Đúng vào thời điểm cả nước bước vào năm mới, với những phong trào thi đua sôi nổi chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chúng ta đón nhận thông tin vui: Kết quả thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân” do Viện Dư luận BVA và Tổ chức Quốc tế Gallup cùng thực hiện tại 53 quốc gia trên thế giới cho thấy, người Việt Nam lạc quan nhất thế giới, với 70% số người được hỏi tin tưởng vào sự phồn thịnh kinh tế đất nước trong năm 2011, trong khi tỷ lệ chung các nước trên thế giới chỉ là 30%.
Kết quả khách quan này đã tiếp tục khẳng định thành tựu nổi bật của nền kinh tế nước ta trong năm qua là không chỉ đối phó tốt với khủng hoảng mà còn tận dụng được thời cơ để phát triển. Rất nhiều chỉ số ấn tượng đã minh chứng sâu sắc rằng, sự lạc quan của người dân là có cơ sở: Tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,8%; tuổi thọ trung bình của người dân tăng thêm 27 tuổi kể từ năm 1960 đến nay; tỷ lệ trẻ em đến trường đạt gần tuyệt đối; Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu về xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội...
Kết quả này cũng thể hiện sự đồng tình của một tổ chức quốc tế với nhận định của Đảng ta trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn; khẳng định ưu điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể tạo ra những công cụ ứng phó nhạy bén hơn với những cuộc khủng hoảng. Rõ ràng, mô hình kinh tế mà nước ta đang xây dựng là một kiểu kinh tế thị trường kiểu mới tạo ra một hướng phát triển bền vững được nhiều quốc gia quan tâm. Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, nhiều nhà khoa học kinh tế thế giới đã chú ý đến Việt Nam với quan điểm mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm mục tiêu tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc người có công.
Kết quả trên là một tín hiệu vui nhưng chúng ta không được quên rằng, nước ta vẫn còn là một nước nghèo, cơ chế và bộ máy quản lý hành chính còn cồng kềnh, cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chính sự lạc quan của người dân về tương lai đất nước chứng tỏ rằng, niềm tin của người dân vào khả năng lãnh đạo, quản lý đất nước của Đảng, Nhà nước rất vững chắc. Đây sẽ là nguồn lực tinh thần, cổ vũ, động viên Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đường lối đổi mới trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy đó làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đoàn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh dân tộc, tự tin vững bước trên con đường đã chọn./.
(Hồng Hải/QĐND)