Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 3/8/2009 21:59'(GMT+7)

Một hoạt động văn hóa tri ân giàu ý nghĩa

Nhân dịp kỷ niệm 27-7 năm nay, báo Quân đội nhân dân có vinh dự được Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Trị tin tưởng giao cho trách nhiệm Trưởng ban tổ chức hoạt động lễ hội tri ân và giao lưu nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26-7 -2009 tại Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội là một trong những địa phương trong chiến tranh đã phải chịu đựng nhiều gian khổ ác liệt nhất cũng là nơi mang trên mình vết đau chia cắt hai miền với cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, một biểu tượng khát vọng tự do, thống nhất của dân tộc. Hàng chục nghìn người con ưu tú của mọi miền quê đã chiến đấu, hy sinh và vĩnh viễn nằm lại yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Trị đau thương và anh dũng. Quảng Trị hiện có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong dó có hai nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9. Riêng Thành Cổ Quảng Trị không phải là nghĩa trang nhưng mỗi nắm đất ở đây đều thấm đượm máu đào của bộ đội và nhân dân ta trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Dòng sông Thạch hãn được ví như là con sông Nghĩa Trang, dưới lòng sông còn không ít hài cốt của các liệt sĩ hy sinh khi vượt sông vào chiến đấu trong Thành Cổ. Mỗi bước đi trên mảnh đất Quảng Trị đều gợi nhớ về những năm, những tháng, những ngày quân và dân ta chịu đựng gian khổ, chiến đấu ngoan cường và hy sinh quả cảm để có được bầu trời hòa bình xanh trong hôm nay.

Một điều khá ấn tượng là hoạt động lễ hội tri ân các anh hùng liệt sĩ năm nay có sự tham dự của hơn 100 thanh niên sinh viên Việt kiều từ 26 nước trên thế giới về dự trại hè tại Việt Nam. Đặc biệt, hơn 70 vị khách nước ngoài gồm các đại sứ, đại biện, đại diện cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đến từ hơn 30 quốc gia đã đến thăm Quảng Trị và tham dự đầy đủ các hoạt động của Lễ hội đồng thời tham quan một số di tích kháng chiến và cách mạng trên mảnh đất chiến trường xưa Quảng Trị như địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, Cửa Việt…Sáng 26-7, đông đủ các vị trong đoàn ngoại giao đã tham dự Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tổ chức nghiêm trang và trọng thể theo nghi lễ Phật giáo tại Nghĩa trang quốc gia đường chín. Tối 26-7 dự lễ khánh thành Đền tưởng niệm Đền thờ liệt sĩ và bến thả hoa bên sông Thách Hãn và tham dự Lễ thả hoa, thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên dòng sông bi thương này. Đoàn ngoại giao cũng tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật đầy xúc động, trong đó trực tiếp gặp gỡ và nghe những câu chuyện xúc động của những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị, thân nhân các liệt sĩ…

Trong thời gian ngắn ngủi của hai ngày week-end, các vị khách nước ngoài đã có những khám phá rất thú vị về truyền thống, văn hóa, lịch sử và thái độ sống ân nghĩa của người Việt Nam chúng ta. Tại Đại lễ cầu siêu và lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc mình, họ đã xúc động tự tay mình thắp lên những ngôi mộ trắng toát tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 những nén hương thơm, thả những bè hoa và đèn hoa xuống dòng sông Thạch Hãn và cầu mong cho linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát. Ngài đại sứ An-giê-ri tại Việt Nam đã thay mặt Đoàn ngoại giao phát biểu, nêu rõ: “Sự hy sinh quả cảm của các anh hùng liệt sĩ Việt Nam là tấm gương soi chung cho cả thế giới, vì họ đã hy sinh vì mục tiêu cao cả là độc lập tự do cho Tổ quốc mình. Những tấm gương đó là những bài học rất có giá trị”.

Các em thanh niên, sinh viên Việt Kiều, bao nhiêu năm nay sống xa đất nước, nay có dịp về quê hương, tận mắt chứng kiến sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân cả nước trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, rất cảm phục lớp cha anh đi trước và càng hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình trong thống nhất, độc lập, tự do hôm nay. Tôi nghĩ, mỗi nén hương, mỗi bông hoa các em có dịp dâng lên các anh hùng liệt sĩ hàm chưa rất nhiều ý nghĩa và sẽ đọng lại trong trí óc, trong trái tim của các em, khơi dậy trong các em lòng yêu nước và tự hào dân tộc, bồi đắp cho các em quan điểm, nhận thức và lý tưởng sống đúng đắn, yêu quý quê hương, hướng về nguồn cội, cùng chung tay đắp xây đất nước phát triển trường tồn.

Hoạt động văn hóa tri ân này với sự tham gia trực tiếp của hàng chục nghìn người và có tác động rất mạnh đến các tầng lớp nhân dân, các cựu chiến binh và đặc biệt là các thanh niên Việt Kiều và các vị khách nước ngoài. Đối với các vị khách nước ngoài tôi nghĩ là qua chuyến đi thăm Quảng Trị họ càng hiểu thêm lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam, chắc chắn họ sẽ có tình cảm tốt đẹp hơn với Việt Nam. Một đất nước chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, đánh đổi ngần ấy xương máu để giành lại hòa bình, độc lập tự do, chắc chắn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất, chán ghét chiến tranh nhất. Một dân tộc với khí phách kiên cường, dám chấp nhận những thử thách và hy sinh để giành quyền sống trong độc lập tự do cho mọi người dân chính là dân tộc tôn trọng quyền con người nhất. Cuộc đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân ta tiến hành trong suốt mấy chục năm ròng không có mục đích nào khác mà chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập tự do cho Tổ quốc. Tôi nghĩ là những luận điệu xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ quá khứ, phủ nhận chiến thắng lịch sử của Việt Nam, vu cáo Việt Nam về dân chủ, nhân quyền sẽ không còn ai tin.

Cũng như vậy đối với các thanh niên, sinh viên, học sinh của chúng ta cả ở trong nước và nước ngoài. Các em đi trong nghĩa trang, đứng trước hàng nghìn ngôi mộ có tên và không có tên với những cảm xúc mạnh mẽ. Các em chợt nhận ra một điều là các liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ quá: 17, 18, 20…đúng bằng lứa tuổi của các em bây giờ. Vì sao họ dám hy sinh tuổi trẻ phơi phới của mình? Họ hy sinh vì cái gì? Có phải vì chính cuộc sống, học hành, vui chơi của các em hôm nay? Nếu Tổ quốc đòi hỏi, thế hệ hôm nay có dám hy sinh như lớp cha anh?...Những câu hỏi đó, các em sẽ tự trả lời và thông qua đó các em sẽ có ý thức đúng đắn hơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, thấy được trách nhiệm của mình đối với hôm qua, hôm nay và mai sau.

Hàng ngày lướt qua các blog trên mạng chúng ta mới thấy các thanh niên, sinh viên của chúng ta hôm nay có những nhận thức và suy nghĩ rất khác nhau về các vấn đề liên quan đến truyền thống, lịch sử, văn hóa, mục tiêu, lý tưởng, trách nhiệm xã hội…Nhiều em bị ảnh hưởng bởi các tài liệu tuyên truyền chống đối cách mạng, xuyên tạc và phủ nhận thành quả cách mạng của đất nước và dân tộc, đặc biệt có những đánh giá sai lệch về các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Càng thấy phải có nhiều hoạt động văn hóa tri ân tương tự để các em có điều kiện trải nghiệm suy nghĩ và cảm xúc của mình, tự mình tìm ra những lời giải đáp cho những câu hỏi về cuộc sống hôm nay và tương lai, đặc biệt là trách nhiệm đối với xã hội và đất nước.

Như vậy có thể thấy các chuyến hành hương về nguồn, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân anh hùng liệt sĩ và người có công là những hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn cần được tổ chức thường xuyên và hướng tới thế hệ trẻ. Cần giảng giải để các em hiểu trong các bài học nhưng cũng cần tổ chức cho các em được đi, được chứng kiến và được chiêm nghiệm.

Mỗi người chúng ta hôm nay, mỗi khi có dịp thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thăm các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng hay đến với các Mẹ Việt Nam anh hùng thường có những suy nghĩ rất tự nhiên về bản thân. Rõ ràng sự hy sinh của dân tộc ta, mà cụ thể là của những gia đình liệt sĩ, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng là quá lớn lao. Phải sống sao cho xứng với sự hy sinh ấy là điều day dứt trong lương tâm mỗi người. Có một điều thôi thúc tự nhiên trong từng con người là phải sống tốt hơn, phải làm điều gì đó có ích cho đất nước, cho xã hội, xúng đáng với lòng tin của các thế hệ đi trước. Các liệt sĩ hy sinh với lòng tin rằng họ hy sinh không vô ích, đất nước sẽ mãi mãi trường tồn, độc lập tự do được giữ vững và các thế hệ sau sẽ làm cho đất nước ngày càng tươi đẹp đàng hoàng.

Một khi thế hệ trẻ của chúng ta hôm nay hiểu được giá trị của sự hy sinh thì họ mới thấy được trách nhiệm bảo vệ những thành quả của cách mạng mà thành quả lớn nhất, phải tốn nhiều xương máu nhất mới có được chính là đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập tự do, toàn vẹn chủ quyền.

Qua hoạt động văn hóa tri ân tại Quảng Trị với sự tham gia của đoàn ngoại giao và đại diện thanh niên, sinh viên Việt Kiều vừa qua, chúng tối thấy cần tiếp tục có nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa tương tự, với những hình thức đa dạng, phong phú và sinh động hơn để các vị khách nước ngoài, các nhà ngoại giao có điều kiện hiểu sâu sắc lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam, đặc biệt hiểu sâu hơn về con người Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng. Qua những chuyến đi thực tế, các nhà ngoại giao sẽ có những nhận thức đúng đắn và tình cảm sâu sắc hơn đối với nhân dân Việt Nam, có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của một đất nước bước ra từ các cuộc chiến tranh, đang phải đối mặt và giải quyết những vấn đề hết sức nghiêm trọng do hậu quả chiến tranh như ô nhiễm bom mìn, chất độc da cam…Đây cũng chính là cách để thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ, đầu tư của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Công tác giáo dục chính trị-tư tưởng cho thế hệ trẻ nói chung và thanh niên, sinh viên Việt kiều nói riêng cần tiếp tục đổi mới, nội dung hình thức cho phù hợp với nhận thức và lứa tuổi và điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của các em nhưng thông qua những hoạt động xã hội, tình nguyện, các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa là một trong những hình thức có hiệu quả, tác động nhiều mặt đến nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của các em. Trại hè thanh niên sinh viên Việt kiều năm nay với chủ đề Hành trình theo chân Bác, với những hoạt động văn hóa sôi nổi tại Nghệ An, Quảng Trị và một số địa phương đã giúp cho các em thêm yêu quê hương đất nước, tự hào về chiến công hiển hách của các thế hệ cha anh trong quá khứ, thấy được trách nhiệm của mình trong bảo vệ và dựng xây đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Chắc chắn trại hè sẽ để lại trong tâm trí các em những ấn tượng tốt đẹp.

Hoạt động văn hóa tri ân tại Quảng Trị chẳng những có giá trị to lớn về ý nghĩa giáo dục và động viên tinh thần mà còn huy động sự đóng góp về vật chất khá lớn-gần 70 tỷ đồng để xây dựng khu tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Các hoạt động văn hóa tri ân thường được tổ chức vào dịp 27-7 – Ngày thương binh liệt sĩ. Tuy nhiên theo suy nghĩ của chúng tôi, có thể tổ chức thường xuyên hơn, nhân dịp các ngày lễ lớn khác cuả quân đội và đất nước. Năm qua và năm nay đã có nhiều hoat động có ý nghĩa tổ chức tại Côn Đảo, Phú Quốc, Ngã ba Đồng Lộc, đường 20 Quyết thắng (đường Trường Sơn), Truông Bồn…Đất nước ta còn nhiều địa danh lịch sử gắn với chiến công và sự hy sinh to lớn của quân và dân ta. Những hoạt động văn hóa tri ân cần tổ chức tốt vừa tạo thêm nguồn lực về tinh thần, vừa tạo thêm nguồn lực về vật chất để phục hồi tôn tạo các khu di tích lịch sử và kháng chiến có giá trị đang xuống câp nghiêm trọng theo thời gian.

Đất nước ta rất giàu có các giá trị văn hóa-tinh thần. Những di tích cách mạng và kháng chiến cần được bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ cho mai sau. Hoạt động văn hóa tri ân cần được các ngành, các địa phương quan tâm tổ chức và thu hút mạnh mẽ sự tham gia của lớp trẻ, các vị khách nước ngoài, kể cả các nhà ngoại giao, khách mời từ các nước và khách du lịch quốc tế. Những giá trị văn hóa-lịch sử-truyền thống đó sẽ góp phần nâng bước chúng ta đi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  • Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất