1. Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, Đảng bộ thị xã Long Khánh thường xuyên chăm lo đến công tác thanh niên, nhất là chăm lo bồi dưỡng giáo dục bản lĩnh chính trị, xây dựng, rèn luyện đội ngũ thanh niên xứng đáng là “cánh tay, đội hậu bị tin cậy của Đảng”.
Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên luôn được Đảng bộ đặt ở “vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”, coi đây là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất trong công tác xây dựng Đảng và là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của địa phương.
Quá trình giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên, Đảng bộ Long Khánh luôn hướng vào các nội dung: Xây dựng môi trường lành mạnh cho thanh niên học tập, rèn luyện, phấn đấu; giúp đỡ thanh niên trau dồi đạo đức, nâng cao chí khí anh hùng cách mạng; nắm vững khoa học, kỹ thuật; ra sức học tập và sáng tạo; thực hiện cần cù và tiết kiệm; đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ không ngừng. Từ đó, xây dựng các lớp thanh niên tiến bộ, có nhân cách, có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức phong trào, đảm đương các nhiệm vụ xung kích của thị xã, của tỉnh và của đất nước, đáp ứng với thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Đứng chân trên một địa bàn có nhiều yếu tố nhạy cảm so với các địa phương khác trong tỉnh, thị xã Long Khánh là một đô thị trẻ, ở vị trí cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút nhiều lao động thanh niên không chỉ của thị xã mà còn của nhiều nơi khác trong tỉnh, trong nước. Điều đó, chứa đựng nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của thanh niên, như cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm và tiếp cận với tiến bộ đô thị. Tuy nhiên, phong trào thanh niên cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ của yêu cầu phát triển, nhất là những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH và những mặt trái khắc nghiệt của cơ chế thị trường.
Hiện nay, thị xã Long Khánh có 34.748 thanh niên trong độ tuổi từ 16-30, chiếm 26,21% dân số, là lực lượng lao động quan trọng của toàn thị xã. Số thanh niên thị xã hiện đang đi học xa là 8.668 người, chiếm 24,94% tổng số thanh niên; số thanh niên đi làm ăn xa là 10.235 người, chiếm 29,45%; số thanh niên đang công tác, học tập, lao động thường xuyên có mặt tại địa phương là 15.845 người, chiếm 45,59%. Như vậy, số thanh niên đi làm và đi học xa chiếm phần đông trong tổng số thanh niên của thị xã (54,41%) vừa là điều kiện thuận lợi vì họ được tiếp cận với văn hóa của các vùng miền trong cả nước, bản thân họ, nhất là số thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, hoặc đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiêp và dạy nghề được rèn luyên bản lĩnh chính trị và được học tập, nâng cao trình độ nhiều mặt.
Tuy nhiên, không phải thanh niên nào trong số đó cũng được tìm hiểu và giáo dục bản lĩnh chính trị đầy đủ. Có những thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, đặc biệt là số thanh niên đi làm các nghề tự do thì gần như không bao giờ được học tập, giáo dục bản lĩnh chính trị. Một phần, họ không được các tổ chức Đảng và các đoàn thể quan tâm; một phần do lao động nặng nhọc, vất vả nên không có thời gian và môi trường thuận lợi để được học tâp, rèn luyện bản lĩnh chính trị.
Số thanh niên công tác và làm việc tại địa phương chỉ còn chưa đến 50% trong tổng số thanh niên của thị xã, điều đó cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và tổ chức phong trào thanh niên, nhất là việc nâng cao trình độ lý luận, xây dựng bản lĩnh chính trị cho họ. Phần lớn những thanh niên này đang còn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên; một số lao động dịch vụ hoặc làm công nhân trong các doanh nghiệp và làm ruộng tại địa phương; số rất ít là cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp của thị xã. Hầu hết trong số họ đều ít hiểu biết về lý luận chính trị và ít có hoài bão vươn lên làm giàu bằng trí tuệ, nhất là số thanh niên đã có gia đinh, họ ít tham gia vào các hoạt động xã hội, ít tiếp cận với các phong trào của thanh niên. Cùng với mặt trái của cơ chế thị trường, làm cho việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên trên địa bàn luôn gặp khó khăn, bất cập.
Qua một kết quả điều tra xã học đối với thanh niên thị xã Long Khánh về nội dung học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của của Đảng và Nhà nước, cho thấy: 35,1% cho biết bản thân họ được tìm hiểu và hiểu sâu sắc; 39,2% được tìm hiểu và biết nhưng không thường xuyên; 22% có được nghe nói, nhưng không mấy hiểu biết và 3,7% là chưa bao giờ tìm hiểu. Đây là những con số chưa thực sự thỏa mãn với người nghiên cứu, nhưng dẫu sao cũng phản ảnh một sự thật là còn quá ít thanh niên của thị xã được tìm hiểu và hiểu sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cũng theo số liệu thống kê của nghiên cứu trên, năm 2012 thị xã Long Khánh tổ chức được 64 lớp giáo dục lý luận chính trị, trong đó có 5.921 thanh niên tham gia (trên tổng số 34.748 thanh niên của thị xã chiếm 17%, và trên tổng 15.845 thanh niên cư trú và làm việc tại thị xã chiếm 37,4%).
Chưa bàn đến chất lượng, chỉ mới nhìn vào số lượng thì mỗi năm chỉ có 17% thanh niên của thị xã Long Khánh được học tập về vấn đề giáo dục lý luận chính trị, đây là con số còn quá nhỏ so với yêu cầu thực tế của công tác thanh niên trên địa bàn. Số thanh niên lao động ở xa nhà là những đối tượng ít có cơ hội để được học tập cũng như tham gia các hoạt động tập thể của tổ chức thanh niên ở nơi tạm trú.
Trong những năm gần đây, tuy có rất nhiều cố gắng của các cấp các ngành chức năng, nhưng số thanh niên vi phạm pháp luật ở thị xã Long Khánh vẫn còn ở mức cao: năm 2012 có 58 thanh niên vi phạm, 25 đối tượng sử dụng ma tuý đá, một số vụ việc có tính chất côn đồ và nghiêm trọng; 6 tháng đầu năm 2013, xảy ra 51 vụ phạm pháp hình sự có đối tượng thanh niên tham gia (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2012), làm chết 01 người, nhiều người bị thương, thiệt hại nhiều về vật chất; một bộ phận thanh niên của thị xã còn đua đòi chạy theo những xu hướng, phong trào không lành mạnh như tụ tập đua xe trái phép; sử dụng ma tuý, đặc biệt là ma tuý đá, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và nhận thức của thanh niên địa phương, gây hoang mang cho cộng đồng dân cư.
Qua đánh giá của Đảng bộ và Thị đoàn Long Khánh, cho thấy: Công tác thanh niên đã có nhiều tiến bộ; đời sống, năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của thanh niên trong thị xã ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, ít quan tâm đến cộng đồng và những người xung quanh. Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện, không tích cực học tập lý luận chính trị, không tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào và hoạt động tập thể do nhà trường, địa phương tổ chức; lười học tập, lười lao động, không dám đấu tranh với sai trái, tiêu cực; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác; ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu quan tâm đến tình hình đất nước. Tuy chỉ là một bộ phận, nhưng luôn là sự nhức nhối trong cộng đồng dân cư và là những thách thức lớn đối với cấp ủy và các cấp bộ Đoàn.
2. Những bất cập nêu trên có thể nhận thấy rõ ở một số nguyên nhân:
Trước hết, một số chủ trương của cấp bộ đoàn chưa sát với thực tiễn và điều kiện thực tế của địa phương. Nội dung giáo dục chưa phù hợp với “thị hiếu” và mong muốn của thanh niên. Nhiều bài giảng, nhiều bài tuyên truyền có nội dung cứng nhắc, một chiều, thiếu sinh động, xa rời với đời sống xã hội; một số nội dung lý luận của Đảng về chủ nghĩa Mác – Lênin, về Đảng cầm quyền, về kinh tế thị trường… chưa được giải đáp thấu đáo, không gây được niềm đam mê, hứng thú học tập cho thanh niên. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước đây và việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị hiện nay gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh và thị xã Long Khánh nói riêng chưa thực sự đem lại kết quả thiết thực để giáo dục bản lĩnh chính trị của thanh niên.
Thứ hai, công tác chỉ đạo của Thị đoàn và hoạt động của các đoàn thể đối với công tác thanh niên nhìn chung còn dàn trải, mới chú trọng bề nổi mà chưa tập trung sâu sát từng đối tượng thanh niên ở địa bàn dân cư, ở từng cơ quan đơn vị; công tác kiểm tra, đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo còn chậm, đôi lúc chưa kịp thời nên hạn chế trong công tác tham mưu với Đảng bộ và Đoàn cấp trên về các lĩnh vực như: nắm bắt tâm trạng, tư tưởng đoàn viên, xây dựng thực lực nòng cốt, phát triển đoàn viên, hội viên mới và tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn, vốn kiến thức xã hội của nhiều cán bộ Đoàn trẻ còn thiếu và yếu do vậy tính thuyết phục chưa cao. Hoạt động đoàn và các đoàn thể chưa tạo được môi trường hoạt động hứng khởi cho thanh niên.
Thứ ba, các hình thức, phương pháp, phương tiện phục vụ giáo dục lý luận chính trị còn nghèo nàn, chưa theo kịp với sự bùng nổ thông tin trong thời đại ngày nay. Hình thức đơn giản, phương pháp cũ kỹ (chủ yếu là độc thoại), phương tiện lạc hậu, thiếu thốn, không phù hợp với đối tượng giáo dục, nhất là đối tượng có nhiều nhạy cảm như thanh niên. Điều đó, làm cho công tác tuyên truyền kém hiệu quả, thiếu sức thuyết phục. Giáo dục không làm rõ bản chất của lý luận, thiếu sự thông tin hai chiều, ít tranh luận, phản biện. Người học thụ động tiếp nhận và lĩnh hội thông tin miễn cưỡng mà không có cơ hội để trình bày những quan điểm của mình. Do vậy, hiệu quả giáo dục chưa cao như mong muốn.
Thứ tư, bản thân thanh niên thiếu khát vọng chính trị, thiếu hoài bão vươn lên. Một số thanh niên do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và môi trường cuộc sống, chạy theo lợi ích trước mắt nên ít quan tâm, thậm chí rất vô cảm với chính trị. Một số do điều kiện mưu sinh khắc nghiệt, do gia đình chật vật, phải đi làm xa, ít nhận được sự quan tâm cũng như sự giúp đỡ của các cơ quan làm công tác giáo dục chính trị, nên họ ít có cơ hội để học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị.
3. Trong giai đoạn hiện nay, với những yêu cầu của quá trình phát triển, đòi hỏi công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên phải được đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, cả nội dung và hình thức, cả chủ thể và phương tiện phục vụ tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, phải được sự quan tâm đồng bộ của toàn xã hội, đặc biệt là của các cấp ủy, tổ chức Đoàn và các đoàn thể chính trị. Trong đó, tập trung vào một số nôị dung giải pháp cơ bản sau:
Một là, bám sát chủ trương của Đảng về công tác thanh niên, đổi mới thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Long Khánh (số 98-CTr/TU ngày 14-5-2013) về “Tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay”, khẳng định rõ: Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên của thị xã là công tác chung của toàn thể xã hội, mà lực lượng chính là tổ chức Đoàn. Coi công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên là trọng tâm của công tác thanh niên và công tác Đoàn, là vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người của Đảng bộ.
Cùng với việc quan tâm đổi mới nội dung văn bản chỉ đạo, các cấp ủy, cấp bộ Đoàn chú trọng tới việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, gắn lý luận với thực tiễn, gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể, chống các biểu hiện hình thức, chiếu lệ. Cấp ủy và các tổ chức đoàn thể phải hiểu thấu đáo vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thanh niên để xây dựng nội dung, kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Quá trình thực hiện phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, phải biết thanh niên muốn gì ở Đảng, ở các đoàn thể. Tổ chức đoàn phải là nơi gắn bó mật thiết và động viên cao nhất tinh thần của thanh niên, giúp thanh niên bày tỏ nguyện vọng và hiểu rõ sự cần thiết phải xây dựng bản lĩnh chính trị như một hành trang để vào đời.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên phù hợp với yêu cầu mới. Theo quy định chung thì công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên được triển khai thực hiện thông qua việc quán triệt, học tập 6 bài học lý luận chính trị cơ bản của Đoàn; nghị quyết của Đảng, của Đoàn các cấp; các hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về đường lối lãnh đạo của Đảng; về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; về con đường đi lên CNXH… Qua đó, nâng cao bản lĩnh chính trị cho họ, để họ có trách nhiệm và thái độ đúng đắn đối với Đảng và đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, sự cần thiết phải đổi mới đồng bộ từ nội dung đến hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền, giáo dục, làm cho nội dung tuyên truyền, giảng dạy sinh động, hấp dẫn thanh niên. Lý luận phải gắn với thực tiễn, giải đáp được những bức xúc của thực tiễn; phải thiết thực và gần gũi với các vấn đề trong cuộc sống của thanh niên, giải đáp được tâm tư, nguyện vọng của của thanh niên và của xã hội bằng nhiều hình thức chứ không “giao khoán” cho Trung tâm Bồi dưỡng lý luận chính trị; chú trọng tổ chức các hình thức sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại, các cuộc thi tìm hiểu, cổ động tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào hành động của Đoàn thanh niên…; tằn cường phương pháp thoại, đề cao phản biện; tăng cường công tác tuyên truyền miệng thông qua hoạt động của các tuyên truyền viên, báo cáo viên. Trong một điều tra xã hội học năm 2013 với 528 thanh niên của thị xã Long Khánh, cho thấy có 60,1% số người được hỏi cho rằng công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên cần tập trung nhiều hơn vào đối thoại và thuyết trình của báo cáo viên dưới dạng tuyên truyền miệng, trong đó phương pháp đối thoại đang được thanh niên hưởng ứng cao; tăng cường đầu tư phương tiện phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu tuyên truyền, giảng dạy và truyền thông hiện đại. Phương tiện giáo dục không chỉ có hệ thống các trường học, lớp học mà còn là những công cụ ghi, nói, nghe, nhìn, máy vi tính, đèn chiếu, ghi âm, ghi hình…
Ba là, đổi mới kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Đảng bộ Long Khánh luôn coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đây là yếu tố con người phục vụ nhiệm vụ quan trọng vì con người. Mục tiêu xây dựng đội ngũ này không chỉ là những người chuyển tải kiến thức cho thanh niên, mà bản thân họ phải là những tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho thanh niên noi theo.
Hiện nay, nếu tính cả cán bộ Tuyên giáo (bao gồm cả tuyên truyền viên và báo cáo viên), Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Thị đoàn, thì toàn thị xã Long Khánh chỉ có 127 đồng chí, trong đó trình độ đại học 75, chiếm 59,1%; cao đẳng 20, chiếm 15,7%; trung cấp 17, chiếm 13,4%; sơ cấp 1, chiếm 0,8%; Trung học phổ thông 14, chiếm 11%. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp 18 đồng chí chiếm 14,4%, trung cấp: 56, chiếm 44,8%, sơ cấp: 34, chiếm 27,2%; chưa được học về lý luận chính trị là 12, chiếm 9,6%. Nếu so với yêu cầu của Đảng bộ và nhu cầu học tập của thanh niên thì đây là sự bất cập lớn cả về số lượng và năng lực của đội ngũ. Trong khi họ còn phải đảm đương toàn bộ công tác tư tưởng, giáo dục lý luận, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ, chứ không chỉ cho thanh niên.
Để khắc phục tinh trạng nêu trên, Đảng bộ thị xã Long Khánh tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, lý luận, cán bộ Đoàn đủ về số lượng, chất lượng; chú trọng đào tạo thường xuyên, liên tục cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho Đảng. Tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về địa phương. Tập trung đào tạo lớp cán bộ Tuyên giáo, cán bộ giảng dạy, cán bộ Đoàn có khả năng thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả đáp ứng với Chiến lược phát triển thanh niên của Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2010 - 2020.
Bốn là, đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất kỹ thuật và huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Như trên đã phân tích, đây là yếu tố quan trọng trong quá trình tổ chức giáo dục, xây dựng phong trào thanh niên. Các cơ quan giáo dục cần phải có kế hoạch cụ thể, hoạch định rõ các chỉ tiêu giáo dục, các chương trình hoạt động, từ đó trình ngân sách để thị xã xét duyệt đảm bảo cho hoạt động.
Năm là, phối hợp giữa ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội làm công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho thanh niên trên địa bàn thị xã. Đoàn Thanh niên kết hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội khác nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào của Đoàn nhằm thu hút đông đảo thanh niên tham gia; phát huy vai trò của các cơ sở Đoàn tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Đoàn, các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt đối với quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
Sáu là, Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên được tham gia các phong trào của Đoàn, tập thể. Quan tâm và hỗ trợ những thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho đối tượng đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Các cơ sở Đoàn cần tiếp tục duy trì hoạt động và thành lập mới các Câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ”, thành lập các tổ vay vốn ủy thác,... Cần tổ chức thực hiện cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Thị đoàn chú trọng tham mưu với Tỉnh đoàn tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế từ “Quỹ phát triển tài năng trẻ”, “Quỹ giải quyết việc làm”; phối hợp với Trung tâm dạy nghề thị xã tổ chức đào tạo dài hạn cho các học viên là thanh niên; phối hợp với trường Cao đẳng nghề của tỉnh, Trường Dạy nghề 26/3, Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường và các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn thị xã để tiến hành tổ chức đào tạo các lớp trung và ngắn hạn nghề cho thanh niên; tăng cường liên kết với các trường trong và ngoài tỉnh mở rộng quy mô đào tạo kỹ năng thực hành; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo nghề gắn hạn kết hợp với nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên. Chú trọng đào tạo ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã. Qua đo, góp phần nâng cao bản lĩnh chí trị cho thanh niên
Bùi Quốc Thể
Chánh văn phòng Thị ủy Long Khánh