Nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, ngày 17/5,
hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa thế giới, Nhà cách mạng đấu tranh vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” đã diễn ra tại Trường đại học Chosun, thành phố Gwangju, Hàn Quốc.
Hội thảo do Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế và Đại học Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Chosun của Hàn Quốc phối hợp với Khoa Đông phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của Việt Nam tổ chức.
Đoàn Việt Nam gồm 5 thành viên do ông Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tham dự hội thảo.
Đây là lần đầu tiên, các học giả Việt Nam và Hàn Quốc tiến hành thảo luận chung về Chủ tịch Hồ Chí Mình, lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Đánh giá về ý nghĩa của hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn cho rằng việc tổ chức Hội thảo về Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa khi hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang tích cực chuẩn bị cho “Năm Hữu nghị Việt-Hàn 2012” để kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992-2012).
Trong 20 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã không ngừng phát triển tốt đẹp và đã được nâng lên tầm đối tác hợp tác chiến lược.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước là điều có tầm quan trọng thiết yếu.
Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại mà gần gũi với từng người dân. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng một xã hội mới “của dân, do dân, vì dân” do Người vạch ra từ khi Người thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn là con đường phấn đấu của dân tộc Việt Nam, vẫn là nguồn khích lệ to lớn để toàn thể nhân dân Việt Nam tiến tới xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và hợp tác cùng phát triển.”
Cũng chính vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh là lãnh tụ được nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới quý trọng, tôn vinh.
Các tham luận đưa ra tại cuộc hội thảo lần này tập trung vào các chủ đề tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua bản di chúc, suy nghĩ về tư tưởng “lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh và tư tưởng “Yêu dân” của Jeong Jak-yong; Yêu thương con người - điểm đặc biệt trong đạo đức Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc; nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghiên cứu, so sánh về "
Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thơ Hán của Han Yong-woon…
Theo ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, có sự tương đồng đặc biệt giữa giới học giả Hàn Quốc và Việt Nam trong việc nhìn nhận và đánh giá về công lao, tầm ảnh hưởng tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Tính nói rằng ông rất cảm kích vì tinh thần nghiên cứu khoa học, sưu tập và phân tích tài liệu của các giáo sư, học giả Hàn Quốc. Các nghiên cứu này giúp cho người dân Hàn Quốc hiểu biết hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Các nghiên cứu cũng thể hiện tình cảm tôn kính lãnh tụ Việt Nam của giới học thuật Hàn Quốc.
Giáo sư Ahn Kyong Hwan, người đã dịch tập thơ “
Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn Quốc một lần nữa lại thể hiện niềm cảm phục lớn lao của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tham luận: "Tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Bản di chúc."
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, giáo sư Ahn nói rằng sau khi dịch tác phẩm "
Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh, điều ông tâm đắc nhất là tư tưởng nhân ái, yêu thương nhân dân Việt Nam và đạo đức sáng ngời của Người.
Giáo sư Ahn, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “'
Nhật ký trong tù' không chỉ là một trong những văn kiện lịch sử mà còn là một trong những tài liệu giáo dục đối với nhân dân Việt Nam bởi tác phẩm này phản ánh triết lý, đạo đức, nhân cách và chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh”./.
Khánh Vân-Anh Nguyên/Seoul (Vietnam+)