Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 4/4/2011 21:17'(GMT+7)

Làm theo Bác từ điều thật nhỏ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Suốt 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là 4 năm chị Thủy gắn với phong trào của Trung ương Hội LHPN Việt Nam “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Qua học tập, tâm đắc nhất là đức tính tiết kiệm của Bác, cho nên chị chọn mô hình tiết kiệm để thực hiện, vì tiết kiệm là một yếu tố cơ bản nhất để giúp người phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Chị Thủy cho biết: “Ông bà ta đã từng dạy “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, phần nào chỉ sự khéo léo trong chi tiêu của người phụ nữ, thể hiện tính tiết kiệm”.

Theo chị Thủy, cái chính không phải là việc to hay nhỏ, mà cần phải làm cho mọi người “thấm nhuần”, hiểu được lợi ích của tiết kiệm ngay cả trong việc nhỏ nhất và thực hiện theo. Là xã thuần nông, đa số phụ nữ còn khó khăn, nhất là hộ nghèo, nên khi thực hiện cần phải cân nhắc mô hình để các chị em tham gia được và đạt hiệu quả thiết thực. Lấy kinh nghiệm từ việc tiết kiệm điện trong gia đình, chị Thủy vận dụng vào mô hình tiết kiệm điện để triển khai thử nghiệm. “Mô hình này rất đơn giản, chị em có thu nhập thấp cũng tham gia được. Nhưng khi mới triển khai, tôi khá băn khoăn, lo lắng. Vì vậy, tôi phải “thăm dò” ý kiến của nhiều chị em, thấy họ đồng tình tôi mới “dám” đi vào thực hiện”, chị Thủy tâm sự.

Được sự đồng ý của Đảng ủy xã, chị Thủy và các thành viên trong Hội Phụ nữ nhanh chóng triển khai, tuyên truyền đến các hội viên của mình thực hiện từng bước như: Vận động chị em trong sinh hoạt gia đình không nên sử dụng bóng đèn dây tóc, công suất cao gây tốn kém và thay bằng bóng đèn huỳnh quang; vận động chị em không sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong giờ cao điểm và nếu không cần thiết thì hạn chế sử dụng; chỉ sử dụng điện trong sinh hoạt khi cần thiết. Đồng thời, vận động để các gia đình thay những bóng đèn 75W xuống 40W, rồi xuống 15W, loại bỏ những bóng đèn không cần thiết. Chỉ với những “thay đổi nho nhỏ” như vậy, tuy mỗi gia đình không tiết kiệm được quá nhiều, nhưng với xã hội, việc tiết kiệm đó là rất lớn. Chị Thủy tính toán: Nếu thay các bóng đèn tiêu thụ nhiều điện năng, thì với 500 hộ trong xã, chỉ tính mỗi nhà một bóng đèn là có thể tiết kiệm được 100kWh điện mỗi đêm. Nếu mô hình này được nhân rộng thì lượng điện tiết kiệm được sẽ rất lớn.

Về việc chọn mô hình “tiết kiệm điện”, chị Thủy vui vẻ “bật mí”: Cái lợi nhất khi phát động phong trào là phụ nữ tham gia. Đụng đến "túi tiền" thì chị em hưởng ứng nhiệt tình ngay. Người phụ nữ vốn có tính tiết kiệm, nên họ “vận động” mọi người trong gia đình cùng tham gia. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình, Hội Phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn, vì rất nhiều gia đình nghèo, không muốn “lãng phí” khi bỏ bóng đèn dây tóc đang sử dụng được. Chị em lại còn bảo “bỏ bóng đèn đang dùng được sao gọi là tiết kiệm”. Nhưng nhờ sự phân tích thiệt hơn, nên chị em vui vẻ chấp nhận.

Mô hình trên, với quy mô cấp xã, tuy không lớn về mặt giá trị vật chất đối với từng hộ, nhưng điều Hội Phụ nữ xã Trà Vong mong muốn là sự chuyển biến về nhận thức của chị em. Từ thay đổi thái độ dẫn đến hành động tích cực, đó là giá trị tinh thần vô giá mà cuộc vận động mang lại. Và nếu mô hình nhân rộng, thì giá trị vật chất là rất lớn. Đặc biệt, trong điều kiện cả nước thiếu điện như hiện nay./.

(Vũ Tiến Lực/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất