Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 21/5/2011 16:11'(GMT+7)

Những thày thuốc trẻ trong hành trình Nhân ái

Bác sĩ trẻ trong hành trình Nhân ái.

Bác sĩ trẻ trong hành trình Nhân ái.

Bác sĩ trẻ làm theo lời Bác

Đây là chủ đề buổi Tọa đàm khai mạc Festival Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đồng thời đây cũng là một trong những kim chỉ nam hành động của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Huy-Phó khoa nhãn nhi Viện Mắt Trung ương (TW) cho rằng làm theo lời Bác trước hết BS cần nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Thêm vào đó, trong giai đoạn bùng nổ bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến TW thì yêu cầu bắt buộc là BS phải rèn luyện tính kiên nhẫn. Vì họ sẽ phải làm việc vất vả hơn, áp lực công việc lớn hơn.

“Để vượt qua nhiều yếu tố gây nhiễu như hiện nay, một phương châm mà chúng tôi luôn tự nhủ đó là “phải coi bệnh nhân như người nhà của mình”. Nếu BS thực sự nghĩ và làm được như vậy, cảm thấy được nỗi đau của người bệnh thì mới có thể loại bỏ được nhiều nhiễu loạn trong đầu để hoàn thành tốt công việc”, BS Huy nhận định.

Với TS, BS Vũ Tề Đăng-BV Từ Dũ- Tp Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi học Bác lối sống giản dị, tinh thần học hỏi phấn đấu không ngừng. Một phong cách sống vì cộng đồng, vì người khác, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của mọi người. Đó cũng là mục đích và phương châm sống mà tôi phấn đấu”.

Còn với TS, BS Vũ Tuấn Anh-Phó Giám đốc BV Phong-Da liễu Tuy Hòa-Quy Nhơn thì  “Tất cả chúng tôi đều học tập và làm theo gương Bác”.

Điều vô cùng quan trọng đó là Bác hy sinh cả cuộc đời cho hạnh phúc nhân dân. Mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình. Tôi đã sống, làm việc và cống hiến theo tinh thần ấy. Khi mình làm được việc gì mang lại hạnh phúc cho người khác thì đó cũng là niềm vui hạnh phúc của mình, mang lại càng nhiều niềm vui cho người khác thì mình càng thấy hạnh phúc. Đó chính là lý do dù bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản nhưng BS Tuấn Anh đã chọn chuyên ngành phong và BV Phong-Da liễu Quy Nhơn làm nơi mình sóng và cống hiến.

Và có lẽ đó cũng chính là lý do khiến 3.560 bác sĩ, điều dưỡng của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam có mặt ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất không nề hà vất vả, tính toán thiệt hơn  để khám, điều trị, tư vấn, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những câu chuyện xúc động

Kể lại về những câu chuyện xúc động trong Hành trình Nhân ái, BS Huy đã nhắc lại một câu chuyện khó quên với tất cả thành viên trong đoàn.

Đó là lần đi mổ mắt ở xã Dân Chủ (Hòa Bình). Đoàn đi đúng vào những ngày tháng 7, rất nóng, rất nắng. Bản thân đường dây điện cũng không đủ tải điện cho xe mổ hoạt động. Xe mổ có 2 máy mổ phacô, mổ được 10 bệnh nhân thì điện bắt đầu yếu và chỉ đủ dùng cho 2 máy mổ.

Các bác sĩ đã phải mổ trong xe mổ mà không có điều hòa. Cả bệnh nhân và bác sĩ đều hồ hôi ướt sũng. Khi bệnh nhân tháo băng và nhìn thấy ánh sáng, quá hạnh phúc và xúc động họ đã khóc ngay trên bàn mổ.

Sau đó, để có đủ điện đảm bảo an toàn cho người bệnh, chúng tôi đã yêu cầu điện lực địa phương hỗ trợ. Họ đã nhận lời ngay. Giữa trưa nắng thiêu đốt như vậy các anh công nhân điện lực đã leo lên cột điện để kéo điện về,  không kêu ca đòi hỏi gì cả. Thấy họ quá vất vả, nhiệt tình, chúng tôi đã trích từ khoản tiền nho nhỏ của anh em bác sĩ một ít để biếu họ uống nước nhưng họ đã kiên quyết chối từ. Họ nói “các bác sĩ đã đến tận đây giúp cho người dân, chúng tôi sẵn sàng chung tay”. Khi đi thực tế như thế, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của cả cộng đồng. Và đó là điều rất quan trọng.

Khi đi khám bệnh ở Trà Giáp, Trà Ca, những xã vùng sâu xa của Gia Lai Kon Tum, TS, BS Vũ Tuấn Anh nhận thấy có đi tận nơi mới thấy đồng bào còn hết sức khó khăn, cái ăn cũng không đủ đừng nói chuyện khám, chữa bệnh.

“Thấy chúng tôi tới đồng bào rất mừng. Bà con đến khám rất đông và chúng tôi làm việc suốt ngày không nghỉ. Có người rất khỏe mạnh nhưng vẫn tới để xem vì họ chưa bao giờ được tiếp cận với dịch vụ y tế. Mặc dù họ chẳng đủ ăn nhưng vẫn rất tha thiết mời bác sĩ về nhà ăn một bữa cơm độn củ sắn”  BS Tuấn Anh kể lại./.

(Nguyệt Hà/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất