Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 22/8/2019 8:51'(GMT+7)

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Chăm sóc cây ăn quả tại thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Chăm sóc cây ăn quả tại thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Một trong những khó khăn cơ bản trong quá trình xây dựng NTM ở Ba Vì là thiếu nguồn lực. Không chỉ nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách còn hạn chế, mà việc huy động và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài và trong nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vẫn còn thấp, nhất là đối với các xã miền núi. Chính vì thế, quá trình xây dựng NTM tại Ba Vì có một số tiêu chí rất khó hoàn thành, thí dụ như tiêu chí trường học. Cho đến nay, mới có 47/112 trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, tức mới đạt khoảng 40%. Đáng nói hơn, trong số này có không ít trường khi áp dụng chuẩn mới thì sẽ lại “rớt hạng”. Mặt khác, tỷ lệ đạt các tiêu chí không đều giữa các xã, các vùng, nhất là ở các xã miền núi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Ba Vì, Yên Bài, Phú Đông... việc thực hiện các tiêu chí NTM hết sức chậm và khó khăn. Đến nay, TP Hà Nội đã có 7/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về đích NTM, tuy nhiên, huyện Ba Vì - nơi có bảy xã vùng đồng bào DTTS, thì mới chỉ có một xã là Ba Trại cán đích. Sáu xã còn lại là Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài và Ba Vì vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt, hoặc mới cơ bản đạt.

Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, huyện Ba Vì đã tìm nhiều hướng đột phá, trong đó có việc huy động sức dân vào xây dựng NTM.

Chúng tôi về Phú Cường, một trong những xã của huyện Ba Vì về đích NTM năm 2018 để nắm rõ hơn về hướng đi này. Suốt bảy năm qua, cán bộ và nhân dân xã đã đồng tâm hiệp lực, quyết tâm xây dựng NTM thành công. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Hải Bình cho biết: Xây dựng NTM là một chương trình lớn tổng thể nhằm phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra và dân được hưởng.

Xác định xây dựng NTM không chỉ để cơ sở vật chất khang trang mà quan trọng hơn là đời sống người dân phải được nâng lên, xã Phú Cường đã chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất lúa, cây màu, đưa các giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tiết kiệm công lao động, tăng năng suất trong các khâu làm đất, thu hoạch. Cùng với cây lúa, cây màu vụ đông, nhiều năm nay, chăn nuôi của xã đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu ngành, chăn nuôi trâu bò từ lấy sức kéo chuyển sang chăn nuôi thương phẩm, đàn gia cầm phát triển mạnh, trên địa bàn đã xuất hiện những vùng chuyên canh thủy sản, cây ăn quả tập trung để tăng thu nhập trên một héc-ta canh tác. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh với nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được giữ gìn và phát triển ổn định, giá trị thu nhập của ngành năm 2018 đạt 88,845 tỷ đồng, chiếm 41,3% cơ cấu kinh tế. Thương mại - dịch vụ là ngành có tốc độ phát triển tương đối nhanh, như các dịch vụ nhà hàng, buôn bán nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, thu hút nhiều lao động tham gia, tổng thu nhập toàn ngành dịch vụ năm 2018 đạt hơn 43 tỷ đồng, chiếm 20% cơ cấu kinh tế. Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế ở cả ba mảng, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 35,2 triệu đồng năm 2017 lên 41,93 triệu đồng năm 2018.

Chúng tôi thăm trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của ông Chu Trọng Nhung tại thôn Vật Yên, xã Vật Lại. Trang trại rộng khoảng 11 ha, trồng 300 cây bưởi Diễn, 1.000 cây nhãn, 500 cây mít và nuôi 2.500 con gà thịt, 300 con lợn ỷ giống Việt thuần chủng. Mỗi năm mưa thuận gió hòa, trừ chi phí ông Nhung thu lãi vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ kinh tế phát triển, gia đình ông Nhung là một trong những hộ tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM của địa phương như làm đường, làm nhà văn hóa, trường học…

Để có được thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở huyện Ba Vì, phải kể đến sự chung sức của nhân dân. Đến nay, huyện Ba Vì đã huy động nhân dân đóng góp gần 144 tỷ đồng, hiến hàng nghìn m² đất thổ cư, đất nông nghiệp, tường rào; góp hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa… Đến hết năm 2018, huyện có 15/30 xã (đạt 50%) được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân huyện Ba Vì ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,18%.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019 huyện Ba Vì phấn đấu có thêm bốn xã về đích NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 19/30 xã, đạt 63,3%.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất