(TG)- Một trong những nhiệm vụ đề ra là tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, các quy định, quy trình trong quản lý nhà nước ở địa phương, đơn vị, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành văn bản yêu cầu các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các huyện ủy, thành ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14- 5- 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có những điển hình trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp phòng, chống tham nhũng như: Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quán triệt và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; công khai cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng…
Thứ ba, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, các quy định, quy trình trong quản lý nhà nước ở địa phương, đơn vị, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng. Kịp thời phát hiện những thiếu sót, sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tránh việc lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách để tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; khi phát hiện có hành vi tham nhũng phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lê Văn Châu
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum)