“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Thương người như thể thương thân”, “Nhịn miệng đãi khách đường xa”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo/ Nghèo tiền, nghèo bạc chẳng cho là nghèo”...
Đó là những câu tục ngữ, ca dao đề cao đạo lý tốt đẹp của ông cha ta từ hàng ngàn đời nay. Truyền thống tương thân, tương ái đã trở thành một nét đẹp văn hóa và phong cách ứng xử đầy tính nhân văn của con người Việt Nam. Những năm tháng chiến tranh hay thời kỳ bao cấp, dù cuộc sống còn bao khó khăn, vất vả, nhưng đại bộ phận nhân dân ta vẫn sống với nhau rất gắn bó, đùm bọc, có trước có sau.
Tuy vậy, từ khi đất nước đổi mới, nền kinh tế thị trường từng bước phát triển, điều kiện vật chất ngày càng đầy đủ, sung túc hơn, nhưng một bộ phận người trong xã hội ta hiện nay đối xử với nhau lạnh lùng, nhạt nhẽo theo kiểu “tiền trao cháo múc”, “khôn sống mống chết”, cháy nhà hàng xóm vẫn “bình chân như vại”. Vì một miếng đất có giá trị, anh em sẵn sàng bỏ qua tình máu mủ ruột thịt, tranh chấp nhau từng mét vuông, có trường hợp còn đánh chửi, xô xát và phải lôi nhau ra tòa. Có người đặt đồng tiền lên trên hết thảy mối quan hệ, không thèm kính trọng, chăm nom, phụng dưỡng đến cả những người từng “mang nặng đẻ đau” ra mình. Có người thấy cái sai, cái xấu, cái ác không dám lên án, đấu tranh, thậm chí còn bao che, tiếp tay, dung dưỡng cho nó ngang nhiên tồn tại và lộng hành. Có người thấy cảnh hoạn nạn, éo le của người khác, không những không một lời hỏi han, động viên, chia sẻ, mà còn có thái độ miệt thị, khinh rẻ. Có người bất chấp lương tâm, đạo lý, sống trên mồ hôi, nước mắt của bao sinh mạng. Có người sống quá xa hoa, lãng phí trong khi xung quanh mình còn bao người phải gom góp, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để có bát cơm, tấm áo đời thường và nuôi con ăn học. Nhiều nơi đồng bào bị thiên tai lụt bão, có người không thoải mái lắm khi đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ bà con vài nghìn đồng, nhưng sẵn sàng chi hàng triệu đồng cho các cuộc nhậu nhẹt, chơi bời thâu đêm suốt sáng ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Đáng buồn hơn, có người đã tìm mọi cách để ăn chặn, ăn bớt, cắt xén tiêu chuẩn, chế độ ngay cả đối với những gia đình thương binh liệt sĩ, những người có công với cách mạng, những đối tượng neo đơn không nơi nương tựa...
Người ta gọi những biểu hiện trên là thói dửng dưng đối với cộng đồng, xã hội. Dửng dưng ẩn hiện tinh vi dưới nhiều hình thức, thực chất đó là lối sống ích kỷ, thiếu tình thương yêu đồng loại-một thói xấu hoàn toàn xa lạ và trái với truyền thống nhân nghĩa của con người Việt Nam. Dửng dưng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, chỉ muốn “mọi người vì mình”, trong khi mình lại không muốn “vì mọi người”. Bởi vậy, việc phê phán, đấu tranh, loại trừ thói dửng dưng ra khỏi đời sống hằng ngày là bổn phận, trách nhiệm không của riêng ai. Thường xuyên rèn luyện, trau dồi để nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, coi trọng việc tu nhân tích đức, sống nhân hậu, thủy chung, giàu tình thương yêu và quý trọng con người, sẵn sàng sẻ chia và đề cao trách nhiệm cộng đồng là “liều thuốc đặc hiệu” có khả năng “chữa trị” được thói dửng dưng trong mỗi con người./.
Đức Thuận (QĐND)