Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 28/3/2012 21:39'(GMT+7)

Lào Cai: Tiếp tục chỉ đạo khôi phục, bảo tồn và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống

Lễ hội xuống đồng ở Lào Cai

Lễ hội xuống đồng ở Lào Cai

Xuất phát từ đặc thù là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc thiểu số, đa dạng về bản sắc văn hóa, đặc biệt là lễ hội và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Kết luận 51-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã kịp thời, chủ động tham mưu, chỉ đạo các ngành, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội dịp xuân Nhâm Thìn – 2012. Các hoạt động này không những được tổ chức mang bản sắc riêng của Lào Cai, đáp ứng và nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần đẩy lùi nhiều phong tục, tập quán lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Công tác chỉ đạo, định hướng của ngành tuyên giáo, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được triển khai thông qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương trong việc xây dựng, tổng hợp chương trình tổ chức, kiểm tra, theo dõi, báo cáo toàn bộ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội tại các địa phương trong toàn tỉnh trong dịp Tdfết nguyên đán. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 3 đoàn đi dự, kiểm tra một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội tại 9 huyện, thành phố từ ngày 4 tháng Giêng đến 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Các ngành, đoàn thể của tỉnh, Ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã bám sát các văn bản hướng dẫn, thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và lễ hội gắn với chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các ngành trong khối tuyên truyền đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, v.v.. cũng được thực hiện có hiệu quả góp phần làm nên thành công của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội tại các địa phương.

Dịp xuân Nhâm Thìn – 2012, toàn tỉnh Lào Cai đã có gần 40 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức trong đó có hơn 20 lễ hội xuống đồng. Một số lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện và khu vực như lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông ở Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa; lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy ở Sa Pa, v.v... Các lễ hội văn hóa dân gian mang nội dung chính là cầu phúc, cầu cho mọi sự tốt lành, cuộc sống bình yên, no đủ, cầu cho đất trời mưa thuận, gió hòa. Nhiều lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, gắn với phần lễ là nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, các hoạt động ẩm thực, giao lưu văn nghệ truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc ít người đã thu hút được đông đảo du khách, nhất là du khách quốc tế đến thăm quan, khám phá như Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở xã Tả Giàng Phình, xã San Sả Hồ, lễ hội Roóng Poọc (xuống đồng) của người Giáy ở xã Tả Van, hội xòe của người Tày xã Thanh Phú, hội hát Then người Tày xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, v.v... Lễ hội dân gian đầu xuân không chỉ tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc. Cũng trong dịp xuân Nhâm Thìn – 2012, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 5 lễ hội gắn với di tích, nhân vật lịch sử được tổ chức trong đó lớn nhất là lễ hội Đền Thượng (thành phố Lào Cai) và lễ hội đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Các lễ hội gắn với di tích, nhân vật lịch sử dịp đầu xuân Nhân Thìn đều được tổ chức một cách trang trọng và tiết kiệm, phát huy tốt ý nghĩa tưởng nhớ, tôn vinh các nhân vật lịch sử, đồng thời qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 120 các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt là Hội báo xuân và đêm thơ Nguyên tiêu. Tại hội báo xuân cấp tỉnh, ngoài việc trưng bày trên 200 ấn phẩm báo, tạp chí số Xuân Nhâm Thìn của các cơ quan báo chí Trung ương, một số địa phương trong cả nước và báo chí của tỉnh bạn Vân Nam (Trung Quốc), còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tư vấn và giới thiệu việc làm; trưng bày một số hình ảnh về thành tựu, tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài mục đích đem đến cho nhân dân "món ăn" tinh thần hấp dẫn trong dịp đầu xuân mới, Hội báo Xuân còn là dịp để những người làm công tác báo chí lắng nghe ý kiến đóng góp của công chúng; trao đổi, học tập kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tiếp tục phát triển sự nghiệp báo chí tỉnh Lào Cai.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dịp xuân Nhâm Thìn – 2012, ngành Tuyên giáo tỉnh Lào Cai tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng các cấp làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng các hoạt động này trong năm 2013, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, sự phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác chỉ đạo và tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

Với sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng kịp thời của ngành tuyên giáo Lào Cai, các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội dịp xuân Nhâm Thìn 2012 trên địa bàn tỉnh đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Lào Cai, đưa các sinh hoạt văn hóa trở thành một sản phẩm hấp dẫn của ngành du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Phùng Nam Trung

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất