Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 22/5/2011 21:53'(GMT+7)

Lan tỏa phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ

Lãnh đạo thành phố, BBT Báo Hà Nội mới và các tác giả, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải.

Lãnh đạo thành phố, BBT Báo Hà Nội mới và các tác giả, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải.

Cuộc thi nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về phong trào "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô, tạo sự lan tỏa của phong trào tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cổ vũ, động viên các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc thi đã thành công tốt đẹp.

Cuộc thi đầy ý nghĩa

Cách đây 10 tháng - tháng 7-2010, Báo Hà Nội mới và Ban Thi đua khen thưởng TP đã phối hợp phát động cuộc thi viết "Nét đẹp người Thủ đô". Có thể nói, cuộc thi được phát động và tổ chức trong một thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Đảng phát động đã bước vào năm thứ tư, với những kết quả rõ nét, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là những tấm gương "làm theo" Bác xuất hiện ngày càng nhiều. Đây cũng là thời điểm đội ngũ các nhà báo, văn nghệ sĩ cả nước bước vào năm thứ ba thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo TƯ. Cùng với đó, Thủ đô và đất nước đang rất sôi nổi với các hoạt động chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội Thi đua yêu nước TP giai đoạn 2010-2015, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và đặc biệt hơn nữa là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những năm qua, ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương, nhiều việc làm tốt, là đề tài, tư liệu phong phú cho những người cầm bút. Vì vậy, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng tác viên, đồng nghiệp gần xa. Với thời gian phát động không dài nhưng cuộc thi đã thu hút hơn 300 tác phẩm của gần 200 tác giả gửi dự thi, trong đó có cả những   tác giả ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Báo Hànộimới đã tuyển chọn, biên tập, sử dụng 90 tác phẩm. Hầu hết bài viết bám sát thể lệ của cuộc thi, phản ánh đa dạng các tấm gương tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực của đời sống như xóa đói, giảm nghèo, từ thiện xã hội, khuyến học khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng văn hóa người Hà Nội, đóng góp vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Chú trọng đến những "nét đẹp" trong cuộc sống hôm nay nên các tác phẩm được đăng báo không sa đà, phản ánh nhiều về quá trình công tác của điển hình mà chủ yếu giới thiệu, chuyển tải những việc làm có ý nghĩa thiết thực của điển hình theo chủ đề. Các tác phẩm dự thi đều viết về người thật, việc thật, tập trung vào những việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác bình dị nhưng mang ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi tấm gương dù hoàn cảnh, quá trình cống hiến khác nhau nhưng đều có những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đơn vị, mà qua đó, mỗi người đều có thể học tập, làm theo, tạo sức hút, truyền cảm và sức lan tỏa sâu rộng.

Quên mình vì cộng đồng

Đó là Giáo sư Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chị Trần Thị Mai Anh - người đã nhận nuôi Thiện Nhân, cháu bé mới chào đời đã bị mẹ đẻ vứt bỏ, bị thú rừng ăn mất một phần cơ thể. Với họ, báo chí đã nhắc đến nhiều, không ít bạn đọc đã quen nhưng một lần nữa những tấm gương ấy được giới thiệu trên Báo Hànộimới trong thời điểm, hoàn cảnh mới, cách tiếp cận mới vẫn làm mọi người xúc động, cảm phục bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn vươn lên đóng góp cho xã hội, thực sự là tấm gương đẹp của cộng đồng, xã hội. Tác giả Nguyễn Hoàng kể về tình cảm của chị Trần Mai Anh và bé Thiện Nhân khi chị Mai Anh lâm bệnh nặng. Tình cảm đó thật cao quý, đáng trân trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay mặt trái của kinh tế thị trường tác động không nhỏ tới một bộ phận xã hội, có những người là cha mẹ ruột nhưng vẫn hành hạ chính con mình đẻ ra. Lòng nhân ái của người mẹ như Trần Mai Anh không chỉ dừng lại ở việc bù đắp những mất mát Thiện Nhân phải chịu đựng mà lớn hơn nữa, muốn Thiện Nhân trở thành một công dân có ích cho xã hội. Với GS Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chúng ta lại thấy một sức làm việc, cống hiến không mệt mỏi, đặc biệt là những cống hiến với Thủ đô trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm nay, Giáo sư Vũ Khiêu đã ở tuổi 95, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã ở tuổi 85 nhưng vẫn không ngừng cống hiến tài năng và trí tuệ cho Thủ đô, nổi bật là những công trình khoa học đồ sộ dịp Thủ đô tròn nghìn tuổi.

Bên cạnh đó là nhiều điển hình mới được các nhà báo, cộng tác viên giới thiệu. Đó là Trương Xuân Thức, người lái tàu đã quên thân mình giữ chặt cần hãm dừng tàu, cứu hàng trăm hành khách. Chúng ta cảm phục ông Đoàn Văn Líu, 76 tuổi, nhiều năm âm thầm theo dõi mục "Nhắn tìm đồng đội" và tìm các thông tin về tên tuổi, địa chỉ liệt sĩ tại các nghĩa trang rồi viết thư thông báo cho thân nhân của họ, giúp nhiều gia đình tìm được mộ người thân. Đó là cô giáo Huyền khi thấy một số trẻ trong khu vực sinh sống do hoàn cảnh không được đến trường, cô đã tự nguyện dùng nhà của mình, mua đồ dùng học tập, vận động các em đến học. Lớp học đã được ngành giáo dục, chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nhiều em biết đọc, biết viết, có em đã vươn lên học khá, trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Phòng, chống tham nhũng cũng là một lĩnh vực được nhân dân hết sức quan tâm. Báo Hànộimới đã nhận được nhiều bài về mảng này, tiêu biểu là gương Anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu (thị xã Sơn Tây), ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy)… Trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Tràng An có nhiều tấm gương thầm lặng giữ nghề truyền thống, giữ một điệu múa cổ của Hà Nội như nghệ nhân Triệu Đình Hồng bảo tồn điệu múa cổ của làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì); nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh gắn bó với nghiệp đúc đồng đất Thăng Long; anh Quách Phan Tuấn Anh (SN 1981, ở Định Công, Hoàng Mai) quyết tâm theo đuổi nghề đậu bạc của gia đình…

Bằng sự đánh giá nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và công tâm, Ban tổ chức đã quyết định trao một giải đặc biệt, một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và năm giải khuyến khích cho các tác phẩm giành điểm cao.

Cuộc thi viết "Nét đẹp người Thủ đô" trên Báo Hànộimới là một trong những đóng góp tuyên truyền về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" -  một nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí hiện nay. Đây cũng là việc làm thiết thực thể hiện lòng kính yêu vô hạn của đội ngũ những người làm báo Đảng Thủ đô đối với Bác Hồ. Kết quả đó còn có sự ủng hộ quan trọng của hai nhà tài trợ là Công ty cổ phần Vincom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Cuộc thi đã khép lại. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên Báo Hànộimới vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới bên cạnh việc đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, tham nhũng, thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội. Hànộimới rất mong tiếp tục được các cộng tác viên, đồng nghiệp gần xa gửi bài viết biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền của Báo./.

(Theo: HNM) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất