Với những cách làm phù hợp, sát
với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, việc thực hiện “Năm nâng cao chất
lượng chi bộ” ở các đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có
ý nghĩa thiết thực, tạo chuyển biến từ cơ sở, góp phần nâng cao năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của chi bộ ngày càng được khẳng định, tạo tiền đề quan trọng để các cơ quan, đơn vị trong Khối hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, góp phần hoạch định các chủ trương lớn, các chính sách vĩ mô trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Đảm bảo sinh hoạt chi bộ định kỳ
Chia sẻ kinh nghiệm về phương thức, quy trình, nội dung sinh hoạt chi bộ, đồng chí Cao Thị Lệ, Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ cho biết: Chi bộ duy trì tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần, vào ngày 28 hoặc 29 hằng tháng, trừ trường hợp đột xuất do công việc, hoặc trùng ngày nghỉ thì bố trí ngày sinh hoạt trước hoặc sau ngày quy định. Khi cần thiết, chi bộ sẽ họp bất thường. Việc ấn định này, một mặt đảm bảo thời gian cần thiết cho cấp ủy chuẩn bị nội dung, mặt khác để đảng viên chủ động sắp xếp thời gian dự họp. Qua đó, có tác động tốt đến ý thức, trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với sinh hoạt định kỳ của chi bộ.
Tại Đảng bộ Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đảng ủy đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các kỳ sinh hoạt cũng như hiệu quả tổ chức các hoạt động của chi bộ, chế độ sinh hoạt định kỳ hàng tháng được duy trì nghiêm túc. Đối với cơ quan làm công tác phong trào, để đảm bảo tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt trên 90% trong mỗi kỳ họp, việc thống nhất lịch họp định kỳ ấn định trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng là cần thiết, vừa tạo sự chủ động trong sắp xếp công việc vừa tạo nền nếp trong ý thức chấp hành của từng đảng viên, đồng thời phù hợp để triển khai các nhiệm vụ trong tháng của Đảng sau kỳ giao ban Đảng ủy cơ quan. Việc đảm bảo lịch giao ban hàng tháng của Đảng ủy, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tháng trước và triển khai cụ thể nhiệm vụ trong tháng cũng là một trong những yếu tố giúp các chi bộ duy trì tốt chế độ sinh hoạt hàng tháng.
Sinh hoạt chuyên đề - tạo sức hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ
Tăng cường tổ chức tốt các chương trình sinh hoạt chuyên đề góp phần bổ trợ nội dung cho các buổi sinh hoạt định kỳ là cách làm của nhiều chi bộ trong Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương, qua đó tạo sức hút các đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ.
Đồng chí Ngô Thị Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề là một trong những diễn đàn tốt để vừa phát huy dân chủ, trí tuệ của đảng viên, vừa là phương pháp tốt để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và một số kỹ năng cụ thể cho đảng viên.
Tại Đảng bộ, nội dung sinh hoạt chuyên đề thường là những vấn đề được gợi mở tại các buổi sinh hoạt định kỳ nhưng chưa được nghiên cứu, giải quyết một cách thấu đáo và phải sát thực, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Vì vậy, đảm bảo 3 tháng/1 lần sinh hoạt chuyên đề với việc cải tiến hình thức sinh hoạt theo cách truyền thống bằng những hình thức linh hoạt, sôi động hơn đã có tác dụng không nhỏ trong việc củng cố, làm sâu sắc thêm nội dung cho các buổi sinh hoạt định kỳ. Khả năng làm việc nhóm, sự tham gia sáng tạo của đảng viên, nhất là đảng viên trẻ tăng lên, khắc phục tính đơn điệu và tăng tính hấp dẫn của sinh hoạt chi bộ…là những tác dụng rất rõ từ các chương trình sinh hoạt chuyên đề.
Thực tế, các buổi sinh hoạt chuyên đề đã tạo không khí sôi nổi trong chi bộ, thu hút sự quan tâm của đảng viên bởi các nội dung đều gắn liền với công việc của mỗi người. Đồng chí Vũ Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ cho biết, chi bộ từng bước cải tiến hình thức và nội dung sinh hoạt. Ban chi ủy xây dựng kế hoạch, xác định nội dung các chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, giao cho các tổ đảng chuẩn bị và báo cáo trước chi bộ, như Tổ đảng phòng Đào tạo bồi dưỡng báo cáo chuyên đề “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức”; Tổ đảng các Khoa báo cáo chuyên đề “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên”; Tổ đảng phòng Tổ chức hành chính quản trị báo cáo chuyên đề “Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí”. Sinh hoạt gắn với từng nội dung chuyên đề đã góp phần thiết thực trong các hoạt động xây dựng và phát triển của nhà trường, đồng thời có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ
Chia sẻ kinh nghiệm phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, Bí thư Chi bộ Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Vũ Thị Thủy cho biết: bằng nhiều hình thức khác nhau nhất là trong các buổi sinh hoạt, chi bộ thường xuyên trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên của chi bộ đã tự giác, tích cực, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình, tạo ra bầu không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Nhờ phát huy dân chủ, các mặt công tác của chi bộ được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Theo đồng chí Vũ Thị Thủy, nếu thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ sẽ mang lại tác dụng rất lớn cho tập thể chi bộ và từng cán bộ, đảng viên. Phát huy dân chủ thực sự sẽ đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của bí thư chi bộ, là cơ hội tốt để cán bộ, đảng viên trong chi bộ học hỏi lẫn nhau về phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của bản thân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Ngô Thị Ngọc cho rằng: Nếu như sinh hoạt chi bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ, thì việc phát huy dân chủ là điều kiện quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, Chi ủy phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt, xây dựng dự thảo các văn bản nghị quyết, kế hoạch, báo cáo và tạo mọi điều kiện cho đảng viên đóng góp ý kiến. Trong sinh hoạt chi bộ, người chủ trì phải lắng nghe và tập hợp các ý kiến của đảng viên, kể cả các ý kiến trái chiều; điều hành linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm, tổng hợp, kết luận chính xác các vấn đề mà chi bộ đã thảo luận. Khi có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề cần điều hành thảo luận đi đến thống nhất trước khi biểu quyết…
Qua đó, khắc phục tình trạng một số cuộc họp chỉ có ý kiến tham gia của các đồng chí đảng viên là lãnh đạo. Chính từ phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, đảng viên trong chi bộ được trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến, góp phần thực hiện tốt hoạt động chuyên môn cũng như các nhiệm vụ công tác đảng./.
Theo TTXVN