Hiện nay, số lượng đảng viên tại khu vực nông thôn đi làm xa có xu hướng gia tăng. Ðiều này dẫn tới khó khăn cho cấp ủy đảng trong công tác phân công quản lý đảng viên, ảnh hưởng hoạt động chi bộ cũng như nhiều mặt công tác khác. Ðây đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều cấp ủy, đơn vị, địa phương.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế tại nhiều địa phương đã hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, du lịch, dịch vụ… tạo việc làm cho nhiều người lao động. Ðây chính là địa bàn trọng điểm thu hút nhiều lao động từ khu vực nông thôn đến làm việc, sinh sống, trong đó có đảng viên đang sinh hoạt ở các chi bộ thôn, xóm.
Ði làm xa để tăng thu nhập
Ninh Bình là tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với tỷ lệ lao động nông thôn chiếm khá lớn. Những năm trở lại đây, số lượng lao động thực tế tại khu vực này giảm dần do nhiều người đi làm xa, trong số đó có nhiều đảng viên. Lý do chủ yếu là cơ hội có việc làm cho thu nhập cao hơn.
Anh Bùi Văn Xứng là đảng viên Chi bộ thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn. Gia đình anh có bốn người, trong đó hai con đang tuổi ăn học. Chỉ có hơn một sào ruộng không đủ trang trải cuộc sống, vợ anh vào làm công nhân trong khu công nghiệp ở xã bên. Anh đi làm cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng TSH Hà Nội. Anh tâm sự, từ khi hai vợ chồng đi làm công nhân mới đủ tiền cho các con ăn học và dành dụm được chút ít phụ giúp bố mẹ. Nếu ở nhà thì rất khó khăn nên anh chấp nhận, dù biết phải xa gia đình và tổ chức. Không chỉ có các đảng viên thường, nhiều đồng chí giữ vị trí chủ chốt tại các tổ chức chính trị - xã hội thôn, xóm cũng “ly hương” vì lý do kinh tế. Ðảng viên Trần Thượng Hải, nguyên Bí thư Chi đoàn thôn Ðồi Ngô, xã Gia Hòa, thấy bạn bè đi làm xa có thu nhập cao hơn trồng lúa, cũng quyết theo, dù được quy hoạch làm cán bộ xã.
Theo Ban Tổ chức T.Ư, đảng viên nông thôn đi làm xa đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là những nơi đời sống người nông dân còn khó khăn. Tỉnh Kiên Giang có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, đa số dân cư nông thôn làm nghề nông. Những năm gần đây, tốc độ tăng dân số nhanh khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp tính trên đầu người giảm. Mặt khác, do thiên tai, mất mùa, giá nông sản sụt giảm, thu nhập không ổn định cho nên một bộ phận lớn lao động vùng nông thôn ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành đến các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tìm việc làm. Trong đó, Ðảng bộ tỉnh Kiên Giang hiện có 1.796 đảng viên đi làm xa. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang có hơn một nghìn đảng viên đi làm xa, trong đó, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, bộ đội xuất ngũ. Huyện Phụng Hiệp có hơn 220 đảng viên đi làm xa (nhiều nhất tỉnh Hậu Giang), trong đó hơn 80% là bộ đội xuất ngũ. Số lượng đảng viên nông thôn đi làm xa tăng theo từng năm cũng là thực tế ở nhiều địa phương. Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình hiện có 2.099 trong số 71.186 đảng viên đi làm xa, tăng hơn 150 đồng chí so với năm 2017. Ðảng bộ xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn năm 2018 có 30 đảng viên đi làm xa, từ đầu năm đến nay đã có 28 đồng chí đi làm xa.
Ðảng viên nông thôn đi làm xa với mong muốn có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Các đảng viên đi làm xa, hầu hết luôn giữ vững lý tưởng, chấp hành nghiêm Ðiều lệ Ðảng và các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất, chịu khó, năng động, do đó thu nhập và đời sống của đảng viên và gia đình được nâng lên. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhiều đảng viên không thực hiện đầy đủ quy định của Ðảng. Chị Vũ Thị Thanh Mai là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn 5, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), được kết nạp Ðảng khi còn là sinh viên. Tốt nghiệp đại học, trở về địa phương nhưng ngay sau khi trở thành đảng viên chính thức, chị làm đơn báo cáo chi bộ rồi ra Hà Nội tìm việc. Chị Mai đang làm gia sư tại quận Bắc Từ Liêm, công việc bận tối ngày cho nên không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ. Là một trong bốn đảng viên của Chi bộ thôn 5, chị Vũ Thị Hải Yến đang làm cho một công ty nước ngoài ở Hà Nội. “Nghỉ là bị trừ lương, mất việc, vì thế tôi không thể tham gia các hoạt động của chi bộ”, chị Yến chia sẻ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những đảng viên này vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với chi bộ, có đơn xin miễn sinh hoạt và tham gia các hoạt động của chi bộ khi có điều kiện. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, điều kiện công việc nhiều đảng viên không thể tham gia đầy đủ các hoạt động, gây khó khăn cho tổ chức đảng cơ sở khu vực nông thôn trong hoạt động, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị.
Vướng mắc phát sinh
Qua theo dõi, nắm tình hình, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) Lưu Văn Kiểm cho biết, khá nhiều đảng viên nông thôn đi làm xa không giữ mối liên lạc thường xuyên với tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, không tham gia đầy đủ các nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở địa phương, không quan tâm việc đóng đảng phí và không tham gia sinh hoạt chi bộ thường xuyên… Những hạn chế, bất cập này trước hết dẫn đến thiếu lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ở nhiều chi bộ nông thôn. Chi bộ thôn Ðồi Ngô, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn hiện có 19 đảng viên, bình quân tuổi đời của đảng viên trong chi bộ hiện nay là hơn 62, bốn đồng chí tuổi ngoài 70 có lý do bệnh tật, được miễn sinh hoạt. Hai năm nay, chi bộ không kết nạp được đảng viên do cạn nguồn, rất thiếu lực lượng đảm nhận các công việc, như xây dựng nông thôn mới, thí điểm các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển thương mại, dịch vụ… Trong khi đó, ba đảng viên đi làm xa đều là những đảng viên trẻ và có đơn xin được miễn sinh hoạt chi bộ. Theo đồng chí Nguyễn Công Phong, Bí thư Chi bộ thôn Ðồi Ngô, chi bộ không phát huy được trí tuệ cũng như sức trẻ khi các đảng viên đi làm xa, do đó nhiều nhiệm vụ đề ra rất khó thực hiện.
Ðồng chí Lê Xuân Minh, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn (Ninh Bình) cho rằng, các chi bộ có đảng viên đi làm xa đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác giáo dục, quản lý. Theo quy định của T.Ư, đảng viên đi làm xa có thể viết đơn báo cáo chi bộ, được chi ủy xem xét và báo cáo với đảng ủy địa phương cho tạm miễn sinh hoạt. Ðến cuối năm, đảng viên đi làm xa gửi bản tự kiểm điểm về chi bộ để báo cáo và làm cơ sở bình xét, phân loại đảng viên. Trong thực tế, không phải đảng viên nào đi làm xa nơi cư trú cũng có xác nhận của tổ chức đảng, chính quyền địa phương nơi đảng viên đến làm việc. Cá biệt có trường hợp bản tự kiểm điểm của đảng viên đi làm xa nơi cư trú do người nhà viết hộ. Như vậy, đối với chi bộ, nếu chỉ dựa vào bản tự kiểm điểm của đảng viên thì việc đánh giá sẽ không công bằng, thiếu khách quan, nếu không “thông cảm” thì sẽ bị cho là gây khó khăn.
Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, do đảng viên đi làm xa không tham gia sinh hoạt thường xuyên cho nên việc theo dõi, giám sát cũng như giáo dục chính trị, tư tưởng của chi bộ hạn chế. Nhiều chi bộ không nắm chắc được tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như việc đồng chí mình có hay không chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật nơi làm việc. Ðã có trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật nơi làm việc mà chi bộ không biết. Chính sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, thêm vào đó là khó khăn trong đi lại, làm việc, sinh hoạt mà khá nhiều đảng viên nông thôn đi làm xa đã dần sa sút ý chí phấn đấu, không giữ mối liên hệ chặt chẽ với chi bộ. Ngày càng nhiều đảng viên nông thôn đi làm xa ngại thực hiện các quy định về xin phép miễn sinh hoạt, lấy ý kiến của tổ chức đảng, chính quyền nơi đến, thậm chí bỏ sinh hoạt, không đóng đảng phí cho nên chi bộ buộc phải xóa tên khỏi tổ chức đảng.
Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Vĩnh Thuận (Kiên Giang), năm 2018, Ðảng bộ huyện có 19 đảng viên bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, trong đó 11 trường hợp bỏ sinh hoạt đảng do đi làm ăn xa. Ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), năm 2018 có 31 đảng viên bị xóa tên, sáu tháng đầu năm nay tiếp tục xóa tên thêm 16 đồng chí. Tỉnh An Giang, từ năm 2015 đến nay, các cấp ủy đã xem xét, xóa tên 627 đảng viên bỏ sinh hoạt, trong đó đảng viên ở khu vực nông thôn đi làm ăn xa là 150 đồng chí.
Theo Nhân dân