Thứ Bảy, 5/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 27/2/2010 6:46'(GMT+7)

‘’Lấy việc cứu chữa bệnh nhân vô vị lợi làm thước đo giá trị đạo đức người thầy thuốc’’

Là thầy giáo, thầy thuốc, ở cương vị nào PGS.TS Bùi Đức Phú cũng hết lòng với sự nghiệp y khoa

Là thầy giáo, thầy thuốc, ở cương vị nào PGS.TS Bùi Đức Phú cũng hết lòng với sự nghiệp y khoa

Bệnh viện hạng đặc biệt là danh hiệu mà tháng 12 năm 2009, Bệnh viện Trung ương Huế đã vinh dự được đón nhận cùng với Huân chương Độc lập hạng Nhất vào đúng dịp kỷ niệm 115 năm thành lập. Bệnh viện Trung ương Huế, tiền thân được thành lập năm 1894 theo sắc lệnh của Vua Thành Thái năm thứ 6, là bệnh viện Tây y đầu tiên ra đời dưới sự quản lý phối hợp giữa người Pháp và người Việt Nam. Đến năm 1944 bệnh viện được đặt tên là Bệnh viện Trung ương Huế. Trong chiến tranh chống Mỹ, năm 1968 một nửa cơ sở bệnh viện bị bom phá huỷ hoàn toàn, sau đó bệnh viện được xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1972. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, bệnh viện xây dựng quy trình kỹ thuật y khoa hiện đại, có đội ngũ thầy thuốc, điều dưỡng và nhân viên trình độ cao, tâm huyết với nghề và phát huy tốt truyền thống y đức. Năm 2000, Bệnh viện Trung ương Huế đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Là một trong ba bệnh viện lớn nhất của cả nước; trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến nay, bệnh viện đã triển khai hầu hết các kỹ thuật cao mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thực hiện, một số lĩnh vực ngang tầm khu vực và quốc tế như: ghép thận, mổ tim hở, ghép tủy, ghép giác mạc, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi và các kỹ thuật tiên tiến khác. Những thành quả ấy là sự ghi nhận những nỗ lực của cả một tập thể trong suốt bề dầy lịch sử, song không thể không kể đến những đóng góp của một bác sĩ ở cương vị lãnh đạo: đó là PGS.TS, thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú– Giám đốc bệnh viện, Phó Bí thư Đảng ủy.

Bệnh viện đi đầu trong cả nước về kỹ thuật mổ tim

PGS.TS Bùi Đức Phú là người đi đầu và gắn bó với lịch sử phát triển chuyên ngành phẫu thuật tim mạch ngực tại Bệnh viện Trung ương Huế và khu vực miền Trung. Dưới sự dẫn dắt và tâm huyết của anh, nhiệt huyết đã được truyền cho những cán bộ y tế ở Bệnh viện để cùng nhau nỗ lực xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế trở thành một bệnh viện đi đầu trong cả nước về kỹ thuật mổ tim. Bệnh viện cũng đã giành được sự tin yêu của nhiều người bởi đã luôn tích cực trong công tác miễn giảm, hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Năm 1985, sau khi học xong nội trú tại bệnh viện Việt Đức, trở về làm việc tại Bệnh viện TW Huế, bác sĩ Phú đã thay đổi kỹ thuật mổ tuyến giáp trong điều trị Basedow và ung thư giáp trạng. Năm 1986, lần đầu tiên tại miền Trung, ca mổ nong van hai lá được thực hiện thành công trong điều kiện vô cùng khó khăn về trang thiết bị.

Năm 1990, sau khi đi thực tập tại Pháp trở về, anh đã triển khai thường quy phẫu thuật cắt phổi trong điều trị ung thư phổi và các bệnh lý chấn thương. Năm 1991, tranh thủ được sự hợp tác với Hội ADVASE của Pháp, chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành về phẫu thuật mạch máu được tổ chức thường xuyên mỗi năm hai đợt dành cho các bác sĩ phẫu thuật viên các tỉnh miền Trung từ đó đã từng bước nâng cao trình độ phẫu thuật viên cho khu vực.

Năm 1996, bác sĩ Bùi Đức Phú có cơ hội được làm việc tại một trung tâm Tim mạch tại Pháp trong thời gian 1 năm với chức danh trưởng khoa lâm sàng dành cho người nước ngoài. Đây là thời gian anh hoàn thành công trình nghiên cứu về tuần hoàn ngoài cơ thể, đồng thời tạo dựng được các mối quan hệ để gửi cán bộ đi đào tạo ở nhiều chuyên khoa khác nhau để chuẩn bị cho một điều anh đã ấp ủ từ lâu là mổ tim hở ở bệnh viên Trung ương Huế. Khi anh trở về, cơ sở vật chất, trang thiết bị được củng cố và sắp xếp lại trên cơ sở tận dụng và huy động các phương tiện máy móc trong toàn bệnh viện. Dưới sự chỉ đạo của anh, phòng mổ tim và hồi sức sau mổ tim được cải tạo lại để đảm bảo vô trùng, hệ thống khí nén được trang bị, máy thở viện trợ bị hư hỏng được phục hồi lại, hệ thống điện dự trữ được cài đặt, quan hệ với tổ chức REI – Hoa Kỳ để xin máy tim phổi đã qua sử dụng, đồng thời liên hệ với hãng để mượn 5 máy monitoring.

Ngày 27/4/1999 là một mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của bệnh viện Trung ương Huế. Lần đầu tiên tại khu vực miền Trung, ca mổ bắt cầu động mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện. Ngay ngày hôm sau, ca mổ tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể được triển khai ngay cho một cháu trai 14 tuổi để vá lỗ thông liên nhĩ. Hồi nhớ lại ca mổ ấy, Giám đốc bệnh viện kể, trong ca mổ này, do không có máy trao đổi nhiệt nên các bác sĩ của bệnh viên phải sử dụng 2 xô nước lạnh và nước nóng. Sự linh hoạt và tận tâm của các anh đã khiến 2 ca mổ đầu tiên diễn ra thành công tốt đẹp, bệnh nhân mau chóng bình phục và ra viện. Từ đó đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thường xuyên mổ các loại bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, fallot 4, tĩnh mạch phổi trở về bất thường, hẹp động mạch phổi, hẹp động mạch chủ, nhĩ 3 buồn, còn ống nhĩ thất, bệnh Ebstein; các bệnh tim mắc phải như bệnh lý một van và đa van tim, bệnh lý tắc hẹp mạch vành một cầu, hai cầu, ba cầu nối và các loại bệnh khác như u tim.

Giám đốc Bùi Đức Phú cho hay, các bác sĩ đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như liệt tim bằng máu, liệt tim ngược dòng, kỹ thuật pomp on-off, kỹ thuật pha loãng và cô đặc máu…Ngoài ra, còn hệ thống hóa quy trình thiết lập và vận hành Tuần hoàn ngoài cơ thể, các thông số kỹ thuật được chuẩn hóa, đảm bảo sự an toàn trong quá trình ngừng tim phổi để phẫu thuật. Và đây, chính là mô hình đầu tiên trong cả nước trong lĩnh vực mổ tim hở có sử dụng Tuần hoàn ngoài cơ thể hoạt động trong một bệnh viện đa khoa với chi phí phẫu thuật thấp do tận dụng, tiết kiệm và sử dụng lại một số phương tiện vật tư tiêu hao.

Đến năm 2008, bác sĩ Phú và các đồng nghiệp đã tiến hành mổ thường quy các loại bệnh tim bẩm sinh với hơn 3000 ca; các bệnh van tim với 921 ca; các bệnh tắc hẹp mạch vành với 123 ca. Những con số biết nói ấy đã thể hiện được những nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ bệnh viên để nâng số lượng phẫu thuật tăng từ 100ca/năm đến 300 ca/năm với nhiều loại bệnh khó, phức tạp.

Không thỏa mãn với những kết quả ấy, bác sĩ Phú vẫn không thôi trăn trở, dù đã có nhiều bước tiến trong điều trị nhưng nhu cầu chữa các bệnh về tim còn rất nhiều, còn nhiều bệnh nhân phải chờ đợi và những ca phức tạp phải từ chối và chuyển đi các trung tâm khác. Từ đó, ý nghĩa xây dựng Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Huế đã ra đời, thôi thúc các thầy thuốc tâm huyết hành động. Dự án 250 giường bệnh và 4 phòng mổ tim với 22 giường hồi sức sau mổ trên diện tích sử dụng 12000m2 (gồm 6 tầng) được triển khai. Đây là một trung tâm hiện đại hoàn chỉnh bao gồm 6 khoa liên quan như: Nội Tim mạch, Ngoại Lồng ngực Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng Tim mạch, Cấp cứu và Tim mạch can thiệp, Gây mê hồi sức tim mạch, Phục hồi chức năng tim mạch… được thiết kế với tiêu chuẩn quốc tế. Dự án hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ ngày 6/3/2007. Trung tâm được trang bị các máy móc hiện đại, đồng bộ từ máy móc thông dụng đến máy móc hiện đại, đắt tiền đã nâng cao chất lượng điều trị ngang tầm với các trung tâm tim mạch trong cả nước và khu vực. Với đội ngũ nhân lực thường xuyên được bổ sung, đào tạo tại chỗ, trong nước và quốc tế, đến nay Trung tâm có 180 cán bộ, mỗi năm thực hiện 800 ca mổ tim hở, 100 ca chụp mạch vành và nong đặt stent, đặt máy tạo nhịp 50 ca, thăm dò điện sinh lý 20 ca, can thiệp tim bẩm sinh 25 ca. Nhiều kỹ thuật cao đã làm được thành công.

Nhận thấy nghiên cứu điều trị phẫu thuật tim cho trẻ em nhỏ cân (dưới 5kg) là đòi hỏi cấp bách. 1/3 bệnh nhân tim bẩm sinh sẽ bị chết trong tháng đầu nếu không được điều trị sớm, nên phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho trẻ nhỏ cân sẽ giúp tránh được các bội nhiễm phổi và các thương tổn nặng hơn, thậm chí không phục hồi, sớm trả lại cuộc sống hoàn toàn bình thường cho trẻ.

Bệnh viện đã triển khai rộng rãi siêu âm tin Doppler màu để có thể phát hiện được tim bẩm sinh sớm hơn và có thể phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai, thực hiện thông tim và chụp buồng tim và mạch máu ở trẻ em để nghiên cứu cung cấp chẩn đoán về giải phẫu cần thiết trước mổ và điều trị….Nhờ vậy, từ năm 2006, phẫu thuật cho trẻ em dưới 5 kg được triển khai và thực hiện thường xuyên. Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện 300 trường hợp.

Ngoài thành công nổi bật ấy, Bệnh viện Trung ương Huế còn được biết đến với những thành công trong nghiên cứu cầu nối chủ - vành là nền tảng trong điều trị bệnh thiếu máu cơ tim và hiện đang nghiên cứu ghép tim được xem là hướng nghiên cứu mới.

Ngoài điều trị các bệnh về tim, bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thành công trong triển khai ghép thận, đến nay đã phẫu thuật 23 cặp ghép thận, đứng hàng thứ 3 trong cả nước. Bản thân Bác sĩ Bùi Đức Phú phụ trách kíp ghép thận và được mời tham gia các ca ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân Gia định TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đà Nẵng. Mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Huế còn chạy thận nhân tạo 2500 lần, làm shunt AV cho các tỉnh lân cận (có đến 35% bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận) và áp dụng kỹ thuật súc rửa màng lọc trong chạy thận nhân tạo chu kỳ đã tiết kiệm cho bệnh viện cũng như bệnh nhân. Từ tháng 4/2003, Bệnh viện đã tiến hành ghép tủy cho 5 bệnh nhân và đứng vị trí thứ 2 trong toàn quốc về lĩnh vực này. Trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức với các máy móc được bệnh viện trang bị và với đội ngũ cán bộ có trình độ tay nghề cao, được đào tạo chính quy, nhiệt tình, không ngại khó khăn vất vả và số lượng bệnh nhân quá tải đã túc trực 24/24 giờ bên giường bệnh nhân nặng, ứng dụng nhiều phác đồ điều trị mới, các kỹ thuật hồi sức phức tạp.

Không ngừng nâng cao năng lực các tuyến y tế cơ sở

Với tư cách là một người lãnh đạo một Bệnh viện trọng yếu ở khu vực miền Trung, Bác sĩ Bùi Đức Phú không ngừng triển khai các hoạt động đào tạo cán bộ cho các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt chú trọng kỹ năng thực hành và triển khai kỹ thuật mới. Năm 2008 đã đào tạo lại cho y tế tuyến trước 1043 học viên. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Căn cứ nhu cầu và năng lực của các bệnh viện tuyến trước, Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến phù hợp cho từng bệnh viện, tập trung vào công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BHYT của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên cử 24 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư có trình độ cao thường xuyên có mặt ở 8 bệnh viện tỉnh miền Trung – Tây Nguyên làm việc theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và chuyển giao cho bệnh viện tỉnh hàng chục kỹ thuật y học tiên tiến.

Chú trọng y đức

Luôn chú trọng nâng cao năng lực và y đức cho đội ngũ cán bộ, Bệnh viện đã tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp và vận chuyển bệnh nhân; giáo dục y đức dưới mọi hình thức nhằm từng bước xóa bỏ tư duy bao cấp, quan liêu, thiếu tôn trọng người bệnh để thực hiện lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ; giáo dục cán bộ không lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người nghèo. Do vậy, mà bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở Bệnh viện TW Huế đều được chăm sóc chu đáo, phục vụ tận tình, không phân biệt đối tượng, các bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nghèo, trẻ em và các đối tượng chính sách đều được giải quyết tốt không điều kiện.

Hàng năm, Bệnh viện Trung ương Huế miễn giảm cho người nghèo và các đối tượng khó khăn khác từ 8-10 tỷ đồng. Bệnh viện đã miễn giảm 1/3 viện phí đối với các trường hợp phẫu thuật tim hở so với các Trung tâm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Không những thế, Bác sĩ Phú còn giới thiệu bệnh nhân nghèo cho tổ chức Đông Tây Hội ngộ, các hội đoàn từ thiện để được hỗ trợ kinh phí điều trị. Bệnh viện tổ chức nhiều đợt công tác ngoại viện đến tận các vùng sâu, vùng xa và những khu vực dân cư nghèo để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật tại chỗ cho hàng chục nghìn lượt người.

Cùng với những đóng góp về chuyên môn, công tác nghiên cứu và đào tạo khoa học, bác sĩ Bùi Đức Phú nhiều năm liền được nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, nhận nhiều Bằng khen, Huy chương, Bằng khen của các cấp, nhiều danh hiệu cao quý, đáng chú ý là đã được nhận giải thưởng Nghiên cứu trẻ do Hội tim mạch các nước nói tiếng Pháp khu vực Đông Nam Á, giải thưởng Cây kéo vàng do Hội Ngoại khoa Việt Nam năm 2003 trao tặng về thành công trong mở tim hở tại Huế; Bằng Lao động sáng tạo năm 2003; giành giải Ba Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009 và mới đây nhất, tháng 1/2010, anh đã được biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc ‘’Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’.

Hồng Lam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất