(TCTG)- Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều muốn gọi Hồ Xuân Hiếu (Pả Hiếu - tên gọi thân mật bà con đặt cho Giám đốc nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa) là người giám đốc của bà con nông dân. Báo chí viết về anh đã nhiều, vì thế bài viết này chỉ muốn giới thiệu anh như một tấm gương về ý thức trách nhiệm trước công việc, "hết lòng hết sức phục vụ nhân dân".
Với hành trang là tấm bằng kỹ sư chế tạo máy loại ưu, Hồ Xuân Hiếu có rất nhiều cơ hội tìm việc làm ở các thành phố lớn nhưng Hiếu đã quyết định về quê và chọn Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa làm nơi lập nghiệp. Để có được vị trí như ngày hôm nay, Hiếu đã phải trải qua biết bao khó khăn chồng chất mà nếu không có ý thức trách nhiệm trước công việc, không có cái tâm đối với đồng bào miền núi Hướng Hóa, Đakrông thì chắc chắn khó có thể vượt qua.
Nhận thức rõ: để nhà máy hoạt động tốt, ngoài dây chuyền kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ công nhiên viên chức lao động năng động, sáng tạo thì một yếu tố hết sức quan trọng là nguồn nguyên liệu. Vì vậy, trong những ngày đầu nhà máy mới thành lập, với vai trò là một cán bộ kỹ thuật, Hồ Xuân Hiếu đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô từ bỏ tập quán canh tác đốt rừng làm rẫy chuyển sang chuyên canh trồng sắn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Vấn đề khó nhất trong công tác vận động đồng bào dân tộc là do trình độ dân trí thấp nên người dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hiệu quả lâu dài với sự phát triển kinh tế ổn định. Hàng năm trời "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con, cán bộ Hiếu không chỉ hướng dẫn cho đồng bào cách chọn giống, kỹ thuật trồng mà con tận tình chỉ bảo cách làm cỏ, bón phân, trồng ngô xen canh với sắn. Chính điều đó đã tạo được niềm tin đối với bà con và diện tích trồng sắn không ngừng được mở rộng, nếu như năm 2004 chỉ có 500ha thì đến nay đã lên đến hơn 4.000ha. Có thể nói thành công lớn của Hồ Xuân Hiếu là làm thay đổi suy nghĩ của người dân về cây sắn. Trước đây, nhiều người cho rằng sắn là loại cây làm cho đất ngày càng xấu đi nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu Hiếu đã chứng minh được điều ngược lại. Thực tế cho thấy, trên cùng một mảnh đất nếu trồng sắn 3 năm liền, không cần bón phân cây sắn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho củ nhưng đối với các loại cây trồng khác thì phải chăm bón kỹ mới có sản phẩm. Theo Hồ Xuân Hiếu, điều quan trọng là phải thâm canh để tăng năng suất, sản lượng sắn trên một đơn vị diện tích. Năm 2009, anh đã tổ chức cho lãnh đạo các xã trong vùng nguyên liệu đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở đắc Lắc và Thái Lan, từ đó củng cố thêm niềm tin cho người dân về hiệu quả của việc trồng sắn. Giờ đây, cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị. Với sự năng động sáng tạo của giám đốc Hồ Xuân Hiếu, nhà máy còn nuôi 300 con bò để lấy phân kết hợp với phụ phẩm sản xuất phân vi sinh đạt tiêu chuẩn chất lượng, hiện tại đang cung ứng miễn phí cho người dân nhằm đảm bảo chiến lược phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy.
Điều ấn tượng nhất ở Hồ Xuân Hiếu là sự say mê sáng tạo. Với cương vị là nhà quản lý nhưng anh vẫn dành thời gian nghiên cứu, thiết kế, đề xuất các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính khả thi cao. Giám đốc Hồ Xuân Hiếu còn khơi dậy phong trào lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân viên chức lao động của nhà máy. Chỉ tính trong 2 năm 2007, 2008, toàn nhà máy có 42 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, trong đó có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng mỗi năm, riêng anh có 2 sáng kiến được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo, 01 sáng kiến đạt giải nhì (không có giải nhất) hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 2, 01 sáng kiến đạt giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 và 01 sáng kiến đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn Quốc (VIFOTEC) lần thứ 9. Hồ Xuân Hiếu còn chủ trì công trình nghiên cứu phương án xử lý môi trường đã được ứng dụng có hiệu quả nên trong những năm qua, môi trường Nhà máy luôn xanh, sạch, đẹp, mùi hôi giảm trên 90% và nước thải luôn đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường. Ở hồ nước thải cuối cùng cá và các sinh vật khác đều sinh trưởng tốt. Công trình sử dụng khí biogas (được sản xuất từ phụ phẩm và nước thải của nhà máy) sấy tinh bột thay cho than và điện đã tiết kiệm cho nhà máy 3 tỷ đồng/năm. Đây là mô hình cho nhiều nhà máy khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm, luôn được các cơ quan chức năng đánh giá cao và khen ngợi. Năm 2009, nhà máy được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường trao tặng "Cúp vàng vì sự nghiệp bảo vệ môi trường".
Khi được hỏi: "Động cơ nào thôi thúc anh say mê sáng tạo như vậy?", Hiếu tâm sự: "Mình luôn tâm niệm rằng cần phải đưa những kiến thức đã được học vào ứng dụng có hiệu quả trong thực tế, phải biến thành của cải vật chất cho xã hội, tức là phải biến kiến thức thành tiền.. Nhà nước đã đào tạo mình trở thành kỹ sư thì mình phải phát huy hết năng lực, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Hơn nữa những công trình nghiên cứu, sáng tạo của mình nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ bà con nông dân, bởi vì nhà máy tăng công suất thì nhu cầu về nguyên liệu sẽ tăng, giúp bà con tiêu thụ được nhiều sản phẩm; còn bảo vệ môi trường tốt là để bảo vệ sức khoẻ cho người dân và công nhân viên chức lao động của nhà máy". Và Giám đốc Hồ Xuân Hiếu đã thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân thật sự ấn tượng. Anh đã áp dụng thành công nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con như: thực hiện việc thu mua sắn trực tiếp từ dân (không thông qua thương lái), tổ chức đội xe ô tô gồm 60 chiếc vận chuyển sắn với giá chỉ bằng 80% giá thị trường và cung ứng các mặt hàng thiết yếu như nếp, gạo, muối... đến tận nhà cho bà con với giá chỉ bằng 80% giá thị trường. Tổ chức thu mua từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm để bà con thuận tiện trong việc bán sắn cho nhà máy. Điều phối nhịp nhàng giữa công tác thu mua và lưu thông tiền tệ, đảm bảo thu mua hết sắn cho bà con (kể cả những lúc Nhà máy gặp khó khăn nhất). Thu mua đến đâu trả tiền đến đó, không thiếu nợ; hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi bà con gặp khó khăn, hoạn nạn như hỗ trợ kinh phí cho nhân dân xã Hướng Lộc làm lại đường giao thông do bị lũ cuốn, cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc ở bản 1 và 2 của xã Thuận (Hướng Hóa), tổ chức cứu trợ (hơn 20 tấn gạo) khi nhân dân gặp khó khăn, bắt điện cho người dân... Bênh cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Hồ Xuân Hiếu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy thường xuyên hướng dẫn nhân dân tiếp cận và áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Vì vậy, thời gian qua, Nhà máy luôn được nhân dân tin tưởng, tạo điều kiện và phối kết hợp tốt, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị xã hội ở vùng sâu biên giới. Nhờ áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đội ngũ công nhân có tay nghề cao nên sản phẩm tinh bột sắn nhãn hiệu SEPON của Nhà máy luôn được khách hàng tín nhiệm (được đánh giá là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc), năm 2009 được trao tặng giải thưởng "Sao Vàng đất Việt", đây là sản phẩm duy nhất về tinh bột sắn được trao tặng giải thưởng này.
Với những hiệu quả từ phong trào lao động sáng tạo mang lại, công suất của nhà máy không ngừng tăng lên từ 50 tấn sản phẩm/ngày năm 2004 lên 150 tấn sản phẩm/ngày năm 2009. Vì vậy doanh thu của nhà máy không ngừng được tăng cao từ 0,5 tỷ năm 2005 lên 100 tỷ năm 2009, thu nhập của người lao động ổn định với mức bình quân 2,2 triệu đồng/tháng. Nhà máy đã thành lập quỹ vượt khó với số tiền 100 triệu đồng để giúp đỡ, khuyến khích cán bộ CNVC LĐ vươn lên trong học tập, công tác. Ngoài thời gian lao động tại Nhà máy, người lao động được tạo điều kiện để tăng gia sản xuất tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vì vậy đã tạo được sự gắn kết bền chặt và niềm tin của người lao động đối với nhà máy.
Với những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Nhà máy cũng như của tỉnh Quảng Trị, trong 3 năm 2007 - 2009, Hồ Xuân Hiếu đã được tặng nhiều Bằng khen, giải thưởng các loại. Đặc biệt năm 2008, anh đã vinh dự được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ nhất, năm 2009 được chọn tham dự giao lưu cá nhân điển hình "Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh" khu vực miền Trung - Tây Nguyên.