Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 1/9/2010 7:56'(GMT+7)

Khi quyền công dân được phục hồi

Thiếu tướng Hà Thanh Đình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 8, Bộ Công An) trao quyết định đặc xác cho các phạm nhân tại buổi lễ. Ảnh : Thế Anh - TTXVN.

Thiếu tướng Hà Thanh Đình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 8, Bộ Công An) trao quyết định đặc xác cho các phạm nhân tại buổi lễ. Ảnh : Thế Anh - TTXVN.

Ai cũng hiểu đặc xá tha tù trước thời hạn là thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa; chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta và truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với những người phạm tội, biết ăn năn, hối cải, muốn hoàn lương thành công dân có ích cho xã hội. Nét mới là năm nay Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các địa phương tổ chức tiếp nhận tốt người được đặc xá và tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ sớm hòa nhập cộng đồng. Hội đồng đặc xá Trung ương còn yêu cầu các trại giam tạo điều kiện về phương tiện để đưa những phạm nhân được đặc xá về tận các địa phương…

Chấp hành tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là đòi hỏi đối với tất cả các cấp, đặc biệt là cơ sở. Những năm trước đã có những phạm nhân sau khi được đặc xá, không về quê hương, gia đình, mà bỏ đi sống lang thang. Thiếu sự kiểm tra, giám sát, giáo dục của chính quyền nên lại “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục lao vào con đường phạm tội. Ngay trong đợt này, phạm nhân Vũ Hoàng Oanh được đặc xá nhưng chính Oanh năm ngoái đã được đặc xá rồi lại bị bắt vì phạm tội. (Oanh là chị của Dung “Hà” - Hải Phòng - đối tượng bị chết do sát phạt nhau trong vụ án Năm Cam).

Trên thực tế, đã có những trường hợp người được đặc xá khi về địa phương, công an và cán bộ chính quyền đều né tránh, bà con lối xóm xa lánh!

Gần đây, đã có những trại giam tổ chức dạy nghề cho phạm nhân, nhưng để họ khi ra trại sống được bằng nghề đã học còn là một khoảng cách. Bởi vậy, nhiều người khi còn ở trại, được sự quản lý, đôn đốc chặt chẽ của các giám thị thì chịu lao động, cải tạo nhưng khi về địa phương, gia đình, do thiếu sự quản lý, nhắc nhở lại sống tự do, buông thả. Do lâu ngày trong tù, có người hình thành thói quen bị đốc thúc mới làm việc và sống có kỷ luật.

Để giúp những người vừa được đặc xá xóa đi mặc cảm, sớm hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương - trực tiếp là cảnh sát khu vực và cán bộ thôn bản, tổ dân phố - cần thực sự gần gũi họ, vừa hiểu tâm tư nguyện vọng, vừa tạo cho họ quên đi quá khứ lỗi lầm, có việc làm thích hợp, có môi trường sống lành mạnh, an toàn.

Cách đây 3 ngày, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Quỹ hoàn lương, theo sáng kiến đề xuất của luật sư và những người đã từng được ân huệ đặc xá. Hoạt động của quỹ mang tính chất xã hội từ thiện, nhân đạo nhằm mục đích hỗ trợ giúp đỡ những người đã chấp hành xong án phạt tù, sớm có việc làm và tâm lý ổn định hòa nhập với cuộc sống xã hội. Sáng kiến này cần được khuyến khích và nhân rộng. Tuy nhiên, việc xét hỗ trợ cho các đối tượng này không thể đại trà mà phải thật chặt chẽ, chỉ dành cho những người thực sự khó khăn, ít cơ hội hòa nhập với cuộc sống mới.

Những người được phục hồi quyền công dân, tái hòa nhập cộng đồng là một đối tượng cần được toàn xã hội quan tâm giúp đỡ và giáo dục, nếu không họ sẽ rất dễ trở thành gánh nặng của xã hội./.

(Theo: Đào Văn Sử/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất