Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 14/12/2010 10:39'(GMT+7)

Đa đảng, "độc" đảng - Đâu là chân lý?

Đảng là một tổ chức chính trị của những người có chung một mục tiêu, lý tưởng tồn tại trong một chế độ xã hội nhất định. Mục tiêu trực tiếp của các đảng là tham chính. Mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước (chính quyền).

Lịch sử Việt Nam và thế giới cho thấy các cuộc cách mạng thay đổi chế độ xã hội hoặc đảo lộn chính quyền, còn gọi là “cách mạng mầu” thường là kết quả của sự vận động, tập hợp lực lượng quần chúng lúc bí mật, khi công khai của các đảng chính trị. Đến lượt mình khi đã trở thành đảng cầm quyền, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, nhất là về lợi ích chính trị của các giai tầng mà nó đại diện để lựa chọn chế độ đa đang hay “độc” đảng.

Tuy nhiên ở các quốc gia đều không có một chế độ đa đảng hoặc “độc” đảng thuần khiết. Trong chế độ đa đảng, bao giờ cũng có một đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo có khi kéo dài nhiều thập kỷ. Trong chế độ “độc” đảng thì thường được bổ sung bằng sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội chính thức (trong hệ thống chính trị) hoặc phi chính thức (các tổ chức phi chính phủ - NGO s­ ).

Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng chính trị với chế độ xã hội, nhiều người đã cố tình hoặc ngây thơ bỏ qua nhiều yếu tố khác, nhất là bối cảnh lịch sử cụ thể liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Không ít người đã bị dẫn dắt bởi sân chơi dân chủ, nhân quyền của các lực lượng chống cộng. Theo họ, mối quan hệ giữa chế độ đa đảng và “độc” đảng với dân chủ là mối quan hệ duy nhất. Đời sống đã chỉ ra không phải như vậy. Đa đảng không phải là không tốt, nhưng “độc” đảng – đơn đảng cũng không phải là không có lý. Tình trạng quốc hội “treo” như ở Anh quốc vừa qua, hoặc cuộc xuống đường, xung đột giữa những người áo đỏ với Chính phủ đương nhiệm ở Thái Lan hiện nay thiết tưởng đã giúp cho người ta có thêm các căn cứ để suy nghĩ về tính ưu việt cũng như những khó khăn phức tạp của chế độ dân chủ đa đảng.

Ở Việt Nam cho đến nay có bao nhiêu quan điểm về đa đảng – xét trên các quan điểm lợi ích?

Thứ nhất đó là quan điểm của các nhà dân chủ hàn lâm (Aeademic Democracy). Theo họ dân chủ là động lực của phát triển. Chế độ dân chủ tất yếu phải gắn với đa đảng, với cạnh tranh về chính trị … Đương nhiên quan điểm của các nhà dân chủ - hàn lâm không sai về mặt lý thuyết, nhưng họ đã bỏ qua yếu tố đặc thù về lịch sử và thực tiễn chính trị của các quốc gia.

Thứ hai , đó là quan điểm của các nhà dân chủ giả hiệu. Về lập luận quan điểm của họ không khác các nhà dân chủ hàn lâm. Thêm vào đó họ còn đưa ra chứng cứ như ở Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng. Ví dụ: “Quốc hội đầu tiên, 1946 là Quốc hội đa đảng (vì có 72 ghế tại Quốc hội không qua bầu cử của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng Đảng) hoặc “Hiến pháp 1992 biểu hiện chế độ đa đảng”… (Trong bài viết này tác giả không có ý tranh luận với họ về những vấn đề trên).

Sự khác biệt căn bản của những dân chủ giả hiệu với những người dân chủ hàn lâm là ở ý đồ chính trị. Với những người dân chủ giả hiệu, đây không chỉ là nhằm tuyên truyền học thuyết, mà là tham vọng thay đổi thể chế chính trị Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho các đảng phái chính trị ở nước ngoài “hồi hương” – như “Đảng Việt Tân”, “Liên minh dân chủ nhân quyền”, đảng “Nhân dân hành động” (đã đổi tên thành “Đảng dân chủ Việt Nam”)… Đây là những tổ chức khủng bố và hoạt động nhằm lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam . Đồng thời đó cũng nhằm tạo cơ hội cho những tổ chức đảng phái đang trong thời kỳ “thai nghén” tại “quốc nội” ra đời như “Đảng xã hội Việt Nam ”, “Đảng dân chủ Việt Nam ” do Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định chủ trương …

Trong số những kẻ đang kêu gọi “đa nguyên”, “đa đảng” không loại trừ có kẻ đã từng thực hiện “Luật 10/59 - đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, chém giết hàng chục ngàn người cộng sản và người yêu nước trong những năm cuối thập kỷ 50 thế kỷ XX. Phần lớn họ đều đang giữ hận thù với cách mạng. Và cũng như những kẻ bán nước trước đây, họ đang dựa vào các lực lượng ngoại bang hòng thực hiện ý đồ xóa bỏ lịch sử cách mạng, tạo lập một xã hội phục vụ cho lợi ích của chúng .,

Thứ ba, đó là quan điểm của các nhà dân chủ thực dụng. Quan điểm này cho rằng hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề bức xúc của người dân. Đó là tình trạng quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tình trạng này có thể giảm thiểu nếu có thêm các đảng phái tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Nhưng những nhà dân chủ thực dụng đã không thấy rằng, ở nhiều quốc gia “đa đảng” tình trạng quan liêu, tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng. Mặt khác quan điểm này đã không tính đến các thế lực chính trị thù địch có thể lợi dụng chế độ đa đảng để thực hiện mưu đồ xấu xa của họ.

Vậy cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?

Về lịch sử ai cũng biết 80 năm qua (kể từ khi thành lập Đảng 3/2/1930) đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo, đồng thời là người đi tiên phong, không sợ hy sinh gian khổ trong cuộc Cách mạng Tháng tám, năm 1945, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng nước Việt Nam hiện đại với chế độ dân chủ - Cộng hoà. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền công dân và quyền con người của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp (1946). Tiếp đó Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược bảo vệ thành quả của cách mạng. Đảng cộng sản Việt Nam cũng là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập với cộng đồng quốc tế tạo nên vị thế mới của Việt Nam trong cộng dồng quốc tế.

Về chính trị- tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần cách mạng và sáng tạo. Mục tiêu của Đảng là: Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia đồng thời xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”, hội nhập quốc tế trên tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế – không phân biệt chế độ xã hội.

Nhân đây xin được nói thêm rằng, những kẻ bôi nhọ Đảng cộng sản Việt Nam thường lập luận theo một lôgíc giả dối: Chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, Chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ. Lập luận của họ thường là chép lại quan điểm của những kẻ chống cộng, như Brê – din – sky trong cuốn “Thất bại lớn” hoặc của Fu – ku – y – a – ma trong bài “ Điểm tận cùng của lịch sử” làm tiền đề. Họ suy luận ra, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm hệ tư tưởng tất nhiên sẽ trở thành một lực lượng chính trị lạc hậu, xã hội XHCN ở Việt Nam sẽ bị sụp đổ. Và do đó Việt Nam cần phải có một đảng chính trị mới dẫn dắt dân tộc đi lên! Tất nhiên những giáo sư, tiến sỹ, “viện sĩ”, “sử gia”, “nhà biên khảo”, nhà văn, nhà báo viết về dân chủ - đa đảng hầu hết họ không hề đọc Mác, Lê – nin… Đặc biệt họ che giấu, hoặc cố tình lờ đi tư duy mới, đường lối chính trị và chính sách mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH, trong đó Đảng đã thừa nhận những sai lầm của mình (như chủ quan duy ý chí, xoá bỏ kinh tế hàng hoá, cơ chế thị trường…). Đảng đã khẳng định phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ; phải xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và hội nhập với cộng đồng quốc tế ...

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Văn kiện Đại hội X viết: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị (Văn kiện Đại hội X, tr.275).

Về pháp lý, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Quốc hội nhất trí và được quy định tại Điều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (1992). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế. Tại Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, Chính trị, năm 1966 ghi: “Tất cả các Quốc gia đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. (Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người - Viện nghiên cứu quyền con người - Việt Nam ).

Vậy đa đảng, “độc” đảng - đâu là chân lý ? Chân lý tồn tại ở thực tiễn, ở lợi ích tốt nhất cho dân tộc. Sự lựa chọn chế độ đa đảng hay “độc” đảng – đơn đảng phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Trước tiên phải đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết; Phải lấy an ninh quốc gia, ổn định xã hội làm tiền đề (cho các yêu cầu khác). Thứ hai, đương nhiên lựa chọn chế độ nào đều phải được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân, thông qua những người đại diện của mình đó là Quốc hội./.

Chí Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất