Giải Báo chí Quốc gia là kết quả của cả một quá trình lao động không mệt mỏi song cũng đầy tự hào của nhà báo.
Ngày 21/6 hàng năm đã trở thành ngày
truyền thống đặc biệt quan trọng đối với người làm báo cả nước. Đó là
dịp để vinh danh những cây bút xuất sắc nhận được giải thưởng cao quý-
giải Báo chí quốc gia, khẳng định những thành quả lao động gian khổ và
hơn hết là những mong muốn truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác tới
công chúng, mang lại những giá trị có ích cho xã hội.
Giải Báo chí quốc gia năm 2013 được đánh
giá chất lượng đồng đều, đề tài phong phú, nội dung đa dạng, tập trung
phản ánh, lý giải và nêu giải pháp về những vấn đề nóng của xã hội, cả
về chính trị lẫn kinh tế, vấn đề biên giới, biển đảo, gương người tốt
việc tốt, đấu tranh dư luận… Năm nay, ở mảng kinh tế có nhiều loạt bài
khá ấn tượng, chiếm giải đầu của báo in, trong đó nổi lên loạt bài “Tập
đoàn kinh tế Nhà nước - những lát cắt thời sự” của nhóm tác giả Phạm Văn
Miên, Phan Đăng Trường, Nguyễn Anh Tuấn, Lưu Lệ Thúy – báo Công an nhân
dân.
Bằng những dòng viết chân thực, phản ánh
kịp thời, sinh động, nhóm tác giả đã cho độc giả cảm nhận sâu sắc những
lát cắt thời sự của Tập đoàn kinh tế nhà nước dưới góc độ an ninh kinh
tế; từ vai trò rường cột của nền kinh tế đến các hệ lụy từ cơ chế quản
lý và con người, cũng như cận cảnh việc tái cấu trúc tập đoàn kinh tế
nhà nước - một yêu cầu cấp bách trong Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế.
Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Phan Đăng
Trường cho biết: Từ năm 2012, vấn đề kinh tế trở thành vấn đề nóng bỏng
ở nước ta. Vinashine, Vinalines là những dẫn chứng cụ thể về sai phạm
tại tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều tập đoàn,
tổng công ty Nhà nước đầu tư “ngoài lề” dẫn tới thiếu trọng tâm, trọng
điểm, thua lỗ, nợ nần chồng chất cùng việc quản trị theo lối cũ đang đặt
ra gánh nặng, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Tại các cuộc họp,
Quốc hội đã thảo luận và bàn rất sâu về vấn đề kinh tế tập đoàn. So với
lịch sử phát triển hàng trăm năm của các tập đoàn kinh tế trên thế giới,
việc đến thập niên đầu thế kỷ XXI mới ra đời tập đoàn kinh tế ở Việt
Nam là muộn mằn, song khi xảy ra những sai phạm trong các tập đoàn kinh
tế ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng mô hình này không phù hợp với nền kinh
tế quá độ, cần phải bãi bỏ.
Trước vấn đề đó, ban Ban Biên tập Báo
CAND đã chỉ đạo nhóm phóng viên nhanh chóng điều tra, để chỉ ra những
bất hợp lý ở lĩnh vực quan trọng này. “Vấn đề lớn này từ trước đến nay
đã có nhiều báo phản ánh, bên cạnh đó nguồn tài liệu cũng không phải ít.
Để đưa ra cách nhìn về tập đoàn kinh tế nhà nước không bị thiên lệch,
đồng thời đảm bảo được hơi thở cuộc sống, toát ra được tính sâu sắc của
báo chí đó là thách thức đặt ra với người làm báo”, nhà báo Phan Đăng
Trường tâm sự.
Trước quyết tâm và chỉ đạo phải làm đến cùng, nhóm tác giả đã lên đề cương chi tiết thực hiện loạt bài.
Với 5 kỳ phóng sự điều tra, loạt bài
được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2012. Một mặt, nhóm tác giả vừa
tìm hiểu một cách logic các tài liệu, nghị quyết về tập đoàn, một mặt
tìm nguồn tài liệu về sai phạm bao gồm các báo cáo tại Quốc hội, Chính
phủ cũng như Thanh tra, kiểm toán nhà nước. Mặt khác, các phóng viên đi
tìm hiểu tại các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập
đoàn Than – Khoáng sản, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp
tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Trên cơ sở điều tra đó để rút ra kết luận
mô hình tập đoàn có phù hợp với nền kinh tế quá độ hay không? Tại sao
lại xảy ra thất thoát nợ đọng? Cùng với loạt phỏng vấn các chuyên gia
kinh tế về tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như cận cảnh việc tái cấu
trúc tập đoàn - một yêu cầu cấp bách trong Đề án Tái cấu trúc nền kinh
tế hiện nay.
Từ loạt bài 5 kỳ, nhóm tác giả đã đưa
đến độc giả cái nhìn khách quan về tập đoàn kinh tế nhà nước. Anh Trường
cho biết: “Qua đó, có thể khẳng định những sai phạm của tập đoàn kinh
tế nhà nước không phải do mô hình tập đoàn sai mà do quá trình triển
khai, kẽ hở pháp lý, quá trình thực thi chưa đảm bảo, cũng như trách
nhiệm của các cá nhân sai phạm.
Tập đoàn kinh tế Việt Nam ra đời năm
2005, nhưng phải đến năm 2009 mới có Nghị định của Chính phủ về thí điểm
mô hình tập đoàn, trong đó có những cái chưa sát với thực tiễn như lỗi
về cơ chế, quy định về vai trò của Chủ tịch tập đoàn, Chủ tịch hội đồng
quản trị. Như vai trò của Chủ tịch hội đồng quản trị có quyền quyết định
đầu tư, thành lập mới, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên với mức vốn điều lệ của mỗi công ty đến 50%
tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công
ty mẹ… Theo đó nếu tập đoàn có số vốn 100.000 tỷ đồng thì Chủ tịch hội
đồng quản trị có quyền họp các thành viên và quyết định 50.000 tỷ đồng,
trong khi Quốc hội quyết định những dự án từ 35.000 tỷ đồng trở lên. Như
vậy vô hình chung một chủ tịch tập đoàn có quyền ngang với 500 đại biểu
Quốc hội”.
Nhà báo Trường cho biết thêm: Cũng vì
nhiều vị Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm quyền tài chính rất lớn, tự xem
mình như Bộ trưởng, trong khi thanh tra, kiểm toán chưa chặt chẽ làm cho
những sai phạm thêm kéo dài. Để có được ghế Chủ tịch tập đoàn, không
phải nhiều người đi lên từ chính năng lực lãnh đạo mà chủ yếu cho cơ cấu
mà nên. Ôm tiền lớn, năng lực lại hạn chế, phẩm chất không tốt, nên dẫn
đến làm thất thoát tiền của nhà nước.
Dấn thân bằng cả nhiệt huyết
Là đồng nghiệp, chúng tôi tâm đắc những
kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời làm báo của nhà báo Đăng Trường. Theo
anh, điều quan trọng của người làm báo là sự dấn thân bằng cả nhiệt
huyết, có như vậy tác phẩm mới đi sâu vào lòng người đọc.
Nhiều lần cả nhóm cảm thấy nản chí trong
suốt 2 tháng trời ròng rã “ăn, ngủ” cùng vấn đề. Nhiều lãnh đạo tập
đoàn gây khó khăn cho cả nhóm khi nội dung phỏng vấn, công văn được gửi
đi cả tháng trời nhưng vẫn không nhận được phản hồi.
Sau khi chỉnh sửa nhiều lần đề cương chi
tiết của loạt bài lên Tổng biên tập, không ngại khó, ngại khổ lăn lộn,
ăn ở sinh hoạt cùng công nhân tại các tập đoàn, nhóm PV đã phản ánh kịp
thời “hơi thở” cuộc sống, đồng thời có những số liệu cụ thể đối chiếu
với báo cáo của lãnh đạo các tập đoàn.
Nhớ lại kỷ niệm khó quên trong quá trình
tác nghiệp, anh Trường kể lại: “Vào một ngày tháng 6/2012, hôm đó trời
mưa to, nước ngập đến yên xe máy, nên tôi không thể đi được mà phải
xuống dắt bộ. Vừa dắt xe, tôi vừa dò dẫm trong làn nước trắng xóa, trong
một tích tắc không kiểm soát, chiếc máy tính xách tay đã chìm nghỉm
xuống nước. Tôi như bị hoảng loạn vì toàn bộ tài liệu, bài vở lúc đó đã
hoàn thành được 70% đã không cánh mà biến mất khi thợ sửa máy tính thông
báo CPU gần như không thể phục hồi được. Nhưng rồi, trong cái rủi cũng
có cái may, phải mất gần 3 tuần sau, anh thợ sửa máy tính đã cố gắng
phục hồi lại toàn bộ dữ liệu”.
“Chúng tôi rất mừng là trong quá trình
đăng loạt bài, nhiều công nhân đang làm trong tập đoàn kinh tế cung cấp
thêm tài liệu, giúp chúng tôi có số liệu khách quan hơn. Ngoài ra, có
đại biểu Quốc hội gọi điện đến tòa soạn muốn có loạt bài để làm cơ sở,
tài liệu báo cáo trước Quốc hội”, anh Trường cho biết thêm.
Tiếp nối truyền thống hàng năm của báo
Công an nhân dân trong việc dự giải thưởng Báo chí Quốc gia, năm nay
nhóm tác giả đã mang lại vinh dự lớn khi nhận được giải A cho thành quả
lao động của mình. Đón nhận giải thưởng cao quý, nhà báo Phan Đăng
Trường trải lòng: “Với chúng tôi, làm báo là một chặng đường đi mà không
bao giờ dừng lại. Giải thưởng là món quà tinh thần vô giá, là kết quả
của cả một quá trình lao động không mệt mỏi song cũng đầy tự hào của
nghề báo, và hơn thế nữa đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút với
mong muốn truyền tải đầy đủ thông tin, chính xác nhất đến với công
chúng, đem lại những giá trị có ích cho xã hội”./.
Theo VOV