Lâu nay người ta thường nói tới nạn chạy chức, chạy quyền. Ai cũng
hiểu đó là “chạy” để được lên chức, được luân chuyển. Chao ôi, con đường
này thật lắm công phu. Trước hết phải chạy đi học lớp lý luận cao cấp,
tại chức nhì nhằng, đánh trống ghi tên. Kế đến là chạy vào quy hoạch.
Vào quy hoạch rồi mới đến các vòng khác theo… quy trình.
Cái khổ của người chạy chức thì ai cũng rõ. Nhưng rõ nhất là anh ta lúc nào cũng phải “đi nhanh, nói chậm, hay cười/chuyện đâu bỏ đó là người phiếu cao”. Lúc nào cũng phải lo “thăm nom”, “chăm sóc” cấp trên và… đại gia đình cấp trên. Thôi thì, sinh nhật, giỗ chạp, tân gia, đầy tháng, vợ sếp đi Tây… Anh cán bộ cơ hội đang ngắm cái ghế kia ghi đầy đủ các ngày quan trọng của sếp trong sổ.
Đó là chạy lên. Còn chạy ở lại thì có khác. Tức là nó đột xuất quá. Không có thời gian để “thăm nom” ai cả. Đùng một cái sếp đánh tiếng sắp tới sẽ đưa cậu lên chức nọ chức kia. Nghe mà choáng luôn. Có anh đang làm trưởng công an ở một huyện, quyền sinh quyền sát, ngày nào cũng có nguồn thu. Bỗng dưng lãnh đạo công an tỉnh báo động sắp tới sẽ đưa cậu về phòng Phong trào. Choáng! Anh Trưởng công an huyện gãi đầu gãi tai: Thưa thủ trưởng em học ngành cảnh sát giao thông. Nếu Thủ trưởng điều lên xin cho em về… giao thông. Nếu không thì xin được ở lại. Và rồi tức thì hôm sau anh ta tìm đến nhà Giám đốc công an tỉnh, gọi là có chút quà mừng anh vừa tái cử Thường vụ: “Anh ơi, em còn vài năm nữa, Thủ trưởng thương em…”.
Ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng, mới rồi kiện toàn HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2020, cần tìm một người giữ chức Phó chủ tịch HĐND. Thường vụ bàn mấy buổi không xong. Nhắm Bí thư Huyện ủy huyện A, người này giãy nảy: Tôi chỉ còn ba năm nữa, tôi muốn về hưu ở chức vụ này, ở quê hương của tôi, xin nhường chức này cho mấy anh còn trẻ. Lại nhắm sang Giám đốc Sở Nội vụ. Người này cũng lý do còn mấy đề án chưa hoàn thành rồi đề xuất mấy anh giám đốc khác, tuổi trẻ hơn, nên đưa lên, rồi còn… lên nữa. Đương nhiên, lý do như vậy không dễ được chấp thuận. Cả bí thư huyện ủy, giám đốc sở phải xách cặp chạy khắp nơi. Chạy đi ăn trưa. Chạy đi đánh gôn. Chạy đi… cùng học nghị quyết với cấp trên. Chạy lên nhà con trai sếp ở Hà Nội vào ngày nghỉ.
Cuối cùng thì hai vị này “thoát”, không phải "lên" chức Phó Chủ tịch Hội đồng. Thành ra, ở tỉnh này cứ loang ra câu chuyện “rung chà cá nhảy”. Và cái suất Phó Chủ tịch Hội đồng ấy cuối cùng “rơi” vào tay một anh Giám đốc sở khác, còn khá trẻ. Anh này ngồi vào đây là ngồi vào bệ phóng. Có người bảo âu cũng là cái “số” con người ta. Người khác mỉm cười ý nhị.
Dẫn chứng chuyện này còn nhiều. Chung quy là, những vị không muốn lên chức thường là cái chức đó “hữu danh vô thực”. Hội nghị nào cũng nói, phải đưa những cán bộ có năng lực sang làm công tác mặt trận, dân vận, hội đồng chuyên trách thế nhưng điều đó vẫn dừng lại ở chủ trương. Còn đối với cán bộ làm công tác đảng, được giao làm tuyên giáo, dân vận, thì coi như… lên mà xuống đấy. Vì vậy, dân văn phòng thường truyền tai nhau: “Oai như tổ chức, bực như kiểm tra, nhạt nhòa như dân vận…”.
Cách đây 25 năm, một nhà báo viết bài “Em lạy anh” đăng báo Nhân Dân. Chuyện rằng, có một bà Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự kiến đưa vào Thường vụ để làm Trưởng ban Tuyên giáo. Nghe vậy, bà tức tốc sang gặp Bí thư Tỉnh ủy: “Em lạy anh. Anh còn coi em là cô em gái thì cứ để em bên ủy ban”. “Em lạy anh” đã trở thành câu chuyện điển hình chỉ những người không muốn làm công tác Đảng, đoàn thể. Đã một phần tư thế kỷ rồi mà tình hình vẫn giống như thế. Khuyết điểm của công tác tổ chức cán bộ, hay của công tác tư tưởng đây? Không thể nói chung chung “khuyết điểm của chúng ta là chưa sắp xếp, bố trí đúng cán bộ”.
Chừng nào chưa có giải pháp tốt, chưa có chính sách cán bộ đúng thì chuyện “chạy” vẫn tồn tại dai dẳng. “Chạy” để không lên chức tuy không phổ biến bằng “chạy” lên chức, nhưng cũng là một dấu hiệu không bình thường và cũng kéo dài nhiều năm. Có điều gần đây thì nó bộc lộ rõ ràng hơn.
Câu hỏi ấy dành cho các nhà tổ chức và các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu.
Hải Đường/Nhân dân