Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 21/7/2009 11:37'(GMT+7)

Văn xuôi miền núi và vấn đề truyền thống - hiện đại


Sự kết hợp một cách hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế luôn là yêu cầu mang tính chiến lược đối với văn học nước nhà theo phương châm “xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đối với văn học về đề tài dân tộc và miền núi, một khu vực văn học xưa nay có mối liên hệ rất chặt với truyền thống, yêu cầu này càng trở nên quan thiết. Đây là một trong những vấn đề cơ bản nhất của bộ phận văn học các dân tộc thiểu số, đi liền với vấn đề bản sắc dân tộc và thường xuyên được đặt ra cùng các vấn đề khác như vấn đề đội ngũ tác giả, vấn đề tiếng nói và chữ viết.

Tính hiện đại của văn xuôi Việt Nam nói chung, văn xuôi miền núi nói riêng, được hình thành trong quá trình hiện đại hoá văn học diễn ra ở nửa đầu thế kỉ XX. Trong bối cảnh một nước thuộc địa, sự xâm thực mạnh mẽ của văn hoá, văn học phương Tây hiện đại đã làm tan rã ý thức hệ phong kiến với tư tưởng Nho học ngự trị hàng nghìn năm trong lịch sử. Thực chất của quá trình hiện đại hoá văn học là sự thoát ra khỏi hệ thống thi pháp trung đại để vượt lên, bắt kịp và hoà mình vào tiến trình văn học hiện đại của thế giới. Những ràng buộc lỗi thời của thi pháp trung đại như yếu tố Hán học nặng nề, tính quy phạm cứng nhắc, địa vị độc tôn của văn vần… dần bị gỡ bỏ. Tính hiện đại từ nội dung đến hình thức tác phẩm về cơ bản được hoàn thiện vào chặng cuối cùng của quá trình hiện đại hoá (1930 - 1945), thể hiện ở sự thay thế quan niệm văn học cũ (văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí) bằng quan niệm văn học mới (văn học phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng và nhận thức hiện thực xã hội đương thời), thực hiện dân chủ hoá về đề tài, phá bỏ tính công thức ước lệ, đưa văn xuôi - tiểu thuyết lên thành thể loại chủ đạo của nền quốc văn. Như vậy, văn xuôi hiện đại của dân tộc Kinh về cơ bản đã hình thành trước Cách mạng tháng Tám. Khoảng 15 năm sau Cách mạng, văn xuôi hiện đại các dân tộc thiểu số mới ra đời. Đây là bộ phận văn học đi thẳng từ dân gian đến hiện đại, không phải trải qua một quá trình sinh nở phức tạp như văn học hiện đại của người Kinh bởi nó được thừa hưởng những thành tựu sẵn có của nền văn học này, đặc biệt là những thành công xuất sắc của văn xuôi cách mạng của người Kinh về miền núi.

Tính hiện đại trong văn xuôi dân tộc và miền núi thể hiện trước hết ở phương diện nội dung, cụ thể hơn là ở đề tài và chủ đề - tư tưởng. Ngay từ buổi đầu khai sinh (khoảng 1930-1945, thuộc chặng cuối của quá trình hiện đại hoá văn học), văn xuôi miền núi đã thể hiện tinh thần dân chủ hoá về đề tài ở việc sớm từ bỏ những đề tài “cao quý” của văn học trung đại và đi vào hiện thực đời sống lao động, sinh hoạt của những người dân thường bị áp bức bóc lột và sống trong tăm tối, cơ cực ở miền núi, tiêu biểu là các truyện lịch sử, phong tục của Lan Khai và một số truyện của các tác giả khác. Tuy nhiên, tính truyền kì đậm nét trong nhiều truyện đường rừng giai đoạn này đã hạn chế khả năng khái quát hiện thực của tác phẩm. Đến văn xuôi miền núi thời cách mạng và kháng chiến, tính hiện đại về nội dung thể hiện rõ ở tinh thần nhập thế, tính thời sự và đại chúng của văn học. Mọi tác giả, tác phẩm đều nỗ lực theo sát bước đi của lịch sử, phản ánh những vấn đề lớn của dân tộc với một thế giới quan, nhân sinh quan được coi là tiến bộ nhất của thời đại. Cuộc đổi đời vĩ đại của nhân dân các dân tộc miền núi với quá trình phát triển cách mạng từ tự phát đến tự giác, sức mạnh của niềm tin, lòng trung thành và tinh thần đoàn kết dân tộc, những khó khăn và bước chuyển mình trong cách mạng dân tộc - dân chủ… đã được văn xuôi, trước hết của các tác giả người Kinh, kịp thời nắm bắt, tái hiện một cách chân thực. Được khai sinh cùng cách mạng, mảng văn xuôi dân tộc thiểu số đã nỗ lực thể hiện phẩm chất cách mạng, tiếp bước văn học Kinh tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất của hiện thực miền núi, do đó mà có được tính hiện đại. Từ một tiểu thuyết dày dặn như Rừng động của Mạc Phi đến tập truyện kí còn những nét sơ lược như Tiếng chim gô của Nông Minh Châu, tất cả đều hướng về những vấn đề hàng đầu của nhân sinh, nhân quần, đều vận động trong quỹ đạo một nền văn học thuộc hàng tiên phong chống đế quốc trên thế giới - đây là nét mới mẻ chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc. Những trai tài gái sắc, trai trung hiếu, gái tiết trinh - mẫu người lí tưởng của nghệ thuật trung đại - được thay thế bằng những hình tượng vừa bình dị vừa lớn lao hơn, có tính phổ quát hơn, vừa mang trong mình nét đẹp cổ xưa vừa mang tư thế, tầm vóc mới, như Núp (Đất nước đứng lên - Nguyên Ngọc), Mỵ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), Pao (Vùng biên ải - Ma Văn Kháng), Hơ Giang (Hơ Giang - Y Điêng), Kan Lịch (Kan Lịch - Hồ Phương)… Văn chương lúc này không chuyên chở một khái niệm đạo bị bó hẹp trong giới hạn một nền Khổng học như trước, mà chở cái đạo lớn của đất nước, thời đại. Cái chí tang bồng của cá nhân trong xã hội cũ cũng trở thành chí lớn của toàn dân. Như vậy, cái hiện đại, tiên tiến đã được phát triển, mở rộng trên cơ sở của cái ngàn xưa. Nói cách khác, cái hiện đại “chính là cái dân tộc được chiếu sáng bởi những lí tưởng tiến bộ của thời đại”, cho nên khi xem xét tính hiện đại của văn xuôi miền núi, điều cốt yếu là xét xem nhà văn “đã phản ánh được vấn đề gì quan trọng, cơ bản nhất của dân tộc, của thời đại” (Lâm Tiến). Trong giai đoạn 1945-1975, vấn đề cơ bản đó chính là chủ đề trung tâm, bao trùm của nền văn học cách mạng nói chung, văn học miền núi nói riêng: con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sang thời kì đổi mới, tính hiện đại trong nội dung văn xuôi dân tộc và miền núi lại là sự kịp thời tái hiện bộ mặt mới mẻ của miền núi trong kinh tế thị trường, dưới tác động của chính sách, dự án của Chính phủ, với những vui buồn, được mất trong đời sống vật chất và tinh thần của con người vùng cao, những khởi sắc và cả những bất ổn đang vỡ ra của nó, đã được các tiểu thuyết Đàn trời của Cao Duy Sơn, Bóng của cây sồi của Đỗ Bích Thúy, tập kí Trăng Xí Thoại của Hlinh Niê và một số truyện ngắn của Sa Phong Ba, Thu Loan, Sương Nguyệt Minh… đặt ra, với cả hi vọng, hào hứng và bức xúc, trăn trở, với cách nhìn, cách lí giải mới. Cảm hứng phanh phui sự thật, nhìn nhận vấn đề từ hai mặt, tránh khuôn mẫu, một chiều, đó là nét mới của văn xuôi miền núi đương đại so với văn học sử thi giai đoạn trước.

Theo sát những biến chuyển của hiện thực là tiền đề làm nên tính hiện đại trong nội dung văn xuôi miền núi. Tuy nhiên, từ trước đến nay bộ phận văn xuôi dân tộc thiểu số còn ít chạm đến đề tài chiến tranh cách mạng - một hiện thực lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của các dân tộc miền núi. Đành rằng mảng văn học này ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc, nhưng nó vẫn là một quá khứ gần, và cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 20 năm là hiện thực đương thời cần văn xuôi miền núi nhận diện. Ngoài một số tác phẩm (thường là gián tiếp) phản ánh sự nổi dậy chống Pháp và tay sai như Muối lên rừng (Nông Minh Châu), Đoạn đường ngoặt (Nông Viết Toại), Gió Mù Căng (Hà Lâm Kỳ), chống Mỹ như Hơ Giang (Y Điêng), Tiếng chim gô (Nông Minh Châu), chiến tranh biên giới phía Bắc như Hạt giống mới (Hoàng Hạc), Cột mốc giữa lòng sông (Mã A Lềnh), phần lớn các nhà văn chỉ miêu tả công cuộc xây dựng đời sống mới mà chưa tái hiện được những kì tích anh hùng của các dân tộc gắn với những căn cứ địa, những tên tuổi đã đi vào lịch sử cách mạng, kháng chiến ở miền núi. Thông thường nhà văn chỉ viết về những gì mình am hiểu, nắm vững, do đó sự dè dặt của các ngòi bút khi chạm đến lĩnh vực chiến tranh đã làm cho phạm vi hiện thực phần nào bị thu hẹp.

Tính hiện đại ở phương diện hình thức nghệ thuật của văn xuôi miền núi được thể hiện như một quá trình nỗ lực tự hoàn thiện để hoà nhập với trình độ phát triển chung của văn học nước nhà. Là khu vực văn học chịu những giới hạn khá ngặt nghèo của điều kiện đặc thù ở miền núi về cả phía người viết, người đọc và đối tượng phản ánh (trình độ dân trí, thói quen tư duy, khả năng sử dụng tiếng Việt…), văn xuôi miền núi không thể bứt khỏi và bỏ xa cái khung khổ quen thuộc của truyền thống, do đó tính hiện đại của nó cũng phải được xem xét ở những tầm mức nhất định trong sự ràng buộc chặt chẽ với truyền thống. Trong khi văn xuôi tự sự của người Kinh với một số tiểu thuyết tiên phong của Nguyễn Việt Hà, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương… đã chạm đến hậu hiện đại (dù vẫn là chậm trễ so với nhân loại), thì văn xuôi miền núi nhất là văn xuôi dân tộc thiểu số chưa biết đến khi nào mới có điều kiện và khả năng tự làm mới mình bằng những đột phá lớn. Tuy nhiên nếu nhìn từ khởi nguyên thì vẫn phải thấy những cố gắng rất đáng kể của nó trên hành trình đi tới hiện đại. Cái áo truyền kì trung đại bao bọc những cốt truyện miền núi thời Lan Khai, TchyA đã biến mất hẳn sau Cách mạng tháng Tám; những tàn dư công thức, ước lệ trong miêu tả và ngôn ngữ nhân vật chỉ còn rơi rớt trong một số ít tác phẩm; và càng tiến về phía trước, văn xuôi miền núi càng có xu hướng cởi bỏ những trì níu đã lỗi thời của tư duy dân gian. Mảng văn xuôi miền núi của người Kinh, tuy chưa có tác phẩm nào vượt hơn được những đỉnh cao ở giai đoạn sử thi, tiếp tục có sự tìm tòi về thủ pháp, lối viết để hoà nhập vào dòng chảy chung của văn học đổi mới. Dù chưa đậm hình sắc nét, nhưng qua các tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại về miền núi của Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh, Đoàn Hữu Nam, Vũ Xuân Tửu, Đỗ Bích Thúy…, ít nhiều đã thấy cốt truyện linh hoạt biến ảo hơn, nhân vật đa chiều phóng túng và gần với đời thực, ngôn ngữ giọng điệu và không gian cũng gợi lên những phong vị mới. Yếu tố kì ảo (fantastique), nghịch dị (grotesque) sau nhiều năm chìm khuất lại luân hồi tái xuất với sắc vẻ riêng. Quy mô lớn rộng của tiểu thuyết sử thi có chiều hướng nhường chỗ cho những tác phẩm nhỏ, vừa nhưng sánh đặc hơn về thông tin, chi tiết. Về phía các tác giả dân tộc thiểu số, tiến bộ xã hội cùng sự giao lưu văn hoá là nhân tố thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá văn xuôi của họ. Tư duy nghệ thuật phát triển, vốn tri thức về nhiều lĩnh vực của đời sống được mở mang giúp cho khu vực sáng tác này vượt qua được lối biểu đạt quen thuộc từng thấy trong văn học dân gian và văn học viết buổi đầu. Sang thế kỉ XXI, không nhà văn nào còn dùng những lời thoại đưa đẩy, bay bướm mang hơi hướng văn biền ngẫu như Vi Hồng; những nhân vật chức năng, loại hình cũ kĩ từng hiện hữu trong tiểu thuyết Vi Hồng những năm 1990 cũng không còn đất sống. Các nhà văn hiện đại hoá ngôn ngữ bằng sự bổ sung nhiều từ mới xuất hiện trong đời sống và đổi mới phong cách diễn đạt. Văn phong của họ nhìn chung không còn bị câu thúc nặng nề bởi những quy tắc ngữ pháp như trước, do năng lực sử dụng Việt ngữ đã thuần thục hơn. Dấu hiệu của kĩ thuật, của nghề nghiệp đã xuất hiện nhưng chưa làm mất đi sự tự nhiên trong ngôn ngữ, giọng điệu. Hàm lượng từ ngữ phong phú và cú pháp linh hoạt trong kí của Mã A Lềnh và Hlinh Niê, chất đời tư - thế sự trong hệ thống nhân vật của Cao Duy Sơn, cùng những nét riêng trong sáng tác của một số gương mặt văn xuôi mới như Bùi Thị Như Lan, Hà Thị Cẩm Anh, Inrasara, Hà Lý, Niê Thanh Mai, A Sáng… đã nâng tính hiện đại trong văn xuôi các dân tộc thiểu số lên một tầm bậc mới.

“Dù tiến lên hiện đại đến đâu, dân tộc nào cũng không thể coi thường truyền thống của mình” (Nông Quốc Chấn). Từ khi ra đời, sự kế thừa truyền thống luôn là phẩm chất nổi bật của văn xuôi dân tộc và miền núi. Điều đó được quy định bởi hai nguyên nhân: thứ nhất, như đã đề cập ở trên, sự phát triển của văn học miền núi lệ thuộc vào những điều kiện riêng của vùng đất (trong đó có đặc trưng của đối tượng phản ánh, tầm đón nhận của người đọc miền núi); thứ hai, bộ phận văn xuôi dân tộc thiểu số thoát li từ văn vần chưa lâu, từ dân gian đi thẳng đến hiện đại mà thiếu một bước quá độ chuẩn bị về nội lực. Trong tình hình ấy, việc kế thừa truyền thống, chịu sự chi phối, ảnh hưởng của truyền thống vừa là một tất yếu vừa là nhân tố tích cực thuộc ý thức tự giác của nhà văn. Biểu hiện cụ thể của nó trước hết là việc tiếp thu một cách sáng tạo vốn văn hoá, văn học dân gian các dân tộc như vận dụng thành ngữ, tục ngữ, câu đố, câu chuyện cổ, dân ca... đầy phong vị rừng núi và thấm đượm tâm hồn dân tộc. Đối với người viết dân tộc thiểu số, việc vận dụng các thi liệu, văn liệu dân gian này là việc làm tự nhiên xuất phát từ tri thức sẵn có và tình cảm của bản thân đối với vốn quý của dân tộc mình. Đối với tác giả người Kinh, đó là ý thức học hỏi, tích lũy những giá trị văn hoá của một dân tộc khác với khát vọng thể hiện chân thực bản sắc của dân tộc ấy trong tác phẩm - đây cũng là ý thức bảo tồn văn hoá bằng văn học. Sự sáng tạo trong việc khai thác kho tàng folklore của các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên trong sáng tác của Tô Hoài, Nguyên Ngọc thể hiện ở các truyền thuyết được nhà văn sử dụng, cải biên, gửi vào đó một nội dung hiện thực mới. Câu chuyện chiếc gươm ông Tú trong Đất nước đứng lên không còn là huyền thoại xa xưa của riêng người Thượng mà đã trở thành vấn đề thời sự của chung các dân tộc - vấn đề đoàn kết chống ngoại xâm - là một trường hợp. Truyện dân gian các dân tộc cũng được đưa vào nhiều tác phẩm khác như các sự tích về khởi nguyên của trời đất, nguồn gốc của cúng bái, của tục họ Giàng kiêng ăn tim trong Vùng biên ải của Ma Văn Kháng, truyện thơ Sa Dạ, Sa Dồng trong Xứ lạ mường trên của Hoàng Hạc… theo phương thức lồng giai thoại vào mạch kể nhằm chuyển tải những ý nghĩa triết học, nhân sinh. Việc tiếp thu truyền thống không chỉ đơn thuần là sự cài đặt, lồng ghép các chất liệu dân gian vào tác phẩm như một yếu tố ngoài cốt truyện (có trường hợp thể hiện như một thứ trang sức, “làm sang” lộ liễu gây phản cảm) mà là sự tái tạo truyền thống một cách nhuần nhị, tự nhiên. Lối tả tiếng chiêng, tiếng trống kì vĩ phảng phất âm hưởng trường ca Đăm San, Xing Nhã trong tiểu thuyết của Y Điêng, hay lối cấu trúc truyện thành những hình thức tự sự cô đọng, nén chặt đầy chất triết lí giống truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích của La Quán Miên là những ví dụ. Với Vi Hồng, vận dụng chất liệu dân gian của dân tộc trong tác phẩm là một việc làm rất có ý thức, bởi ông quan niệm: “Mình là người Tày, nếu mà viết giống người Kinh thì đừng viết”, “Văn chương của người Tày phải phản ánh tâm hồn Tày”. Nhất quán với quan niệm nghệ thuật như vậy mà Vi Hồng trở thành nhà văn tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân gian hoá, truyền thống hoá tác phẩm của mình. Cùng với Vi Hồng, Hoàng Hạc và Nông Viết Toại cũng là những cây bút tiêu biểu của việc kế thừa truyền thống trên cơ sở am hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ và di sản văn hoá, văn học dân tộc mình. Là nhà văn sáng tác bằng song ngữ (tác phẩm Đoạn đường ngoặt - Boỏng tàng tập éo), Nông Viết Toại vận dụng hữu hiệu ngôn ngữ quần chúng trong tác phẩm và góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và làm phong phú tiếng Tày hiện đại.

Yếu tố truyền thống còn thể hiện ở việc kế thừa những phương thức tu từ quen thuộc trong văn học cổ truyền của các dân tộc như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, cách điệu hoá... Những phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật này thường lấy thiên nhiên làm cơ sở tạo hình, và cùng với việc miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm làm nên chất thơ, chất trữ tình là một đặc trưng mang tính truyền thống của văn xuôi miền núi. So sánh là phương thức rất phổ biến, có mặt với tần số cao trong nhiều tác phẩm. Những nhà văn dân tộc thiểu số sử dụng so sánh nhiều và hay nhất là Hoàng Hạc, Nông Minh Châu, Y Điêng. Nông Minh Châu ưa thích nhân hoá, Vi Hồng dùng nhiều ẩn dụ, Ma Văn Kháng thiên về cách điệu, Nguyên Ngọc chú trọng biểu tượng, tượng trưng. Trong văn xuôi dân tộc thiểu số, ẩn dụ xuất hiện chủ yếu trong những đối đáp theo lối giao duyên nam nữ của các dân tộc phía Bắc, hoặc lối đưa đẩy, bóng gió khi bàn chuyện cầu hôn giữa nhà gái và nhà trai của các dân tộc Tây Nguyên. Chẳng hạn lời của kơ đăm (ông chú, bác bên mẹ) nói với chị gái, anh rể về việc bắt chồng cho cháu gái trong Hơ Giang (Y Điêng): “- Anh chị là người trồng cây. Khi cây ra hoa kết quả là biết ngay con chim nào thường đến ăn không? Nếu con ngựa đã vướng dây cương của ai rồi thì thôi” (ngỏ ý băn khoăn không biết cháu gái mình đã phải lòng, thuận tình ai chưa). Hay lời tán tỉnh của gã trai với cô gái Tày trong Núi cỏ yêu thương (Vi Hồng): “Nếu hoa kia quyết khép cánh, thì ong này nguyện đậu trên cánh hoa mà chết héo chết khô”, “Ong lượn trăm vòng không tiếc sức chỉ mong hoa rộng cánh cho ong về, rộng lối cho ong lại”. Sự học tập di sản dân gian của Vi Hồng không chỉ thể hiện ở chất liệu, phương tiện ngôn ngữ mà thấm sâu vào cả các phương diện nghệ thuật khác như tổ chức cốt truyện (xung đột chính - tà, thiện thắng ác), xây dựng nhân vật (những con người giống Bụt, tiên hoặc ác quỷ trong truyện cổ), khiến cho tác phẩm của ông có được cái hồn đằm thắm của dân tộc Tày, nhưng đồng thời bị giảm đi tính chân thực, cụ thể lịch sử theo quan niệm thông thường về tiểu thuyết. Có thể nói, Vi Hồng là hiện tượng tiêu biểu nhất cho thấy sự ảnh hưởng của văn học dân gian đem lại cả mặt tích cực và hạn chế trong văn xuôi. Một trong những hệ quả của nó là nồng độ chất thơ, chất trữ tình quá cao trong khi chất văn xuôi, chất tự sự còn thấp. Xét về một phương diện, điều đó cũng tương ứng với tình trạng nghiêng về truyền thống mà xa với hiện đại, nặng tính dân gian mà nhẹ tính bác học.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng con đường hiện đại hoá nghệ thuật thực chất chính là con đường đào thật sâu vào cội nguồn văn hoá dân tộc, bởi “cái chất hiện đại vốn tiềm ẩn rất sâu trong cội nguồn văn hoá dân tộc”. Có nghĩa là cái hiện đại không phải ở đâu xa lạ mà nằm ngay trong chính cái truyền thống. Điều này tưởng như vô lí, nhưng có cơ sở biện chứng triết học của nó khi người viết xử lí đúng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại - hai mặt có vẻ như mâu thuẫn. Vấn đề là phải đánh thức được cái hiện đại đang ở dạng trầm tích ấy, nói bằng ngôn ngữ của chính nó. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: “Chúng ta đào bằng ngòi bút cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồn cơn của con người đất nước mình thì sẽ gặp con người nhân loại, sẽ gặp cái nhân bản của nhân loại, con người Việt Nam sẽ giao hoà với nhân loại”. Bằng chính tác phẩm của mình, Đất nước đứng lên, Rừng xà nu và Tháng Ninh Nông… (Nguyên Ngọc), Mảnh đất tình yêu, Cỏ lau, Phiên chợ Giát… (Nguyễn Minh Châu), các nhà văn đã cho thấy sự cắm rễ sâu vào nguồn cội dân tộc là con đường duy nhất để tìm ra cái nhân văn mang tính phổ quát, vĩnh hằng của nhân loại. Một mỏ đá mài trên núi “đủ dùng cho một trăm cuộc khởi nghĩa” trong Rừng xà nu không còn là câu chuyện chiến đấu của riêng người Thượng ở Việt Nam, mà cũng là tinh thần quả cảm của những người du kích Cu Ba, Tây Ban Nha vùng lên chống chế độ bạo tàn. Một người lính “giã từ vũ khí” trở về sống âm thầm giữa vùng cỏ lau hiu hắt đầy những hòn vọng phu trong Cỏ lau cũng để lại những ám ảnh thẳm sâu như Số phận con người của Sholokhov. Với Giamilya, Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên… của Aitmatov cũng vậy, tính quốc tế thể hiện ở sự phản ánh quá trình khắc phục những truyền thống cũ kĩ lạc hậu của một dân tộc, vượt khỏi những tàn dư bóng tối trung cổ để đến với một thế giới mới tiến bộ hơn. Các truyện chỉ kể về những cuộc đời ở nông thôn miền núi xứ Kirghizia mà bất cứ con người của dân tộc nào trên thế giới soi vào đó cũng có thể bắt gặp tâm hồn mình, tìm thấy suy tư, khát vọng của nhân dân, đất nước mình. Bởi đó là những câu chuyện của muôn đời, không bao giờ cũ. Hiện đại mà vẫn rất truyền thống, riêng mà lại rất chung. Trong Đaghextan của tôi, Gamzatov nhiều lần đề cập vấn đề dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại trong văn học. Theo ông, tính dân tộc là cơ sở, cội nguồn của tính quốc tế: “Chúng tôi, những nhà thơ, có trách nhiệm với cả thế giới, nhưng kẻ nào không gắn bó với một mảnh đất quê hương thì không thể đại diện cho cả hành tinh này được”. Quan niệm ấy cũng bộc lộ khi ông nói về chính tác phẩm của mình: “Cuốn sách này là ngôi nhà Avar, ngôi nhà Đaghextan của tôi. Hãy để cho ngôi nhà này có những cái đã từng có ở đây hàng bao thế kỉ, và cũng có những cái chưa từng có”; “Ngôi nhà đó cần phải được xây theo kiểu truyền thống của dân tộc Avar, nhưng đồng thời nó phải mang dáng dấp hiện đại”. Và sự thực, cuốn sách về quê hương của Gamzatov là bằng chứng độc đáo về sự kết hợp truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế - những gì thuộc về dân tộc Avar, qua trái tim nghệ sĩ của ông, đã trở thành tài sản tinh thần chung của nhân loại.

Đối với văn xuôi miền núi Việt Nam, đặc biệt mảng văn xuôi dân tộc thiểu số, việc giải quyết mối quan hệ truyền thống - hiện đại không phải khi nào cũng được làm một cách hài hoà, nhuần nhuyễn. Đi quá về một phía sẽ dẫn đến biểu hiện lai căng, hoặc ngược lại, cũ kĩ sáo mòn. Những nhược điểm này đã xuất hiện ở một vài tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, trong một cái nhìn tổng quan, sự kết hợp truyền thống - hiện đại vẫn là đặc điểm xuyên suốt quá trình phát triển của văn học miền núi. Trong số những cây bút có ý thức vận dụng nó như một yếu tố thuộc phạm trù thi pháp, có thể coi Hlinh Niê là trường hợp tiêu biểu. Một số truyện ngắn của bà như những tấm thổ cẩm dệt cách điệu, trong đó chất hiện đại pha trộn khá tự nhiên, linh hoạt với chất dân gian mang âm hưởng sử thi. Nước soi bóng ai lấy bối cảnh thời hiện tại nhưng bao trùm một sắc màu truyền thuyết; Dòng sông tóc có cấu trúc xen kẽ chuyện tình huyền thoại cổ xưa với chuyện tình thời nay cùng những suy nghĩ, quan niệm sống hiện đại của nhân vật; Hoa pơ lang là một lát cắt sáng tạo lại trường ca Đam San, kế thừa di sản dân gian ở lối miêu tả và yếu tố thần kì nhưng được tráng lên một tinh thần hiện đại trẻ trung... Không chỉ thể hiện trong truyện ngắn, Hlinh Niê còn trực tiếp phát ngôn bằng thể kí. Bà là người vừa cổ vũ cho những nét mới, hiện đại trong đời sống, vừa nêu cao khát vọng bảo tồn văn hoá cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên đang trong tình trạng lụi tàn, mai một qua các bài kí đầy tâm huyết như Đi về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên, Folklore Tây Nguyên: độc đáo và giàu có - còn chăng?... Có thể xem con đường từ cội nguồn dân tộc đi đến hiện đại của Hlinh Niê trong văn xuôi, cũng như Inrasara trong thơ, là những tìm tòi đúng hướng. Mục tiêu dân tộc - hiện đại trong văn học cũng đồng tâm với đường lối phát triển văn hoá nhiều năm qua của Việt Nam: “Muốn đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng văn hoá và tư tưởng ở các dân tộc ít người, một mặt phải giúp cho các dân tộc tiếp thu nhanh chóng những thành tựu mới nhất của văn minh hiện đại, một mặt khác cũng rất quan trọng và cấp thiết là làm cho các dân tộc tìm thấy, giữ gìn, kế thừa và phát triển những vốn quý tinh thần, những tinh hoa của tâm hồn con người đã được bản thân các dân tộc hun đúc nên trong quá trình lịch sử lâu dài. Cái vốn ấy càng ít lại càng phải ra sức giữ gìn. Cần làm cho mỗi dân tộc biết chắt chiu vốn quý của mình, đồng thời biết tiếp thu vốn quý của các dân tộc khác”.

Sự kết hợp truyền thống và hiện đại là nền tảng cho sự phát triển của văn hoá, văn học miền núi. Đó là hai mặt tương hỗ của một chỉnh thể mà nếu thiếu một trong hai, nền văn hoá, văn học sẽ tụt hậu hoặc mất gốc, lạc hướng. Nhưng khi xem xét vấn đề truyền thống và hiện đại, cũng cần thấy đây là những phạm trù mang tính động. Cái hôm nay được coi là hiện đại, ngày mai có thể trở thành truyền thống, do đó việc duy trì một nhãn quan cố định trong đánh giá, nhìn nhận sẽ không tránh khỏi bảo thủ và siêu hình. Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, làm thế nào để văn hoá và văn học vừa phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại vừa không xa rời nguồn cội truyền thống, đó là vấn đề không còn mới mẻ nhưng cũng chưa bao giờ mất đi tính thời sự và đôi khi không dễ trả lời./.

(Theo: VNQĐ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất