Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 18/7/2009 16:17'(GMT+7)

Bảo tồn và phát triển điệu hò sông Mã

Dòng sông này đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt của nhân dân ta chống giặc ngoại xâm, bao gian lao vất vả của người lao động - những người dân yêu nước, yêu lao động sản xuất và yêu nghệ thuật dân tộc. Điệu hò sông Mã đã sinh ra từ những con đò xưa kia vẫn đưa khách đi buôn bán thương thuyền.

Những người chèo đò đã sáng tác những câu hò theo nhịp chèo vừa để đỡ mệt, vừa cổ vũ, trấn an, động viên tinh thần của cả người chèo đò và khách. Bởi thế mà điệu hò khoẻ khoắn, sinh động và mang đậm hơi thở của người lao động xứ Thanh.

Cũng là sông nước, nhưng không giống sông nước mênh mang Nam bộ mà sông nước nơi đây như có nhiều lớp sóng dồn và vị mặn của biển, như chứa đựng ý chí kiên cường của những người dân miền Trung thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và chiến tranh. Song tất cả không ngăn cản được tâm hồn sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ dân gian. Chính vì vậy, hò sông Mã từ bao đời vẫn sống và phát triển một cách phong phú.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điệu hò này đã được dân công hoả tuyến, bộ đội, thanh niên xung phong vận dụng để hò cổ vũ anh chị em khi kéo pháo, khi đào hầm hào, khi hành quân và những buổi sinh hoạt văn nghệ. ở hậu phương, điệu hò này cũng cổ vũ bà con khi xuống đồng, gặt hái, lao động sản xuất phục vụ cho tiền phương.

Tiếc rằng, khi hoà bình lập lại, nếp sinh hoạt này lại không được duy trì thường xuyên mà dường như chỉ lưu truyền ở những gia đình nghệ sĩ, nghệ nhân qua các thế hệ.

Anh Nguyễn Văn Long, 35 tuổi, con của nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh, đã theo học bộ môn nghệ thuật này và hiểu được đặc trưng cơ bản của hò sông Mã: “Đó là những câu vừa hò vừa nói của các chàng trai chèo đò đưa các lái buôn xuôi dòng sông Mã. Họ vừa sáng tác, vừa hò, vừa làm điệu bộ để trấn an tinh thần khách và cổ vũ bản thân. Vì thế, âm điệu hò khỏe khoắn, sinh động, hấp dẫn…”.

Mỗi một người tiếp nhận và thể hiện nghệ thuật đều có cách cảm thụ riêng của mình. Anh Long có cách hò nghệ thuật hơn, trẻ trung hơn lớp cao tuổi, nhưng có lẽ ít màu sắc thực tế lao động hơn. Song điều đáng mừng là hoạt động nghệ thuật tự phát của nhóm nghệ nhân - Chi hội ca trù, hò sông Mã đã thuyết phục được người nghe và bắt đầu được sự quan tâm của các cấp, ngành.

Với 25 hội viên, Chi hội ca trù và hò sông Mã của Thanh Hoá đã từng bước lưu giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc rất riêng của xứ Thanh. Chị Trần Thị Huệ, Chi hội trưởng cho biết: “Mới đây, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch và Đài phát thanh, truyền hình Thanh Hoá đã cùng với Chi hội ca trù và hò sông Mã tổ chức dựng lại và thu hình hình ảnh con đò dọc với các nghệ nhân vừa hò vừa chèo đò đưa khách đi dọc sông Mã. Song do chúng tôi là thế hệ sau không thể hình dung được phong cách của các cụ ngày xưa nên cũng chỉ phục dựng được khoảng 50% hình ảnh thực trước đây…”.

Đúng là việc phục dựng được nguyên bản nếp sinh hoạt xưa kia không phải dễ. Không thể sân khấu hoá “Hò sông Mã” mà phải đi vào thực tế cuộc sống. Với đặc trưng riêng của hò sông Mã, hoàn toàn có thể bảo tồn và phát huy theo hướng khai thác phát triển du lịch. Hình ảnh những con đò dọc với điệu hò hấp dẫn nằm trong tour du lịch đường sông, một phần trong tour du lịch xứ Thanh khi đã được hoàn thiện sẽ hấp dẫn du khách./.

Ngô Thị Thanh Thuỷ (Báo TNVN)
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất