Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời cũng là một tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của “những đức tính và đạo lý làm người cao cả nhất”. Hiển hiện lên từ Người là những đức tính quý báu, mang đậm phẩm chất và cốt cách Việt, và đó chính là sức mạnh tinh thần để Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn thử thách, trong hành trình đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, là sức mạnh nội lực giúp Người kiên định con đường đã lựa chọn.
Người cán bộ cách mạng nhất định phải có đạo đức làm gốc
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nơi mảnh đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, và sớm cảm nhận nỗi đau của thân phận những người dân mất nước. Tuy khâm phục, những vị tiền bối cách mạng giàu lòng yêu nước, nhưng khác họ, Hồ Chí Minh hướng đến phương Tây - một chân trời mới lạ, kỳ vọng tìm ra con đường đưa nhân dân ta thoát khỏi những đọa đầy đau khổ. Trong những năm tháng bôn ba nơi hải ngoại, tài sản tinh thần quý giá của đạo đức truyền thống dân tộc và tinh hoa đạo đức phương Đông Người luôn mang theo suốt bên mình, đó là tinh thần yêu nước, lòng bao dung nhân ái, tình thương người như thể thương thân, tinh thần ham học hỏi, chịu khó, ý chí vươn lên, v.v...
Và cũng trong những năm tháng gian nan đó, đạo đức của người cách mạng mà Hồ Chí Minh luôn hướng tới, kiên trì tu dưỡng rèn luyện trong mọi hoàn cảnh có xuất phát điểm từ khát vọng to lớn, từ ham muốn tột bậc của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1).
Trong hành trình vượt qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và cuối cùng lại trở về châu Á, Hồ Chí Minh đã đi nhiều, gặp gỡ với nhiều giai tầng trong xã hội, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, với những tư tưởng của thời đại và khi đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thành người cộng sản Hồ Chí Minh, Người đã tự làm giàu cho chính bản thân mình bằng cách không chỉ “cởi mở tiếp thu” mà còn luôn biết “vượt gộp”, để thâu thái những tinh hoa của nhân loại. Mốc khởi đầu của một con đường đi đứng đã bắt đầu “đơm hoa”, khi Người quyết định lựa chọn con đường cứu nước trong thời đại mới – Con đường cách mạng vô sản. Vì vậy, không có già bất ngờ, khi Người nhận thức rõ rằng: Đạo đức là gốc rễ, tài là ngọn cành, người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng phải có đủ cả hai đức tính quý báu đó
Giáo dục và đào tạo một đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Đảng với yêu cầu phải có đạo đức cách mạng làm gốc, người cách mạng theo Hồ Chí Minh là ; “Tự mình phải: cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mât. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” (2).
Đây là những tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, hàm chứa cả tinh thần đạo đức truyền thống dân tộc và đạo đức mới của thời đại - Đó là đạo đức Cộng sản chủ nghĩa, và chỉ những người thấm nhuần đạo đức đó, mới có thể “góp phần phá huỷ xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động xung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản” (3), hướng tới một sự giải phóng hoàn toàn.
Điểm nổi bật rõ nhất trong nội dung đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh nêu ra và luôn gương mẫu thực hành, đồng thời cũng làm cho tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh hấp dẫn hết thảy những người ở xung quanh Người chính là sự “kết tinh của những giá trị tinh thần” đạo đức Việt, nếp sống Việt trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn liền “với những phẩm chất cao quý nhất của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay”. Những thành tố của đạo đức truyền thống dân tộc và phương Đông cùng đạo đức của người cộng sản theo nguyên lý của học thuyết Mác- Lênin đã làm nên bản lĩnh và sức mạnh của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi nó hướng đến “một mục tiêu hoàn chỉnh vì sự tiến bộ xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân”.
Được nêu ra lần đầu từ những năm 1925-1927, và tiếp tục được bổ sung cho đầy đủ trong những năm sau đó, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, người cán bộ cách mạng phải luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng; Trung với nước, hiếu với dân, …Trong nhiều bài nói, bài viết sau đó, Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá phẩm chất đạo đức của người cán bộ đảng viên là phải “tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”, “suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân”,…Rèn luyện và đạt được như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh: người cán bộ đảng viên sẽ chí công vô tư, sẽ “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay và uy vũ không thể khuất phục”.
Cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng
Noi theo tấm gương đạo đức của Lênin- người thầy của cách mạng vô sản thế giới, thấm nhuần lời nói của Lênin: Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra, Hồ Chí Minh luôn coi độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu để Người phấn đấu. Đạo đức cao cả đó không chỉ đem lại sự hấp dẫn cho chủ nghĩa cộng sản, làm đẹp cho những người cộng sản, mà còn trở thành một nguồn sức mạnh vô địch, giúp những người cộng sản chiến thắng kẻ thù trong mọi thời điểm của cuộc đấu tranh giai cấp. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là những năm tháng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh đã hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp cách mạng, khó khăn mấy cũng không nản lòng.
Nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của đạo đức cách mạng và quy luật phát triển của nó trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người, đồng thời coi đạo đức là cái gốc, cái căn bản, là nền tảng của người cách mạng, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cũng luôn rèn luyện, quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực tế cho thấy rằng, đạo đức là cái gốc, là điều kiện không thể thiếu của người cách mạng, bởi nếu không có đạo đức, dù có tài giỏi, họ vẫn không thể nào cảm hóa, quy tụ được quần chúng nhân dân. Và với ý nghĩa đó, họ cũng không thể nào lãnh đạo được nhân dân, không hoàn thành được nhiệm vụ.
Lấy đạo đức cách mạng làm tiêu chuẩn, làm thước đo phẩm chất của người cán bộ đảng viên: coi trọng những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong thực tiễn, Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, luôn thống nhất giữa nói và làm, mà còn luôn cổ vũ, động viên những người xung quanh mình cũng làm như vậy.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời cũng là một đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, là độc lập, là hoà bình, ấm no, do đó, cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại. Vì vậy, “để tự mình trở thành dân tộc”, để được thừa nhận và xững đáng với vai trò tiền phong, người cách mạng Hồ Chí Minh và các đảng viên cộng sản phải biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; biết coi khinh sự xa hoa, bởi xa hoa dễ dẫn đến lòng ham muốn về vật chất; có nếp sống giản dị, tiết kiệm; luôn phòng chống chủ nghĩa cá nhân, chống những căn bệnh vốn là hệ lụy của quyền lực, để mỗi việc họ làm, thực sự “không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” (4).
Học tập tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Hồ Chí Minh
Với 79 mùa xuân của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà lãnh đạo nhiệt thành cách mạng, mà Người còn là một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng, luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn để lòng mình hướng đến vị công vong tư.
Được rèn luyện qua thử thách, đã vượt qua mọi trở lực, trong những hoàn cảnh đầy khó khăn và hiểm nguy, tưởng chừng như không thể vượt qua được, Hồ Chí Minh là một trong những nguyên thủ quốc gia, có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX. Là ai, làm gì, ở đâu, thậm chí khi đã ở vị trí đỉnh cao của quyền lực, Hồ Chí Minh vẫn luôn coi mình là một người lính vâng lệnh quốc dân ra trân, và mọi quyền lực đối với Người chỉ là “trọng trách quốc dân giao phó”. Bởi lẽ vậy, không có một Hồ Chí Minh cao xa, mà chỉ có một Hồ Chí Minh “không công thần, không quyền lực, không kiêu ngạo, không hủ hoá”.
Hiểu sâu sắc rằng: Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, trí tuệ, tâm đức của Hồ Chí Minh được rèn luyện mỗi ngày, được bổ sung và ngày càng hòa thiện ngày mỗi ngày được thể hiện trong mối quan hệ với các nguyên thủ quốc gia, bạn bè, anh em, đồng chí, với đông đảo quần chúng nhân dân, với cả những người đã từng là kẻ thù của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong sự vĩ đại của mình, ngay kẻ thù tàn bạo nhất cũng phải thừa nhận đạo đức đó của Người (Thế giới ca ngợi Hồ Chủ tịch, Sổ tay tuyên truyền tháng 4/1980). Là một học trò xuất sắc của Lênin, Hồ Chí Minh nhận thức rằng: Cái chết về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới cái chết về chính trị, vì vậy nguy cơ thoái hoá, biến chất của một Đảng cầm quyền sẽ đến rất nhanh, đe dọa sự tồn vong của một chính đảng Mácxit, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhiễm những thói hư tật xấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, trở thành những con sâu mọt tham nhũng. Cũng với ý nghĩa đó, Người chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, có đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (5).
Nói nhiều về đạo đức, yêu cầu cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng luôn không ngừng rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình. Mùa xuân cuối cùng của cuộc đời một trong những vĩ nhân của thời đại, Hồ Chí Minh đã để lại bài báo: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đầy tâm huyết cho toàn Đảng (2/1969). Cũng vẫn là một Hồ Chí Minh đầy tiên liệu, với những chỉ dẫn kịp thời dành cho mỗi người cán bộ, đảng viên, như chiếc cẩm nang thần kỳ, giúp mỗi người ở vào thời khắc khó khăn nhất.
Là hiện thân đầy đủ nhất, cao đẹp nhất của tấm gương đạo đức cách mạng theo ý nghĩa và nội dung sâu rộng, cuộc đời Người, phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực của Hồ Chí Minh tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt. Sức mạnh đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người không phải chỉ ở lời nói, mà là những hành động trong thực tiễn. Người không chỉ chiến thắng những kẻ thù tàn bạo, Người còn luôn chiến thắng chính mình, dành trọn vẹn cuộc đời mình cho dân, cho nước.
Hồ Chí Minh đã đi xa gần một nửa thế kỷ, song những chuẩn mực đạo đức mà Người nêu ra, gương mẫu thực hiện đã trở thành một biểu tượng. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, tham nhũng, quan liêu; chống chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền; chống căn bệnh nói mà không làm; chống “diễn gương” chứ không "nêu gương",v.v.. trong tình hình mới, luôn là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của một Đảng cầm quyền “trong sạch, vững mạnh”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (1/2011) kết thúc trong niềm hân hoan của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Một trong những nội dung được nêu trong quyết nghị của Đại hội là Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là những việc làm cần thiết, cụ thể để làm trong sạch Đảng, làm lành mạnh đời sống đạo đức của toàn xã hội, đó còn là một cách thiết thực thực hiện lời chỉ dẫn của Người lúc sinh thời: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (6), đồng thời tiếp tục khẳng định lời của vị lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa Cu-ba: “Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy...Đồng chí HỒ CHÍ MINH thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt và vì vậy Đồng chí vẫn như còn tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam đến chiến thắng hoàn toàn và cuối cùng, chiến thắng này đã tới gần” (7).
Bài và ảnh: Ban Mai
-----------------------
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 4, tr161
2. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr260
3. Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng, Nxb. Sự Thật, H, 1976, tr78
4. Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng, Nxb. Sự Thật, H, 1976, tr35
5. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr552
6. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr293
7. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. ST, H, 1970, tập I, tr. 26- 27.