Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 21/10/2010 20:56'(GMT+7)

Lãnh đạo phải có “tâm, tầm, tài”

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ, bà rất tâm đắc với các bản dự thảo Văn kiện. Qua theo dõi các ý kiến đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề về chính sách, cơ chế và biện pháp thực hiện Cương lĩnh. “Trong thực tế, nhiều vấn đề được Đại hội X nêu ra đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình cao của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi trong cuộc sống hoặc thực thi nhưng chưa đạt hiệu quả như: vấn đề phản biện xã hội, vấn đề chống tham nhũng”- bà Châu nhận xét.

Bắt rõ bệnh mới mong trị được bệnh

Là một người hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT, KH-CN, về cơ bản GS.TSKH Trân Châu đồng tình với những nhận định chung về lĩnh vực này như đã nêu trong bản dự thảo. Dự thảo đã nhận định rất đúng về các yếu kém cần khắc phục trong lĩnh vực GD-ĐT như: sự không tương xứng giữa số lượng- chất lượng, dạy chữ- dạy người; chưa có biện pháp khắc phục xu hướng thương mại hóa và sa sút về đạo đức trong giáo dục… và vấn đề hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho GD-ĐT, KH-CN đang là vấn đề cần quan tâm kịp thời.

GS.TSKH Trân Châu cho rằng, từ việc xác định đúng yếu kém, mới có thể hy vọng sẽ có các cơ chế, chính sách, biện pháp đúng để khắc phục, tiến tới nền GD-ĐT, KH-CN đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Để góp phần thoát khỏi những yếu kém này, cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của những người trong cuộc: thầy và trò, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý các cấp trong ngành.

Đóng góp vào nội dung xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, GS.TSKH Trân Châu hoàn toàn nhất trí về mục tiêu xây dựng con người và trách nhiệm của gia đình là môi trường trực tiếp nêu trong dự thảo. Nhưng bà Trân Châu lại băn khoăn khi thực tế hiện nay, những tiêu cực, tính thực dụng ngày càng tăng và trở thành phổ biến trong xã hội, đã lấn át sự giáo dục tốt của từng gia đình riêng rẽ. Bà Trân Châu cho rằng “Để có được con người theo các tiêu chí đã nêu trong dự thảo, vấn đề gốc rễ là phải “làm lành mạnh toàn xã hội”, có như vậy thì việc giáo dục ở từng gia đình mới có cơ hội phát huy tác dụng và nhân rộng”.

Tràn lan tình trạng chạy theo bằng cấp

Trước thực tế hiện nay là một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên đi học chỉ để qua được các kì thi, có bằng cấp chứng chỉ, GS Trân Châu trăn trở: “Việc học làm người, học cách tư duy, phương pháp làm việc chưa là nung nấu suy nghĩ hàng ngày, ở mọi lúc mọi nơi của học sinh, sinh viên thì chưa thể nói nhiều đến ý nghĩa đích thực của chất lượng giáo dục và đào tạo.

Khi nào mà chúng ta chưa có được một đội ngũ đông đảo người thầy, cán bộ nghiên cứu khoa học là tấm gương sáng về đạo đức và nghề nghiệp, sống với cái tâm trong sáng, đủ sức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cùng lao động trong lĩnh GD-ĐT, KH- CN, người đi học chưa có được động cơ học tập đúng, thì chưa thể nói đã thành công trong đổi mới GD-ĐT, KH-CN”.

Để khắc phục được những yếu kém, đạt được các mục tiêu như mong muốn, GS.TSKH Trân Châu cho rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, từ các lĩnh vực, truyền thông đến mọi gia đình, toàn thể xã hội, cán bộ quản lý trong mọi lĩnh vực, chỉ riêng ngành GD-ĐT, KH-CN không thể  tạo được chuyển biến quan trọng.

Về vấn đề chất lượng trong GD-ĐT, theo GS.TS Trân Châu, các chỉ tiêu về số lượng Cử nhân, Kĩ sư, Thạc sỹ, Tiến sỹ sẽ có trong thời gian tới là những chỉ tiêu đáng phấn khởi vì có được đội ngũ  nhiều người lao động qua đào tạo ở trình độ cao. Những người này sẽ đóng góp tốt hơn cho xã hội so với trước khi được đào tạo. Nhưng vấn đề mà xã hội đang quan tâm là “chất lượng, trình độ thực của những người sở hữu các văn bằng và đặc biệt là khi sử dụng các văn bằng như là một tiêu chí để tuyển chọn và đề bạt cán bộ”. Việc lẫn lộn “thật, giả” không chỉ có ảnh hưởng lớn đến kết quả và hiệu quả công việc mà có khi còn gây trở ngại, hạn chế sự phát huy tài năng của những người khác.

Kiểm định chất lượng là điều đã được quan tâm và nhắc đến trong nhiều văn kiện. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở một số chỉ tiêu theo kết quả thi cử, đánh giá cấp bậc những trường Đại học theo những con số: số sinh viên/giáo viên, suất đầu tư, quy mô thư viện, mạng internet… thì hoàn toàn chưa đủ, mà còn cần quan tâm đến chất lượng một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn. “Đó là trình độ tri thức, chất lượng thực của từng bài giảng, kinh nghiệm và trình độ tư duy của từng thầy giáo, mà không chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà họ sở hữu. Chất lượng của từng học sinh, sinh viên phải là sau từng năm học họ có những tiến bộ gì về tri thức, kinh nghiệm, khả năng tự học, khả năng tư duy mà không chỉ là điểm số đạt được qua các kì thi”- bà Châu nói.

Mấu chốt vẫn là ở con người

Hiện ngân sách Nhà nước dành cho Giáo GD-ĐT, KH-CN tuy còn khiêm tốn so với các nước phát triển, nhưng đó là một khoản đầu tư mà Nhà nước và nhân dân đã phải hết sức cố gắng dành cho Giáo dục và Khoa học. Theo GS.TSKH Trân Châu, điều đáng suy nghĩ là một phần không nhỏ những khoản đầu tư ấy đã chưa được sử dụng một cách thật hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, cải thiện đời sống của thầy và trò…. Then chốt vẫn là ở trách nhiệm của những người quản lý, tấm lòng và trách nhiệm của những người thực hiện.

Từ chỗ xem con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực GD-ĐT và KH-CN, cần phải nhìn lại việc đào tạo, đánh giá và đãi ngộ những người hoạt động trong lĩnh vực này.

Về quản lý cán bộ, người ta thường nói đầy đủ đến đức, tài, nhưng trong thực tế người có trách nhiệm đã viện dẫn đến quá nhiều những tiêu chí hình thức như: bằng cấp, học vị, học hàm… mà chưa quan tâm khách quan đến đức, tài.  Kết quả là không tuyển chọn được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, đánh đồng giữa những người có tâm, có tầm, có tài với những người khác. Điều này quả thực đã có ảnh hưởng không tốt đến sự phấn đấu vươn lên của các thế hệ kế cận, thế hệ trẻ.

Theo GS.TSKH Trân Châu, “không có đủ những người có tâm, tầm, tài, chịu trách nhiệm tuyển chọn và đào tạo cho tương lai, thì làm sao có được một đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và có tài cho GD-ĐT và KH-CN. Không đánh giá đúng và thẳng thắn cán bộ thuộc quyền, thì làm sao công việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học có được chất lượng. Chất lượng công việc không được đánh giá đúng thì làm sao động viên, kích thích được sự cố gắng, tinh thần trách nhiệm và ý chí sáng tạo của cán bộ”.

GS.TSKH Trân Châu cho rằng, thoát khỏi tình trạng này quả không dễ, không biết bắt đầu từ đâu, từ “trứng” hay từ “gà”. “Xin được đề nghị hãy bắt đầu từ những tổ chức mới (trường, viện), từ  những nhà khoa học, nhà giáo đủ tâm, đủ tầm và đủ tài và cũng dám chịu trách nhiệm, với điều kiện lãnh đạo dám giao cho họ đủ quyền. Từ những tổ chức nhỏ đến tổ chức lớn, phải kiên nhẫn, kiên định trong nhiều năm mà không phải theo nhiệm kì hoặc có “hội chứng nhiệm kỳ”. Hãy bắt đầu mạnh dạn tính đến nhiều hơn về chỉ tiêu chất lượng trong thành tích GD-ĐT và KH-CN. Trong công tác cán bộ, không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, cần chú ý đến ba chữ T là “tâm, tài, tầm”- GS.TSKH Trân Châu đề nghị./.

(Theo: Minh Hòa/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất