Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 21/10/2010 16:35'(GMT+7)

Thương về miền Trung, nghĩ đến công tác cứu hộ, cứu nạn

Hình ảnh đập vào mắt người xem truyền hình của nước là cảnh nhà cửa của ba địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chìm trong biển nước. Chỉ có ba thứ có thể nhìn thấy trên mặt nước: nóc nhà, cột điện và ngọn tre. Cảnh những người dân nghèo ngồi trên mái nhà chờ lực lượng cứu hộ đến tiếp tế lương thực, nước uống làm tê tái lòng người.

Theo thống kê, năm nào chúng ta cũng trải qua từ 10 đến 12 cơn bão, sau bão bao giờ cũng kèm theo lũ lụt, các cơn bão và các cơn lũ năm sau thường cao hơn năm trước, mạnh hơn năm trước kể cả về quy mô lẫn mức độ tàn phá.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Quá trình dựng nước luôn đi kèm với công cuộc trị thủy, xây dựng đê kè, ngăn ngừa lũ lụt đảm bảo cho vụ mùa bội thu năng suất. Do đó, ông cha chúng ta cũng có rất nhiều kinh nghiệm khi đối mặt với thiên tai, lũ lụt.

Với lực lượng cứu hộ, cứu nạn như thế này,
hiệu quả của công tác này sẽ không cao. Ảnh: PT


Rất nhiều năm nay, khúc ruột miền Trung luôn đau đáu trong mỗi trái tim người Việt khi lũ lụt hoành hành. Trung ương và địa phương năm nào khi lũ dữ tràn về cũng quyết liệt vào cuộc chống chọi cứu người cứu của. Vậy mà những cái chết thương tâm vẫn cứ diễn ra hết sức đau lòng. Rồi năm nay đau thương tang tóc lại mới xảy ra hai đợt lũ vừa qua ở miền Trung, tổng số người bị chết và mất tích đã vuợt lên con số hơn 200 mạng người, quả là một mất mát vô cùng to lớn, đau xót.

Và cả xã hội bàng hoàng đau đớn, sẻ chia với thân nhân những người xấu số trên chiếc xe định mệnh chìm ngập ở Hà Tĩnh từ hôm 18/10 đến hôm nay 21/10 mới được trục vớt. Quặn đau hơn khi người sống nhìn thấy cái chết của hàng chục mạng người trên xe mà không thể cứu được trước cơn lũ sóng dữ. Thắt đau đến tột cùng khi nhìn cảnh những nạn nhân cầu cứu trong vô vọng và chết dần trong chiếc xe định mệnh này.
 
Nhưng cũng chính từ những hậu quả này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về việc phòng, chống và cứu hộ, cứu nạn mỗi khi lũ lụt xảy ra. Ban phòng, chống lũ lụt của các địa phương đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này hay chỉ việc đổ lỗi cho ý thức của người dân kém nên để xảy ra tai nạn trong bão lũ.

Nghịch lý là nhiều năm nay và chẳng mấy khi lũ dữ về là miền Trung lại không có người chết. Bao giờ không còn những cái chết đau lòng ở khúc ruột miền Trung? Lúc này đây, bình tâm nhìn lại, nghĩ lại chăc hẳn ai ai cũng nghĩ và có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng phải làm gì, phải có giải pháp tổng thể, lâu dài đối mặt, chối chọi với lũ lụt miền Trung. Và tất nhiên là dứt khoát bằng mọi cách không để xảy ra những cái chết đau lòng như vừa qua !

Trong lúc này đây, đem việc mổ xẻ nhưng nguyên nhân dẫn đến các vụ chết người trong bão lũ không phải là việc cần thiết, nhưng cũng cần phải lên tiếng để công tác cứu hộ, cứu nạn phải có tính chuyên nghiệp hơn. Nếu lực lượng công an Hà Tĩnh quyết liệt, nghiêm túc hơn trong việc phân luồng xe, sẽ không có tai nạn đáng tiếc của gần 20 con người trong chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi...

Lâu nay, công tác cứu hộ, cứu nạn của chúng ta thường làm theo thói quen, trong khi mưa lũ một năm một khác, tình huống khác, lượng nước khác, chúng ta không thể đổi lỗi cho yếu tố bất ngờ và quy mô lũ. Khi bão lũ xảy ra, chúng ta lại chứng kiến lực lượng bộ đội đi cứu nạn, trong bão lũ lòng quả cảm, sức chiến đấu của người lính được bộc lộ, nhưng nếu chỉ sử dụng sức lính để cứu người e rằng không phải là biện pháp có tính lâu dài. Bởi để hiệu quả hơn, chúng ta phải cần thêm phương tiện hiện đại...

Đến lúc, phải yêu cầu tính chuyên nghiệp trong cứu hộ cứu nạn, lâu nay, chúng ta ưu tiên sử dụng “4 tại chỗ” trong cứu hộ, cứu nạn bão lụt.Tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gồm công tác chỉ huy, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư và hậu cần là điều cần thiết nhưng sẽ không ổn bởi nếu lũ lụt xảy ra trên diện rộng như ở miền Trung hiện nay, chúng ta không đủ lực lượng và phương tiện vật tư để ứng phó.

Để hạn chế bước đầu các thiệt hại về bão lũ, thiết nghĩ cần đầu tư hơn nữa trang thiết bị hiện đại để có thể ứng cứu người dân lúc nguy cấp, bên cạnh đó cần đào tạo các chuyên viên công tác xã hội, hơn ai hết họ hiểu, biết phải làm gì để giúp sức người dân giải quyết hậu quả sau bão lũ. Đơn giản sau bão lũ, người dân không chỉ phải dựng lại nhà cửa, ổn định chỗ ở, họ còn phải lo lắng về vấn đề ăn uống sao cho hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch và y tế như thế nào, chưa kể đến các yếu tố chấn thương tâm lý khi chứng kiến cảnh lũ tràn về. Có lực lượng công tác xã hội, chúng ta sẽ chuyên nghiệp hơn khi đối phó, giải quyết hậu quả bão lũ.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất