Không phải bây giờ mà có lẽ bao giờ cũng vậy, lý luận nói chung, lý luận văn học nói riêng, luôn gắn với một hình thái ý thức nhất định. Nếu lý luận văn học không gắn với hình thái ý thức của chủ nghĩa Mác-Lênin thì đương nhiên nó sẽ gắn với một hình thái ý thức khác.
Nói đến hình thái ý thức Mác-Lênin không có nghĩa là thừa nhận mọi thứ lý luận nhân danh quan điểm mác-xít đều tốt, nhất là mác-xít giả hiệu, mác-xít một cách máy móc, mà chỉ để khẳng định một cách khái quát rằng mọi thứ được xem là lý luận, nhất là lý luận văn học, đều gắn với hoạt động có ý thức, đều được xem là hình thái ý thức. Hơn nữa, cũng cần phải hiểu đúng và biết vận dụng sáng tạo hình thái ý thức mác-xít. Nói đến học thuyết Mác, Ăngghen viết: “Toàn bộ thế giới quan của Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó“[1]. Đây là điểm xuất phát hết sức quan trọng khi nói đến học thuyết của Mác. Lênin cũng khẳng định: “Những người mác-xít chắc chắn là chỉ mượn học thuyết của Mác những phương pháp quý báu mà nếu không có thì không hiểu được những quan hệ xã hội“[2]. Còn Hồ Chí Minh thì không chỉ mượn học thuyết của Mác những phương pháp quý báu như phương pháp làm việc biện chứng, mà Người còn “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông“[3]. Do đó, khi nói lý luận văn học gắn với hình thái ý thức mác-xít là nói đến bản chất phương pháp luận của học thuyết Mác, tránh những ngộ nhận các quan điểm nhân danh mác-xít hoặc nhân danh đảng cộng sản mác-xit.
Trái lại, cũng không phải mọi thứ lý luận được xem là không phải, không thuộc hệ thống mác-xít đều không tốt. Những lý luận trước Mác và nhiều học thuyết của các triết gia không liên quan gì đến Mác, ở cả phương Đông và phương Tây, đều đang được ứng dụng có kết quả trong cuộc sống đương đại. Bởi vậy, cũng tương tự như cách nói của Trần Đức Thảo về vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người“ là hoàn toàn xa lạ, chúng ta cũng có thể nói, chủ nghĩa “lý luận không có ý thức“ là thứ lý luận không thể có trên đời.
Nhưng, ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta thấy xuất hiện hiện tượng không muốn nói đến ý thức hệ hoặc đấu tranh ý thức hệ, nhất là đến các thứ chủ nghĩa, kể cả chủ nghĩa Mác-Lênin. Người ta cho rằng đã qua rồi cái thời nói đến hệ tư tưởng, bởi lẽ theo họ, bóng ma của hệ tư tưởng đã thất bại, nhường chỗ cho phát triển kinh tế, cho “thị trường tự do“, cho thế giới phẳng và toàn cầu hoá mọi mặt vì họ vin vào cớ cho rằng, bây giờ người ta chỉ cần quan tâm đến cái gì có lợi cho con người, cho sự phát triển con người và xã hội. Điều này không chỉ thấy xuất hiện trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà hình như đang là một thứ “mốt“ chung khi nói đến các vấn đề xã hội kể cả khoa học và văn hoá, văn minh trong thời đại toàn cầu hoá. Theo quan điểm này, thì mọi cái gọi là hệ tư tưởng, kể cả chủ nghĩa Mác-Lênin đều không còn tồn tại nữa hay đúng hơn, theo họ, nó không còn tác dụng trong cuộc sống đương đại. Cho nên, không phải là ngẫu nhiên một nhà khoa học Mỹ, Gs. kinh tế New York University, William Easterly, trong bài viết Hệ tư tưởng của sự phát triển, đã viết: “Những hệ tư tưởng đã bị thất bại của thế kỷ trước vừa chấm dứt thì một hệ tư tưởng mới lại nổi lên thay thế chúng. Đó là hệ tư tưởng của sự phát triển và nó tham vọng một giải pháp cho tất cả những vấn đề của thế giới. Nhưng giống như những chủ nghĩa khác đã thất bại trước đó, chủ nghĩa duy phát triển là một điều nguy hiểm và là một xu thế nghiêm trọng„[4]. Theo tác giả, hệ tư tưởng của sự phát triển được nhấn mạnh ở những mục tiêu thế giới hơn là quyền tự trị của các xã hội để chọn ra con đường đi của riêng mình. Có thể nói, hệ tư tưởng của sự phát triển thực chất là hệ tư tưởng của “thị trường tự do“ theo mục tiêu toàn cầu hoá của chủ nghĩa tư bản. Thực chất nó là hệ tư tưởng tư sản muốn bá chủ thế giới bằng những tiêu chí của thị trường tự do.
Nhắc đến quan điểm của một nhà kinh tế học để chúng ta liên hệ đến vấn đề đang được quan tâm là lý luận văn học. Trên lĩnh vực kinh tế, ý tưởng duy phát triển đã được thử thách theo thời gian và ngày càng chứng minh sự thất bại của nó bởi những nước nghèo càng nghèo hơn, những nước giàu càng muốn áp đặt những chính sách kinh tế có lợi cho họ và ngày càng can thiệp sâu vào những nước không thuộc chính kiến với họ. Vậy thì, liệu có một thứ lý luận văn học không thuộc hệ ý thức nào mà chỉ theo triết lý duy phát triển này không? Câu trả lời của chúng ta đương nhiên là không, tức là không có thứ lý luận văn học phi ý thức, không có cả thứ lý luận văn học phi chính trị, cũng không có thứ lý luận văn học phi dân tộc. Còn nếu lý luận văn học Xô-viết chao đảo như một kết cục tất yếu sau khi nhà nước Liên Xô tan rã để đến nỗi nền lý luận văn học chính thống ở Liên Xô trước kia “đã trọn đời mãn kiếp hoàn tất vai trò lịch sử của nó“[5] như cách nói của Lã Nguyên, thì theo tôi, chính điều đó càng chứng minh một điều: lý luận văn học gắn với ý thức chính trị như chính bản thân nó gắn với khoa học vậy. Cái kết cục tất yếu ấy không thể đổ lỗi cho lý luận văn học Xô-viết mà chính là do cái đảm bảo cho nền lý luận ấy đứng vững là nhà nước Liên Xô đã không còn nữa. Điều đó càng nói lên sự gắn bó chặt chẽ giữa lý luận văn học với hệ ý thức và với chính trị như thế nào. Đó là quy luật cuộc sống, quy luật của sự phát triển. Vấn đề là phải nhận đạng lý luận văn học ở ta hiện nay như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá.
Lý luận văn học và có thể cả phê bình văn học ở ta tuy không nói là khủng hoảng nhưng hình như nó đang có hiện tượng lúng túng khi chưa thoát khỏi cái cũ, chưa tìm được cái mới cho phù hợp với bối cảnh chung của đất nước. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi lẽ, lý luận nói chung, lý luận văn học nói riêng vốn gắn với nền tảng tư tưởng xã hội, với bản chất chế độ hiện hành, cho nên đổi mới lý luận không giống như các lĩnh vực khác. Không phải ngẫu nhiên chúng ta có Hội đồng lý luận Trung ương, lại có cả Hội đồng lý luận phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương nữa. Điều đó nói lên tầm quan trọng của lý luận nói chung và lý luận văn học nói riêng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Trong quá trình đổi mới, nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế đã có khởi sắc rõ ràng. Trong tư duy kinh tế, chúng ta đã thấy xuất hiện những phạm trù mới mẻ gắn với toàn cầu hoá. Trong phạm vi văn hoá nói chung, chúng ta cũng thấy xuất hiện những cách tân theo thời cuộc, những hiện tượng văn hoá du nhập từ nước ngoài, nhất là từ văn hoá Mỹ, rất nhiều hình thức mới lạ, nhiều sản phẩm chưa từng thấy ở Việt Nam trước đây. Những hiện tượng văn hoá mới lạ đó đang dần dần làm biến đổi cả lối sống, cách sống của rất nhiều người, nhất là những người có tiền, có điều kiện giao lưu, hội nhập quốc tế.
Riêng lĩnh vực văn học, chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều hiện tượng cởi mở, phóng khoáng, nhà văn có thể tiếp cận với nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, tiếp cận với các lĩnh vực cuộc sống đời thường, cả thế giới tâm linh muôn hình muôn vẻ vốn rất trừu tượng và khó hiểu, chứ không nhất thiết chỉ phản ảnh cuộc sống chiến đấu của dân tộc. Còn trong lý luận văn học thì sao? Đương nhiên, lý luận văn học không thể như trước mà phải đổi mới tư duy theo yêu cầu chung của đất nước. Nhưng đổi mới như thế nào cho phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, quả là một bài toán không dễ có lời giải. Bài học của Liên Xô và một số nước khác có thể giúp chúng ta thấy rõ số phận lịch sử của nền lý luận văn học Xô-viết chính thống, nhưng quyết không thể xem là bài học tích cực có thể rút ra từ đó. Bài học Trung Quốc cũng có thể giúp ta rất nhiều điều bổ ích, nhưng cũng không thể bắt chước họ một cách máy móc. Nếu ở Trung Quốc có hiện tượng “xem vấn đề trung tâm của xã hội và thời đại giờ đây không phải là đấu tranh ý thức hệ, mà là xây dựng kinh tế, do đó văn học được tự do phát triển“ như có người nói, thì đó có thể là cách nói chứ chưa hẵn là cách làm của họ. Hơn nữa, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở nước ta chẳng phải đã xuất hiện hệ tư tưởng của sự phát triển như nói trên đó sao. Chính là hệ tư tưởng của sự phát triển nói trên đang hy vọng thay thế hệ tư tưởng mác-xít. Đó là chưa nói đến những hệ tư tưởng chống cộng vẫn len lỏi khắp nơi. Nhiều bài học khác có thể giúp chúng ta tham khảo, chứ không thể thay thế sự suy nghĩ độc lập của chúng ta về sự phát triển lý luận văn học trên cơ sở thực tế đất nước và truyền thống văn hoá dân tộc ta, nhất là con người Việt Nam với những ưu việt và cả những hạn chế do lịch sử để lại, do tình trạng chiến tranh kéo dài, do nghèo nàn, lạc hậu của một đất nước nông nghiệp, là chủ yếu.
Vấn đề đặt ra cho lý luận văn học hôm nay có lẽ là phải làm như thế nào để lý luận văn học Việt Nam vừa bảo tồn được những di sản quý báu của mình vừa đổi mới theo kịp với thế giới đương đại, nhưng vẫn phải bảo đảm độc lập dân tộc và tự do sáng tạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả phải chăng là ở giải pháp của sự phát triển theo con đường đã chọn về đường lối xây dựng đất nước của Đảng ta và Hồ Chí Minh chứ không phải là đi tìm một học thuyết phát triển khác xa lạ với Việt Nam, xa lạ với chủ thuyết phát triển lấy độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để đi tìm các giải pháp hay cho lý luận văn học Việt Nam phát triển, phù hợp với đường lối phát triển chung của đất nước và mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ trong giáo dục mà cả trong sáng tác và phê bình văn học là việc không đơn giản, dễ dàng, không thể thực hiện ngay được mà chắc chắn phải có thời gian, có thể nghiệm và cả thử thách, thậm chí có cả thất bại. Do đó, những gì đặt ra hiện nay may lắm cũng chỉ là những gợi ý khả dĩ chứ chưa thể xem là kết luận cuối cùng. Quả như Lênin nói: “Không thể có chân lý trừu tượng. Chân lý bao giờ cũng cụ thể“. Cái quyết định tính cụ thể ấy của chân lý, chính là thực tế mỗi nước. Bởi vậy, để lý luận văn học nước nhà tiếp cận với chân lý, không thể có cách nào khác là phải nhận thức cho được thực tế nước ta hiện nay như thế nào, đồng thời tìm hiểu thực tế của văn học, nghệ thuật như một phạm vi có quan hệ trực tiếp đến lý luận văn học Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá.
Mặt khác, cũng cần phải thấy nền lý luận văn học Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí nào và dự định sẽ đi về đâu để đồng hành cùng dân tộc trên con đường hội nhập thành công với quốc tế.
Dĩ nhiên, là người Việt Nam chúng ta không thể suy nghĩ thoát ly khỏi thực tế và bản chất chế độ mà đất nước đang xây dựng. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hơn phải chăng là chỗ đứng của lý luận văn học trong bối cảnh đổi mới hiện nay mà hầu như tất cả các lĩnh cuộc sống từ kinh tế đến văn hoá, xã hội, thậm chí cả chính trị...đều đang trên con đường vận hành theo tư duy đổi mới. Nếu quả có hệ tư tưởng của sự phát triển đang chi phối toàn cầu hoá như nói trên, thì chúng ta cũng phải thấy cả mặt trái của nó để giữ vững bản lĩnh của dân tộc đã trải qua những thử thách ác liệt mới có được hôm nay.
Để thấy rõ hơn thực trạng đổi mới và cả triển vọng của lý luận văn hoc, chúng ta có thể tìm hiểu và liên hệ với lĩnh vực kinh tế. Từ khi có đổi mới, chúng ta được biết đến nền kinh tế lưỡng thể, nghĩa là bên cạnh hệ thống quốc doanh và tập thể đang hiện hữu, đã hình thành hệ thống kinh tế tư nhân ngoài quốc doanh và hầu như đang có sự cạnh tranh giữa hai hệ thống này. Do một số hạn chế và tiêu cực trong hệ thống kinh tế quốc doanh, nhiều người muốn thu hẹp quốc doan, mở rộng không giới hạn kinh tế tư nhân như một nguyên tắc của chủ nghĩa tự do toàn cầu hoá. Thậm chí có ý kiến đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải chọn lấy một trong hai con đường chứ không thể theo hướng phát triển lưỡng thể. Song, đối với đất nước ta, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thay đổi hệ tư tưởng chính thống lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng của chúng ta. Cho nên, dù mạnh dạn đổi mới, tiếp cận và hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, chúng ta cũng không thể vượt quá giới hạn cho phép của thể chế và cương lĩnh xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng vậy, trên các lĩnh vực khác như văn hoá, y tế, giáo dục... tuy đã được xã hội hoá nhiều mặt, xu hướng cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường đã rõ, nhưng cũng không thể phá vỡ, đi ngược lại quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội. Nếu có lưỡng thể như trong lĩnh vực kinh tế thì cũng chỉ là lưỡng thể trong phạm vi phân công, xã hội hoá. Bởi lẽ, bản thân lý luận nói chung, lý luận văn học nói riêng vốn gắn với cương lĩnh phát triển đất nước, mà cương lĩnh thì không có chuyện lưỡng thể, chỉ có sự thống nhất về đường lối, chính sách và pháp luật trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, ở ta không những không có chuyện đa nguyên về chính trị mà cũng không có chuyện đa nguyên về văn hoá, chỉ có nền văn hoá đa dạng mà thống nhất như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) đã khẳng định.
Vậy thì lý luận văn học sẽ đổi mới như thế nào trong bối cảnh chung của đất nước. Để góp phần vào việc tìm giải pháp đổi mới lý luận văn học Việt Nam, ở đây tôi chỉ nêu một vài suy nghĩ bước đầu có tính chất phương châm như gợi ý.
1.Trước hết, trong lĩnh vực lý luận văn học, ngoài những lĩnh vực thuộc hệ tư tưởng chung gắn với những vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất tạo nên hệ thống quan điểm chính thống, có một lĩnh vực có phần gợi mở thông thoáng hơn, phải chăng đó là lĩnh vực phương pháp và phương pháp luận. Từ lâu nay lĩnh vực này đã được coi như phạm vi tự do của người sáng tác và các nhà khoa học. Khi nói đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng chỉ thấy nói đó là phương pháp sáng tác tốt nhất chứ không thấy ai nói là phương pháp duy nhất. Điều đó khiến nhiều nhà văn có thể tìm tòi những phương pháp thích hợp với chủ đề sáng tác và điều kiện thực tế của mình. Trong lĩnh vực khoa học lại càng có nhiều tự do tìm tòi hơn. Cho nên, đã có những ứng dụng ký hiệu học, tâm lý học, xã hội học và nhiều phương pháp luận vốn thịnh hành ở phương Tây vào ta. Điều này những năm gần đây hầu như không còn giới hạn. Nếu trước đây trong sáng tác phản ảnh tâm lý tình dục dễ bị phê phán, thì ngày nay đã có hiện tượng miêu tả tình dục tràn lan. Một tác phẩm phản ảnh sự kiện đổi mới trong cải cách hành chính như Lửa đắng mới xuất bản gần đây, cũng thấy các nhân vật chính đều ít nhiều gắn với sex, bởi đó cũng là cuộc sống đời thường của thế giới con người. Hầu như tác giả xem đó là một phần nội dung hấp dẫn của tác phẩm đối với người đọc. Tuy nhiên, nếu lạm dụng tâm lý tình dục, biến tác phẩm thành loại phim sex như một vài sáng tác được bạn đọc nhắc đến gần đây thì lại là vấn đề khác.
2. Mặt khác, ngay cả khi nói đến hệ tư tưởng cũng không phải không cần hoặc không thể đổi mới. Đành rằng chúng ta coi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, song điều đó không có nghĩa là người sáng tác hay nhà khoa học không có tự do suy nghĩ theo xu hướng đổi mới tư duy, càng không thể vận dụng máy móc, giáo điều. Vấn đề là ở chỗ phải hiểu đúng bản chất của các phạm trù khoa học thuộc ý thức hệ. Đã có hiện tượng luôn mồm nói đến lý luận Mác-xit nhưng ý nghĩ lại hoàn toàn phi Mác-xít. Điều đó có thể thấy nhiều trong cuộc sống hiện nay. Cho nên, khi nói đến hệ tư tưởng chính thống không có nghĩa là máy móc, rập khuôn mà phải biết vận dụng sáng tạo theo lương tri của trí thức. Điều này, chúng ta đã có bài học của Hồ Chí Minh khi Người tiếp cận với học thuyết Mác. Trung thành với Mác, Lênin, song Người đã vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, không phải là những điều thông thường mà là những vấn đề hệ trọng, cốt lõi của học thuyết Mác như giai cấp và đấu tranh giai cấp, như chuyên chính vô sản và việc xây dựng đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền kiểu mới của dân, do dân và vì dân...Những bài học đó chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng trong sự nghiệp đổi mới lý luận hôm nay, và thực tế nhiều người đã vận dụng thành công trong phát triển kinh tế thị truờng, như quan niệm về kinh tế tư nhân, về cạnh tranh và phát triển kinh tế hàng hoá, về xã hội hoá nhiều mặt của cuộc sống...Vấn đề cơ bản là ở chỗ, phải thấy rõ bản chất của mỗi hệ tư tưởng gắn với chế độ sản sinh ra nó. Do đó, nhắc lại một câu nói đáng suy nghĩ của vị giáo sư người Nga ở đây chắc chắn không phải là thừa: “Cần phải đuổi kịp chủ nghĩa tư bản và đồng thời tránh xa nó. Đó là những lời không phải của Lênin mà của M.Weiber, một trong những nhà tư tưởng và nhà lý luận lớn nhất của phương Tây. Ngày nay đã xuất hiện những công nghệ mới, những hệ tư tưởng mới, song điều này về cơ bản không làm thay đổi được tình hình“[6]. Cũng có thể xem suy nghĩ trên của M.Weiber như một phương pháp tư duy đổi mới trong thời đại toàn cầu hoá đang bị xu hướng tư bản chủ nghĩa chi phối trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hơn nữa, còn phải đòi hỏi tính trung thực giữa nói và làm, giữa suy nghĩ và phát ngôn của người trong cuộc. Đã có hiện tượng nói và nghĩ khác nhau. Trên bục giảng, nhân danh giáo sư, nhà giáo nhân dân, họ giảng những điều viết trong các sách giáo khoa chính thống, nhưng khi hết trách nhiệm thì chính những thầy giáo ấy lại nói ngược lại. Có cả những nhà văn được bạn đọc quý mến vì họ đã sáng tác được những tác phẩm phản ảnh những vấn đề lớn của cuộc sống dân tộc, nhưng về cuối đời họ đã bộc lộ những điều trái với lương tâm. Phải chăng vì không có tự do suy nghĩ hay không thể suy nghĩ tự do những điều trái với lương tâm, họ đã bộc lộ hết mình khi không còn trách nhiệm. Về hiện tượng này, Likhachốp gọi là vi phạm nền tảng đạo đức của phẩm tính trí thức, vi phạm lương tri của trí thức, và ông không thừa nhận những người như thế là trí thức. Ông nói: “Lương tri không chỉ là thần hộ mệnh của nhân phẩm, nó còn là người cầm lái của tự do. Lương tri sẽ trông coi để tự do không biến thành sự tuỳ tiện, mà giúp cho con người đường đi nước bước đích xác của anh ta trong những tình thế hỗn tạp của cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện đại”[7]. Xã hội nào cũng cần con người có lương tri, rời bỏ lương tri người đó không chỉ không còn là trí thức mà cũng không xứng đáng là con người chân chính.
3. Có một thực tế đã được áp dụng, đó việc học tập nước ngoài, vận dụng những thành tựu văn hoá, văn minh của thế giới vào việc phát triển lý luận văn học Việt Nam. Nhưng hình như ở đây đang có những vấn đề chưa rõ, vừa chưa mạnh dạn học hỏi, tiếp nhận thành tựu lý luận tiến bộ ở phương Tây vừa nhập những thứ không hợp với ta do chưa thực sự tìm đến lõi cốt tích cực của họ. Đương nhiên, cần hiện đại hoá lý luận văn học, song hiện đại hoá không có nghĩa là Âu hoá, sùng bái phương Tây một cách quá đáng. Điều này cũng đã được Hồ Chí Minh đi tiên phong, không chỉ ở chỗ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin mà Người còn biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo cả những thành tựu lý luận văn hoá của thời đại phát triển chủ nghĩa tư bản và cả truyền thống văn hoá thời đại phong kiến. Chẳng hạn, khái niệm chủ nghĩa dân tộc vốn xuất phát từ cách mạng tư sản và được xem là thành tựu văn hoá tư sản đã được Hồ Chí Minh hiện đại hoá đưa vào nó một nội hàm hoàn toàn mới. Với Hồ Chí Minh, thì từ nay, chủ nghĩa dân tộc đã được chuyển hoá từ tay giai cấp tư sản thượng lưu sang thế hệ thanh niên Việt Nam, biến chủ nghĩa dân tộc thành động lực lớn của đất nước. Có thể nói, đây là một bài học lớn về khả năng tiếp biến sáng tạo cái cốt lõi của văn hoá tư sản từ dân tộc tư sản thành dân tộc-hiện đại mang nội hàm mới rất tiến bộ, phù hợp với thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa xã hội. Nhiều phạm trù văn hoá đạo đức của Khổng giáo cũng đã được Hồ Chí Minh vận dụng rất thành công, chuyển hoá nó thành những phạm trù đạo đức cách mạng như chúng ta đã thấy.
Song, trong bối cảnh hiện nay, thiết tưởng vấn đề dân tộc-hiện đại, thậm chí cả những phạm trù đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cần được bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thời đại toàn cầu hoá. Đặc biệt, đối với Việt Nam, một đất nước đã là thành viên tích cực trong quá trình toàn cầu hoá từ khi gia nhập WTO, lại đồng thời là đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đương nhiên vấn đề dân tộc - hiện đại cần được hiểu và vận dụng một cách biện chứng, khoa học vừa theo xu hướng hội nhập quốc tế vừa hướng dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là thời cơ đồng thời là thách thức lớn đối với dân tộc ta, nhưng thiết tưởng không có cách nào khác. Bởi lẽ, chúng ta không thể không đổi mới đất nước theo xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; mặt khác cũng không thể rời bỏ chủ thuyết phát triển lấy độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là vấn đề hệ trọng có quan hệ hữu cơ đến sự nghiệp phát triển văn hoá Việt Nam nói chung, các lĩnh vực lý luận, trong đó có lý luận văn học nói riêng.
Chắc chắn chúng ta không thể rời bỏ con đường đã chọn của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Song, cũng chắc chắn chúng ta không thể không tiến hành đổi mới đất nước theo hướng hội nhập quốc tế. Vậy làm thế nào để phát triển đúng hướng lý luận, trong đó có lý luận văn học khi đứng ở giữa hai điều chắc chắn nói trên. Có nghĩa là chúng ta phải tìm cách đi, cách sáng tạo lý luận. Chẳng hạn, nói đến chức năng của lý luận văn học ngày nay nếu chỉ nhắc lại một cách nhạt nhẽo những điều đã rõ về chức năng nhận thức, chức năng giáo dục hay chức năng thẩm mỹ thì có lẽ khó thuyết phục người nghe. Nhưng nói khác đi đến mức không thấy rõ chức năng văn học thì sẽ không còn là lý luận văn học theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Vấn đề đổi mới lý luận trong việc xác định chức năng phải chăng là ở phương pháp diễn đạt có chiều sâu về nhận thức, về giáo dục và đương nhiên cả năng lực thẩm mỹ. Vấn đề không phải ở chỗ nói văn học có những chức năng gì mà có lẽ quan trọng là ở chỗ miêu tả bằng thực tế sinh động các chức năng đó biểu hiện như thế nào. Hình như nhiều nhà lý luận nước ngoài có những cách diễn đạt dễ thuyết phục hơn chúng ta do họ nắm bắt được thực tế nhiều mặt, thấy rõ cả mặt tích cực và mặt trái của những vấn đề xã hội và học thuật trong xã hội cũ, như kiểu nói của M.Weiber.
Cũng có thể nói đến “giải cấu trúc“ để “tái cấu trúc“ như một phương châm đổi mới ở Trung Quốc. Nhưng với Việt Nam “giải cấu trúc„ và “tái cấu trúc„ như thế nào không phải là vấn đề loại bỏ hệ ý thức mà phải chăng là ở chỗ xây dựng và phát triển hệ ý thức đổi mới trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Như vậy, đối với chúng ta, vấn đề cơ bản phải chăng là ở chỗ phải trở lại với những vấn đề lý luận do Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển học thuyết Mác và cả những thành tựu văn hoá, văn minh của nhân loại, mà có lúc chúng ta chưa thật quán triệt đầy đủ. Trong đổi mới, chúng ta đã thấy trở lại với nhiều quan điểm của Hồ Chí Minh như trong xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước kiểu mới, trong phát triển kinh tế và nhiều mặt khác... Còn trong lĩnh vực lý luận văn hoá, văn học nghệ thuật... thì hình như chúng ta còn chưa tìm hiểu và quán triệt một cách đầy đủ quan điểm của Người, nhất là phương pháp tư duy biện chứng do Người tiếp thu từ học thuyết Mác.
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ bước đầu về phương châm, phương hướng xây dựng và phát triển lý luận văn học trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá. Hy vọng sẽ được nói cụ thể hơn ở những bài viết khác./.
- PGS.TS Thành Duy (Bản tin HĐLLPBVHNT Trung ương Trsố 5)
[1] Mác và Ăngghen- Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.9, tr.454.
[2] Lênin- Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, T.1, tr. 239.
[3] Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.1, tr.465.
[4] Xem http://www.nyu.edu/fas/institute/dri/Easterly/bio.htm.
[5] Xem bài Số phận lịch sử của nền lý luận văn học Xô-viết chính thống của Lã Nguyên- 20-10-2008.
[6] Xem Lương tâm nổi giận, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2005, tr. 113.