Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 5/6/2012 22:11'(GMT+7)

Làm thế nào để quản lý con trẻ trong kỳ nghỉ hè

Theo khung chương trình cũ trước đây, kỳ nghỉ hè thường kéo dài 3 tháng. Mỗi khi nghỉ hè, học sinh lại được dịp giúp đỡ cha mẹ những công việc vừa sức. Ở nông thôn, các em sẽ cùng giúp bố mẹ làm những công việc của nhà nông. Cùng nhau đi bắt cua, chăn trâu, chiều đến thả diều, tập bơi trên dòng nước mát của những con mương, mảnh ao trước nhà. Đoàn thanh niên cũng tổ chức cho các em nhiều hoạt động bổ ích như lấy lá làm phân xanh, cuộc thi trâu bò béo khoẻ, hay những ngày chủ nhật xanh tổ chức các em quét dọn đường làng ngõ xóm. Ở thành thị có các hình thức câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động vui chơi tại nhiều sân chơi công cộng trong khu dân cư. Các em đươc múa hát, kể chuyện và thể hiện năng khiếu của mình qua các hoạt động mà trong năm học các em chưa có dịp trổ tài. Có nhiều gia đình đã nhận việc làm thêm cho các em như gói kẹo, đan lưới... làm kế hoạch nhỏ, thực hiện “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” theo lời Bác Hồ dạy.

Những nỗi lo của cha mẹ khi trẻ nghỉ hè:

Một thực tế hiện nay, các sân chơi công cộng ít dần đi, cùng với đó là hoạt động của Đoàn Thanh niên ở các khu dân cư cũng đơn điệu dần nên việc tổ chức quản lý các em trong “học kỳ 3” càng lỏng lẻo. Bên ngoài, các dịch vụ game online, các quán net mọc lên càng nhiều, những cám dỗ, cạm bẫy đang rình rập, trong khi đó bố mẹ các em cũng mất nhiều thời gian cho cuộc sống mưu sinh, việc quản lý con trẻ trong dịp hè đã khiến không ít bậc cha mẹ coi đây là bài toán khó.

Ngày nay, cuộc sống đã đầy đủ hơn, gia đình nào cũng có ít con nên các em được chăm sóc “bao bọc kỹ lưỡng” hơn. Vì thế, mỗi kỳ nghỉ hè, nhiều bậc cha mẹ đã chọn giải pháp gửi các em đi học các lớp CLB, năng khiếu. Cùng có gia đình vội cho con đi học thêm ngay từ tháng 6 vừa để đỡ quên văn hoá vừa để khỏi phải mất nhiều thời gian trông nom canh chừng con. Tuy triển khai nhiều kế hoạch cho con trẻ nhưng cha mẹ vẫn băn khăn về việc quản lý con trẻ trong dịp hè. Nếu gửi con về quê, họ sẽ lo lắng những mối nguy hiểm như nạn đuối nước, điện giật. Còn nếu để trẻ “tự quản” ở nhà một mình thì bố mẹ không hề yên tâm bởi mọi bất trắc rất có thể xảy đến với con. Có những người đã mang con đến cơ quan nhưng như vậy thật bất tiện trong công việc.

Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, các sân chơi cho trẻ em ít dần, việc tổ chức các trò chơi bổ ích lý thú ở khu dân cư không thấy diễn ra thường xuyên nữa. Vai trò của đoàn thanh niên trong khu dân cư không được phát huy triệt để trong quản lý thiếu niên nhi đồng. Vì thế các bậc phụ huynh lại phải tự lo liệu việc quản lý con trong dịp hè.

Với những gia đình ba thế hệ: thường phó mặc cho ông bà quản lý “tại gia” với một khoản tiền chi tiêu trong ngày. Điều này gây mệt mỏi cho ông bà già. Bởi ông bà lại phải kiêm thêm vai cha mẹ rất khó quản lý cháu. Có những em muốn đi chơi nên đã nói dối ông bà, hoặc xin tiền ông bà để mua sách nhưng thực tế là đi chơi điện tử.

Những nhà không có ông bà thì lại mặc trẻ ở nhà với người giúp việc: trẻ tự do xem mạng, ngồi máy tính nhiều dẫn đền hại mắt, truy cập những trang không lành mạnh mà người lớn mải làm ăn khó kiểm soát được. Tổ chức cho con trẻ đi nghỉ cùng gia đình là một cách làm hay nhưng tốn kém, bất khả thi bởi chỉ tổ chức được kỳ nghỉ trong mấy hôm, còn cả kỳ nghỉ hè rất dài, khó quản lý trẻ. Nếu gửi con cho cô giáo kèm cặp: trẻ sẽ chán học bởi vì vừa qua một năm học căng thẳng mệt mỏi, rất cần nghỉ ngơi thư giãn.

Giải pháp nào:

Với gia đình:

Cha mẹ cần sắp xếp một thời gian hợp lý cho cả kỳ nghỉ. Có thể dành nghỉ phép năm để nghỉ vào hè và bố trí lịch hợp lý nhất để mọi thành viên gia đình cùng tham gia. Cả gia đình sẽ gần gũi thân thiện và hiểu nhau hơn.

Những tuần đầu tiên, nên cho trẻ đi nghỉ cùng gia đình. Khoảng nửa tháng tiếp theo, nên lên lịch cho trẻ với những hoạt động phù hợp: Tập luyện ở các câu lạc bộ năng khiếu, thể thao, bơi lội… Sang tháng 7 nên cho trẻ về thăm quê, chơi ở quê 1 thời gian. Nếu không có quê nên cho trẻ đến chơi nhà người thân khoảng 1 tuần. Bắt đầu từ nửa tháng 7 trở đi hãy cho trẻ ôn bài mỗi ngày 2 tiếng. Song song với các công việc trên là dạy trẻ em biết làm các công việc giúp đỡ gia đình, nấu ăn, trang trí nhà cửa, giáo dục kỹ năng sống, ứng xử, đề phòng các tai nạn thương tích có thể xảy ra...

Ngoài ra, cha mẹ có thể nhận một việc làm nhẹ nhàng nào đó cho trẻ làm tại nhà (hoặc làm cùng 1 nhóm bạn) để trải nghiệm cuộc sống và rèn kỹ năng lao động, có thái độ thêm yêu và quý trọng lao động. Tất nhiên phụ huynh sẽ phải vất vả bận rộn hơn nhưng trẻ em được trải nghiệm cuộc sống thật thú vị.

Với nhà trường:

Trước khi về nghỉ hè, thầy cô nên ra bài tập hè cho các em trong chương trình sao cho mỗi ngày các em tự ôn tập khoảng 1 tiếng tại nhà với bài tập vừa sức, không khó quá. Có thể tổ chức ôn tập cho học sinh từ giữa tháng 7 (vì hiện nay học sinh thường tựu trường vào đầu tháng 8)

Song song với việc tổ chức ôn tập văn hoá, cần kết hợp với các ban ngành đoàn thể ở địa phương để tổ chức loại hình câu lạc bộ, dạy bơi cho trẻ hay hướng cho trẻ vào các hoạt động TDTT, phát triển năng khiếu (đặc biệt với các vùng nông thôn không có hệ thống Nhà thiếu nhi như trong khu vực thành thị)

Với xã hội:

Chúng ta cần tổ chức cho trẻ em những sân chơi thú vị. Đặc biệt cần dành cho các em một quỹ đất công để tổ chức các hoạt động tập thể. Đoàn thanh niên nên phối kết hợp cùng các nhà trường tổ chức các hoạt động hè bổ ích bằng hình thức câu lạc bộ năng khiếu, tổ chức các hoạt động TDTT, vui chơi giải trí. Cũng cần tổ chức thêm các hoạt động công ích như tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi những gia đình có công, gia đình neo đơn, giúp đỡ trẻ em tàn tật, tổ chức các hoạt động xã hội công ích như vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu phố vào các ngày thứ 7 chủ nhật để giúp các em thêm yêu lao động và quý trọng giá trị lao động. Người lớn cần giúp các em trang bị thêm kỹ năng sống, ứng xử, tính kỷ luật thông qua các hoạt động tập thể, các trò chơi hữu ích, đặc biệt dạy các trò chơi dân gian. Tổ chức cắm trại, văn nghệ múa hát ở các khu công cộng. Cuối đợt có tổng kết thi giữa các cụm dân cư và trao giải. Cuối mỗi hè có ghi nhận xêt vào phiếu sinh hoạt hè để các em mang đến trường làm căn cứ xét hạnh kiểm năm học tới.

Cần kết hợp tốt 3 môi trường giáo dục

Nhưng cách tốt nhất là tổ chức “học kỳ 3” tại trường với sự phối hợp của nhà trường. Chi bộ giao cho đoàn thanh niên trong trường kết hợp với đoàn thanh niên khu dân cư tổ chức theo đơn vị cụm dân cư với đủ mọi lứa tuổi (chứ không theo đơn vị lớp). Mỗi cụm dân cư lại do vài anh chị phụ trách. Nội dung có thể là hát múa, kể chuyện, TDTT, nhịp điệu, nữ công gia chánh, trò chơi dân gian, kỹ năng cắm trại. Lúc đầu các thầy cô giáo đoàn viên sẽ dạy các em, sau đó các cụm dân cư tổ chức các họat động này theo cụm dân cư và cuối hè là cuộc thi giữa các cụm dân cư với nhau tổ chức theo kiểu hội trại. Cũng không cần phải lo “thù lao” của các thầy cô giáo bởi khi phân công trực hè, nhà trường đã phải chú ý những đợt nào diễn ra hoạt động hè, đợt nào tổ chức ôn tập văn hóa để phân công giáo viên phù hợp. Về thời gian có thể bố trí tuần 3 buổi ôn tập văn hóa, 3 buổi triển khai các nội dung trên cùng với đoàn thanh niên. Em nào muốn đi nghỉ đâu với gia đình thì xin phép trước. Như vậy vừa tranh thủ được các thầy cô giáo, vừa tổ chức kỳ nghỉ hè bổ ích lý thú, mà lại không lo thiếu chỗ tổ chức bởi sân trường là nơi tập trung các em lý tưởng nhất.

Với cách làm trên, việc tổ chức kỳ nghỉ hè vui tươi bổ ích cho các em không khó, đỡ tốn kém. Cha mẹ các em sẽ yên tâm không còn phải lo lắng việc quản lý con trẻ trong kỳ nghỉ hè, mà các em cũng được tham gia một kỳ nghỉ hè đầy lý thú và bổ ích, tạo được tâm thế thoải mái trước khi bước vào năm học mới.

Nhưng để làm được như vậy, cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng của các cấp các ngành địa phương. Đặc biệt phát huy vai trò của cấp uỷ Đảng khu dân cư, Đoàn thanh niên và hội cha mẹ học sinh./.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất