Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 7/8/2016 15:57'(GMT+7)

Khi danh hiệu không gắn liền trách nhiệm

Danh xưng hoa hậu những năm qua luôn gắn liền ít nhiều điều tiếng: Hoa hậu Việt Nam 2008 chưa học xong lớp 12, Hoa hậu Việt Nam 2012 không trung thực về trình độ học vấn, Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 nói dối về tình trạng hôn nhân... Và cách đây chưa lâu, hình ảnh của Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên hút thuốc lá trong quán cà-phê lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội nối dài những hình ảnh không mấy đẹp của đương kim hoa hậu; tiếp tục bổ sung danh sách những xì-căng-đan của các người đẹp sau đăng quang. Ngày 5-8 vừa qua, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đã có quyết định khiển trách, đồng thời đề nghị Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 không sử dụng hình ảnh và không để Kỳ Duyên tiếp tục đồng hành với các sự kiện tiếp theo của cuộc thi (có nghĩa Kỳ Duyên cũng không được phép xuất hiện trong đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016, không được quyền trao vương miện cho Hoa hậu kế vị như thông lệ).

Người đẹp nào tham gia "đấu trường" nhan sắc cũng hứa hẹn mang tâm huyết và tài năng làm những việc có ích cho xã hội. Nhưng dường như vẫn chỉ là lời hứa, khi mà những hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường... của rất ít người đẹp có ý thức thực hiện chỉ mang tính cầm chừng.

Trong khi đó, xuất hiện thường xuyên và lan truyền mạnh trên các phương tiện truyền thông lại là những thị phi gắn liền tên tuổi người đẹp. Sự thật này khiến dư luận đặt dấu hỏi về câu chuyện "hậu đăng quang" và trách nhiệm của hoa hậu.

Hoa hậu luôn là danh xưng cao quý, là danh hiệu mơ ước của nhiều cô gái trẻ. Tuy nhiên, không có vinh quang nào không đi kèm trách nhiệm. Tư cách đại diện yêu cầu họ thông qua hình ảnh và việc làm của mình đóng góp cho xã hội. Song không ít người chỉ xuất hiện theo kiểu "một phút huy hoàng rồi chợt tắt", như trường hợp của Hoa hậu Dân tộc Việt Nam Hồng Nhung, Hoa hậu Thể thao Trần Thị Quỳnh, hay Hoa hậu Việt Nam Mai Phương... Dư luận chưa quên những hoa hậu sau khi đăng quang đã từ chối trách nhiệm tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Điển hình là Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan, từng hai lần từ chối dự thi Hoa hậu Thế giới với lý do bận học.

Tại các cuộc thi hoa hậu trên thế giới, ngay khi chưa có kết quả, Ban tổ chức đã công bố cả kế hoạch hành động chi tiết đối với người đăng quang. Theo đó, những người đẹp ngay từ khi ứng cử đã phải ý thức trước trách nhiệm và những việc cần làm nếu giành vương miện. Tuy nhiên, ở nước ta, dường như vẫn thiếu sự đồng hành của những người tổ chức đối với hoa hậu; cũng như chưa có sự chặt chẽ trong quy chế cam kết thực hiện trách nhiệm của hoa hậu với cộng đồng. Điều đó dẫn đến việc những người đẹp bước ra khỏi cuộc thi chưa tạo được sức lan tỏa, phần nhiều còn lúng túng trong việc quản lý hình ảnh, sắp xếp kế hoạch hành động, cho nên dễ bị động, mất phương hướng và liên tiếp dính xì-căng-đan. Hiện chỉ có một số công ty mua bản quyền, cử đại diện Việt Nam tham dự các đấu trường sắc đẹp quốc tế có cam kết đồng hành cùng thí sinh sau cuộc thi, còn phần lớn cuộc thi trong nước đang "bỏ rơi" người đẹp. Ban tổ chức chỉ thành lập theo mùa giải và giải tán sau khi cuộc thi kết thúc, cho nên không chịu trách nhiệm hay kịp thời giải quyết những phát sinh liên quan hoa hậu sau đăng quang. Từ khâu tổ chức, ban hành quy chế, đào tạo đến quản lý hoa hậu đều có "lỗ hổng".

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa cho biết, đang soạn thảo quy chế hỗ trợ hoa hậu hoạt động, xây dựng hình ảnh để khi bước ra khỏi cuộc thi không bị bỡ ngỡ trước môi trường mới, với vị trí mới. Kết quả của sự thay đổi này cần thời gian đánh giá, nhưng dẫu sao đây cũng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận trên hành trình chuyên nghiệp hóa các cuộc thi nhan sắc, giúp các hoa hậu ý thức được trách nhiệm của mình tương xứng danh hiệu và kỳ vọng của công chúng.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất