Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 29/7/2009 21:59'(GMT+7)

Vẫn rối như tơ vò

Google đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể về việc tự ý số hóa tác phẩm

Google đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể về việc tự ý số hóa tác phẩm


Buổi tọa đàm còn là dịp để các tác giả, NXB thu nhận thông tin liên quan, hiểu hơn về tính chất của vụ việc, về sự được - mất khi các tác giả, NXB Việt Nam tham gia vào vụ kiện này cùng với các tác giả, NXB quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi thời gian để cho Việt Nam đưa ra câu trả lời chính thức về việc có tham gia hay không đã đến gần (4/9) thì các chủ sở hữu tác phẩm trong nước vẫn còn lúng túng trong việc tìm "đối tác tin cậy" để ủy thác việc thỏa thuận các điều khoản liên quan đến bản quyền tác phẩm của mình đối với Google.

* Được - mất của sự "tát nước theo mưa"

Vụ kiện tập thể này khởi nguồn từ năm 2004, khi công ty Google được cho là đã vi phạm các quy định về bản quyền khi tiến hành số hóa các cuốn sách của nhiều quốc gia để đưa vào Thư viện điện tử trên Google. Trong số tác phẩm mà Google tiến hành số hóa, có hơn 4000 cuốn sách của các tác giả Việt Nam, do nhiều NXB phát hành; chưa kể hàng chục ngàn tác phẩm khác mà Google chuẩn bị số hóa. Hành động này của Google được coi là đã xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của các tác giả và nhiều NXB ở Việt Nam.


Các tác giả và NXB ở Hoa Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động này của Google và họ đã không ngần ngại khởi xướng một vụ kiện tập thể tại Hoa Kỳ. Lo sợ những hậu quả pháp lý có thể xảy ra, công ty Google mong muốn hợp pháp hóa hoạt động trên của mình bằng cách liên hệ với các tổ chức đại diện quyền tác giả tại nhiều nước để tiến hành các thỏa thuận liên quan, chủ yếu là vấn đề chi trả tác quyền.

Google đã chủ động liên hệ với các tác giả, NXB Việt Nam thông qua VLCC và ngoài ra, một số tác giả cũng nhận được thư thông báo riêng từ công ty này. Google đề nghị đàm phán để các bên đạt được một thỏa thuận liên quan đến việc số hóa tác phẩm, trên cơ sở pháp luật Việt Nam và quốc tế.


Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ ý kiến

Động thái nói trên của Google mở ra cơ hội thu nhận tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được số hóa, nhưng cũng đặt ra cho các tác giả, NXB Việt Nam và những tổ chức đại diện quyền lợi hợp pháp của họ vấn đề về chất lượng, cách thức đàm phán, thỏa thuận – vốn được cho là còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm. Một số tác giả đã nói vui rằng nhân việc các tác giả, NXB Mỹ kiện Google vi phạm bản quyền, các tác giả, NXB Việt Nam cũng có thể ''tát nước theo mưa", tham gia cùng các đồng nghiệp thế giới để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Tuy nhiên, không phải tác phẩm số hóa nào cũng được trả tiền bồi thường, bởi theo điều khoản mà phía Google đưa ra thì chỉ những tác phẩm đã được xuất bản hoặc phân phối theo dạng bản cứng trước hoặc vào ngày 5/1/2009, được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam mới được trả tiền.

Trước mắt, Google sẽ trả cho tác giả và NXB trên toàn thế giới có tác phẩm được số hóa số tiền 45 triệu USD. Tỷ lệ chi trả cũng được phân chia thành từng loại: mỗi đầu sách sẽ được trả 60 USD, một tác phẩm trong một quyển sách được trả 15 USD và nếu là một phần tác phẩm thì được trả 5 USD; và 63% doanh thu từ những lần sử dụng sau này.

Nếu như Việt Nam đồng ý tham gia vào thỏa thuận trong vụ kiện tập thể này thì khi vụ việc được tòa án Hoa Kỳ xử theo đúng bản thỏa thuận, các tác giả, NXB được nhận số tiền như đã thỏa thuận ở trên thông qua một tổ chức trung gian.

Tuy nhiên, việc "tự nhiên" đối diện với cơ hội được nhận một khoản tiền bồi thường bản quyền từ một tổ chức quốc tế, dù nhỏ hay lớn cũng khiến các chủ sở hữu Việt Nam gặp lúng túng. Có người cho rằng từ trước đến nay họ chưa bao giờ được nhận tiền bồi thường từ Google, nên công ty này tự nguyện trả tiền bồi thường là điều đáng mừng; nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, mức tiền bồi thường 60 USD/đầu sách mà Google đưa ra là quá ít. Hơn nữa, nhiều tác giả cũng "lăn tăn" câu hỏi, rằng nếu chấp nhận thỏa thuận mà Google đưa ra thì liệu họ có mất mát gì nhiều hay không.


Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đóng góp ý kiến cá nhân trong buổi tọa đàm

Trả lời thắc mắc này, luật sư Đỗ Khắc Chiến, người tư vấn pháp luật cho VLCC trong vụ Google lý giải: Bản thỏa thuận với Google, về các lợi ích và những điều khoản ràng buộc là thỏa thuận chung cho tất cả tác giả, NXB thế giới khi muốn tham gia, chứ không riêng gì Việt Nam. Vì lẽ đó, các tác giả, NXB Việt Nam không nên quá lo ngại; hơn nữa, những thỏa thuận này vẫn đang được điều chỉnh và còn phải chờ phán quyết của tòa án Mỹ.

Nếu Việt Nam đồng ý tham gia vào bản thỏa thuận cùng với các tác giả, NXB nước ngoài - trong vụ đòi Google bồi thường - thì chúng ta (các tác giả, NXB) sẽ có một số quyền lợi - tiền bản quyền, sử dụng, tra cứu; quảng bá tác phẩm của mình ra thế giới... Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chấp nhận một số ràng buộc, đó là lẽ đương nhiên.

Một trong những điều đáng được lưu ý là một khi chúng ta chấp nhận là người "trong cuộc", cùng với các tác giả, NXB thế giới trong "sân chơi" đòi Google trả tiền bồi thường thì sẽ không được phép đi kiện Google với nội dung này nữa. Còn, nếu chúng ta từ chối bản thỏa thuận, không tham gia vào vụ kiện tập thể có quy mô thế giới này thì chúng ta có thể tự đi kiện và đòi hỏi quyền lợi riêng. Đó là điều không ai cấm. Chỉ có điều là các tác giả, NXB Việt Nam nên cân nhắc xem phương pháp “tự thân vận động” có khả thi hay không, bởi để theo đuổi một vụ kiện có tính quốc tế sẽ tốn rất nhiều tiền.

Luật sư Đỗ Khắc Chiến cũng khẳng định, không có chuyện nếu Việt Nam không đồng ý bản thỏa thuận thì Google sẽ tự ý dỡ bỏ hoàn toàn tác phẩm của các tác giả ra khỏi trang tra cứu của mình và hình ảnh nền văn học Việt Nam sẽ không được quảng bá - như nỗi lo của nhiều tác giả. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi tác giả không đồng ý thỏa thuận nhận tiền bồi thường và yêu cầu Google dỡ bỏ tác phẩm của mình. Hơn nữa, với các tác giả, NXB, khi đã đồng ý thỏa thuận với Google thì vẫn có thể yên tâm đưa tác phẩm của mình tham gia vào các trang điện tử khác dưới dạng số hóa. Việc làm này không vi phạm các điều khoản trong bản thỏa thuận.

Cũng trong sáng nay, Trung tâm Bản quyền văn học Việt Nam (VLCC) đã ký hợp đồng sử dụng sách điện tử với công ty cổ phần tin học Lạc Việt mang tên "Sách Việt'. Theo đó, các tác phẩm đăng trên trang điện tử này cũng dưới dạng số hóa. "Nhà sách điện tử" này sẽ chính thức cung cấp nhiều đầu sách có bản quyền tới độc giả.

Đợt 1, VLCC sẽ cung cấp 3000 tác phẩm để Lạc Việt số hóa, đợt 2 (cũng được thực hiện trong năm nay) là 5000 tác phẩm. Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc công ty Lạc Việt, hiện nay "Nhà sách điện tử" này đã cung cấp 20 đầu sách cho độc giả. Độc giả, khi tải những tác phẩm yêu thích về đọc sẽ phải trả tiền qua thẻ tín dụng. Số tiền đó, công ty sẽ dùng để trả tiền bản quyền tác phẩm và bản quyền cho những lần sử dụng tiếp theo.

Ông Hà Thân khẳng định, số tiền mà độc giả bỏ ra ít hơn rất nhiều so với giá bìa (khoảng 20% giá trị cuốn sách).

* “Mù mờ” việc chọn nơi ủy quyền

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC cho biết, trong số hơn 4.000 tác phẩm của hơn 3000 tác giả Việt Nam đã được số hóa trên Google, chỉ có hơn 400 tác giả thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và theo kết quả thống kê, có đến 2/3 trong số hơn 4000 tác phẩm nói trên thuộc thể loại sách phi hư cấu (như sách tham khảo, hồi ký, tự truyện, phê bình, nghiên cứu, tác phẩm khoa học công nghệ, giáo trình giảng dạy, văn bản pháp luật...) chứ không phải là tác phẩm văn học. Bà Luyến cũng cho biết, NXB có số lượng tác phẩm bị Google số hóa nhiều nhất không phải là NXB Văn học mà là NXB Chính trị Quốc gia.

Hiện nay, VLCC đã nhận ủy quyền của những tác giả thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và một số tác giả không thuộc Hội. Tuy nhiên, một số tác giả vẫn còn chần chừ, chưa quyết định việc có ủy quyền cho VLCC hay không. Về vấn đề này, bà Luyến cho biết: "Các tác giả nên suy nghĩ kỹ khi lựa chọn tổ chức mà mình sẽ ủy quyền. Đây là việc cần làm tập trung, không nên tản mát mỗi người một hướng bởi như vậy sẽ rất khó đạt được kết quả như ý muốn".

Tuy nhiên, VLCC chỉ có thể đứng ra nhận ủy quyền của những tác giả có tác phẩm thuộc thể loại hư cấu mà thôi, còn những tác phẩm phi hư cấu dường như nằm ngoài khả năng của VLCC (?). Theo luật sư Đỗ Khắc Chiến, những tác giả, NXB này cần phải liên kết với nhau, tìm một tổ chức có tiếng nói chung hoặc nhờ một số đơn vị có chức năng bảo hộ quyền tác phẩm của mình thì việc thỏa thuận mới hiệu quả.


VLCC ký hợp đồng sử dụng sách điện tử với công ty cổ phần tin học Lạc Việt

Dù Google thông báo là các cá nhân có thể tự đăng ký thỏa thuận, tuy nhiên theo ông Chiến, vì các tác giả Việt Nam vốn không quen làm những thủ tục này, nên nếu họ tự đứng ra thỏa thuận thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể là họ sẽ hiểu sai thông tin mà Google gửi đến (bản tiếng Anh). "Thế giới rất đề cao cách làm việc tập thể, thông qua một tổ chức nào đó. Vì đây là vụ kiện tập thể lớn nên Tòa án Hoa Kỳ sẽ xử vụ kiện này thông qua một tổ chức được ủy quyền cho các tác giả. Thế giới đã làm thế, Việt Nam cũng nên làm việc theo tập thể và đó là cách làm hiệu quả hơn cả", ông Chiến cho hay. Vị luật sư này cũng cho biết, thời điểm này nếu mỗi người vẫn hiểu theo một cách rồi "độc lập tác chiến" thì việc này sẽ càng rối thêm.

Theo lộ trình được nêu trong bản thỏa thuận thì ngày 4/9 tới đây, các tác giả, NXB Việt Nam phải có câu trả lời chính thức là có hay không tham gia thỏa thuận. Ngày 7/10, phiên tòa xét xử vụ này sẽ được tổ chức tại New York (Mỹ), Việt Nam có quyền tham gia, đóng góp ý kiến nhưng phải đăng ký từ trước. Nếu các tác giả đồng ý thỏa thuận thì tới ngày 5/1/2010, phía Việt Nam phải gửi bản danh mục kê khai tác phẩm. Còn nếu các tác giả không đồng ý tham gia vào bản thỏa thuận với Google thì ngày 5/4/2010 là hạn cuối cùng để họ đề nghị công ty này gỡ toàn bộ tác phẩm ra khỏi danh sách tra cứu...

Như vậy, chẳng còn bao lâu nữa Việt Nam sẽ phải trả lời chính thức có hay không tham gia vào vụ kiện tập thể này. Nhưng đến thời điêm này, các tác giả vẫn rất lúng túng trong việc lựa chọn tổ chức để ủy quyền đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Luật sư Đỗ Khắc Chiến cho biết, nếu đến thời điểm Việt Nam phải có câu trả lời chính thức mà chúng ta vẫn còn lúng túng, nhiều tác giả, NXB vẫn không tìm được một tổ chức để gửi gắm mong muốn thì có thể sẽ có nhiều tác giả, NXB tự đánh mất quyền lợi của mình.

Bài, ảnh: Lệ Quyên-HNM



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất