm 1962. Cơ sở hạ tầng ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; đời sống nhân dân còn nghèo và chậm phát triển, tệ nạn xã hội, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, săn bắn động vật hoang dã diễn ra khá phổ biến. Khi mới đến Cha Khót, không phải ngay từ đầu bộ đội biên phòng đã được người dân tin yêu. Người tốt không mặn mà với bộ đội vì sợ những kẻ có “máu mặt” uy hiếp, dọa dẫm, còn người xấu thì đe dọa và tìm cách gây sự với tổ công tác. Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, Thiếu úy Quách Văn Tuấn đã tìm hiểu đời sống của bà con, tiếp cận từng gia đình, lắng nghe những khó khăn, thiếu thốn của những người dân Cha Khót. Thấy đời sống của đồng bào còn cực quá, anh về tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị phát động cán bộ, chiến sĩ và một số doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ kinh phí để giúp bà con trong sản xuất và đời sống. Sau 10 ngày phát động, đồn đã thu được 35 triệu đồng để mua máy cày, sách vở, áo ấm, con giống giúp bà con. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, Tổ công tác tại Cha Khót đã hàng ngày cùng đi làm, lên nương rẫy cùng bà con, hướng dẫn kỹ thuật cấy, chăm sóc lúa nước, trồng rừng, tối đến cùng tham gia sinh hoạt với các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền chính sách, pháp luật. Các anh đã kiên trì vận động để bà con thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu trong canh tác, chăn nuôi, sinh hoạt.

Đến nay, đời sống mọi mặt của nhân dân trong bản Cha Khót ngày càng khởi sắc; an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép cơ bản chấm dứt. Nhân dân đã tích cực trồng lúa. Vụ đông - xuân năm 2009, năng suất lúa tăng gấp đôi so với canh tác truyền thống trước kia. Tổ công tác cũng đã giúp bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc được hơn 13 ha rừng theo Dự án 661.

Sự kiên trì và tận tụy, không quản ngại khó khăn vất vả cùng những tình cảm chân thành của những người lính cắm bản đã dần dần làm thay đổi người dân Cha Khót. Niềm tin, tình cảm của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và Bộ đội Biên phòng được củng cố. Nhân dân đã tích cực tham gia cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, bản Cha Khót đã đạt tiêu chí bản văn hóa cấp huyện và là bản có mô hình tiên tiến về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đang được nhân rộng trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo phụ trách.

Ghi nhận những thành tích ấy, Thiếu úy Quách Văn Tuấn được Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá là một trong những cá nhân có thành tích xuất sắc, điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Còn nhiều những cá nhân, tập thể điển hình khác đã được biểu dương với những câu chuyện làm người nghe cảm phục, trân trọng đã được chia sẻ qua các Hội nghị giao lưu, biểu dương ở các cấp. Đó là Nguyễn Thanh Tùng, chiến sĩ biên phòng, đồn Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, Lào Cai với những thành tích nổi bật trong công tác vận động nhân dân không tuyên truyền đạo trái pháp luật, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Thượng tá Phạm Văn Ty, Đồn trưởng ồn 309, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã cùng đồng đội tổ chức cai nghiện thành công cho hàng trăm đồng bào La Hủ tại xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Đồng chí A Vử, Đội phó Đội vận động quần chúng - Đồn Biên phòng 713, Kon Tum luôn bám sát địa bàn, vận động nhân dân không nghe lời kẻ xấu, xóa bỏ hủ tục, phát triển sản xuất.... Là Thượng úy Y Wang Nie, dân tộc Ê đê, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk luôn nhiệt tình, hăng hái đi đầu, giúp người dân đào kênh, làm ruộng, cứu hộ những ngày lũ; giúp bà con làm kinh tế, xây dựng đời sống mới, đẩy lùi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu ở buôn Đrăk Pốk… Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, người đã trực tiếp chỉ huy, tổ chức xuất kích 19 lượt tàu tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, xua đuổi hàng chục lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, và nhiều đợt tuần tra đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại với muôn vàn gian khó, hiểm nguy. Nguyễn Hồ Dật, thuyền trưởng, Hải Đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi được đồng đội đặt cho biệt danh “cọp biển” bởi lòng gan dạ, quyết đoán và đầy bản lĩnh đối mặt với mọi nhiệm vụ ở biển khơi. Đó còn là các tập thể như Đồn biên phòng 617, (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) đều là những Đồn Biên phòng đóng ở những nơi xung yếu, phức tạp về an ninh trật tự. Đại diện Đồn Biên phòng 617 (Quảng Trị) từng chia sẻ kinh nghiệm nhờ sự đoàn kết gắn bó với đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô..., đơn vị đã góp phần giữ vững bình yên nơi biên giới Tổ quốc thông qua nhiều việc làm ý nghĩa như xây dựng nhà đoàn kết, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo... Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh quản lý, giữ gìn an ninh trật tự 14,65km đường biên giới, trong đó có 6/36 bản giáp biên, một trạm cửa khẩu quốc tế Tân Thanh và 20 đường mòn qua lại. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bám sát địa hình, thường xuyên duy trì công tác tuần tra, canh trực các cấp… lực lượng Biên phòng Tân Thanh đã bắt được hàng chục vụ buôn bán hàng lậu qua biên giới, thu về cho Nhà nước nhiều tỉ đồng…

Những người lính biên phòng trên khắp mọi miền đất nước, từ những vùng hải đảo xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió, đến những vùng phên dậu của đất nước đều lặng lẽ, âm thầm thực hiện công việc của mình với nhiều hy sinh, gian khó. Hơn thế, trong gian khổ, họ đã luôn vươn lên để khẳng định những phẩm chất sáng ngời của “Bộ đội cụ Hồ”, được Đảng tin, dân yêu, bảo vệ chủ quyền đất nước và bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3), lắng nghe những câu chuyện của từng cá nhân, tập thể, chúng ta càng thêm cảm phục và trân trọng những gì mà lực lượng biên phòng đã và đang làm cho nhân dân, cho đất nước./.

Hồng Lam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất