Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 31/7/2009 11:37'(GMT+7)

Gắn bó với đời sống văn học, nghệ thuật

Múa “Lục cúng hoa đăng” trong Đêm di sản Việt Nam.

Múa “Lục cúng hoa đăng” trong Đêm di sản Việt Nam.

Trước mắt là tổ chức thành công hội thảo khoa học chủ đề "Tính dân tộc và tính hiện đại trong VHNT Việt Nam hiện nay" diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-8 tại Hội An - Quảng Nam; chuẩn bị xây dựng quy chế tặng thưởng dành riêng cho LLPB của Hội đồng. Nhân dịp này, GS-TS Đinh Xuân Dũng, UV Thường trực Hội đồng đã trả lời phỏng vấn báo Hànộimới về những nội dung trên.

- Thưa Giáo sư, từ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng LLPB VHNT TƯ, Giáo sư có thể cho bạn đọc được rõ về việc xây dựng quy chế tặng thưởng dành riêng cho LLPB của Hội đồng?


- Hội đồng LLPB VHNT TƯ trước hết là cơ quan tư vấn cho Đảng, Nhà nước về công tác LLPB VHNT, trong đó có xây dựng cơ sở lý luận của nền VHNT Việt Nam trong tình hình mới. Để tư vấn đạt hiệu quả cao, Hội đồng tự đặt ra các yêu cầu đối với hoạt động của mình: Một là phải gắn bó với đời sống văn học, là đồng nghiệp, người trong cuộc, chứ không đứng ngoài để chỉ huy. Hai là tư vấn bằng các hoạt động nghiên cứu khoa học, không có khoa học thì tư vấn không có kết quả.

Cùng với hoạt động tư vấn, Hội đồng có một số hoạt động tác động vào đời sống VHNT. Trong đó, có nhiệm vụ thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi với văn nghệ sĩ; rồi khảo sát hoạt động thực tế VHNT và một số hoạt động thúc đẩy hoạt động LLPB. Cụ thể, ngoài góp phần bồi dưỡng kiến thức, xây dựng diễn đàn trao đổi nghiệp vụ (nâng Bản tin của Hội đồng lên Tạp chí), còn phải có hình thức trực tiếp khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực này. Thời gian qua, giải thưởng của các hội VHNT tuy có dành cho LLPB nhưng chưa thực sự chất lượng, chưa bao quát được hết các bài lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhuận bút cho LLPB chưa tương xứng, sách in về LLPB hạn chế, đội ngũ LLPB ít được quan tâm. Trong tình hình như vậy, từ những vấn đề lý luận cơ bản đến những vấn đề thời sự về LLPB VHNT chưa được bàn đến trên nhiều diễn đàn.

Hội đồng thấy cần có một quỹ, một tặng thưởng để tác động trực tiếp vào hoạt động và lực lượng LLPB. Ban Bí thư đã nhất trí về nguyên tắc với dự kiến này vì cho đó là một phương thức tốt, phải được kết hợp song song cùng với phương thức khác. Tuy nhiên, tặng thưởng không được trùng lặp với các giải của các hội; không thành lập ban giải thưởng cồng kềnh mà phải gọn, hiệu quả và chỉ tập trung cho các sản phẩm LLPB.

Dự kiến có mấy đối tượng được tặng thưởng: Những bài LLPB được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác động tích cực tới lực lượng sáng tác, góp phần định hướng thẩm mỹ cho xã hội; Những công trình LLPB xuất hiện hằng năm có phát hiện mới, có giá trị trong đời sống LLPB; những tác phẩm “thai nghén” cần xuất hiện trong những thời điểm quan trọng, giải quyết những vấn đề LLPB VHNT đặt ra. Bên cạnh đó là tặng thưởng cho các cơ quan báo chí, NXB có tác phẩm LLPB tốt. Về giá trị vật chất, hiện chưa thể công bố cụ thể song sẽ bảo đảm tương xứng, động viên được những người làm LLPB.

Hội đồng dự kiến hoàn thành đề án quy chế tặng thưởng để trình Ban Bí thư trong quý III năm nay và sẽ cố gắng triển khai sớm, nếu kịp thì tặng thưởng đợt đầu vào cuối năm nay.

- Thưa Giáo sư, bên cạnh việc xây dựng quy chế tặng thưởng trên, nhiệm vụ trước mắt của Hội đồng là tổ chức hội thảo khoa học “Tính dân tộc và tính hiện đại trong VHNT Việt Nam hiện nay”. Hội thảo này nhằm mục đích gì và có khác so với nhiều hội thảo về VHNT đã từng được tổ chức?

- Chủ đề hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong VHNT Việt Nam hiện nay” đã đụng chạm tới vấn đề có tính lý luận cơ bản nhất song cũng đang được đặt ra rất thời sự trong thực tiễn. Ở đây ta không bàn “dân tộc là gì”, “hiện đại là gì” mà quan trọng là lý giải mối quan hệ biện chứng, đang vận động giữa “dân tộc và hiện đại” biểu hiện trong VHNT, trên cơ sở đó bám sát thực tiễn các loại hình VHNT để phân tích xem những người sáng tạo văn học, nghệ thuật đã xử lý mối quan hệ đó như thế nào. “Dân tộc và hiện đại” cũng không chỉ được xem xét trong sáng tác mà cần nhìn nhận trong cả cách thức quảng bá, truyền bá, giới thiệu, đánh giá.

Ví dụ, lực lượng viết văn trẻ hiện rất phát triển, ta cần nhìn nhận sao cho khách quan: dân tộc, hiện đại ở những điểm nào, họ đang tìm kiếm gì, mắc ở đâu? Nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ dân tộc, rất có thể sẽ không toàn diện, rồi mặc cảm với lớp trẻ, nhưng nếu không kịp thời có định hướng đến một lúc nào đó sẽ có khả năng một bộ phận trong lớp trẻ đánh mất tính dân tộc. Đó là quá trình tìm kiếm không dễ dàng vì còn khá nhiều ẩn số phía trước. Hội thảo này cũng cố gắng đưa một số thông tin về việc xử lý mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại trong VHNT ở nước ngoài để tham khảo, chọn lọc.

Cuối cùng, quan trọng nhất sau khi lắng nghe được nhiều tiếng nói trên một vấn đề lớn, Hội đồng sẽ chắt lọc, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề sao cho trúng với quy luật của sự vận động VHNT góp phần chỉ đạo, hướng dẫn VHNT phát triển.

- Có một số ý kiến cho rằng, trong các sự kiện kỷ niệm các văn nghệ sĩ lớn, rất cần sự tham gia tích cực của Hội đồng ở góc độ chuyên môn? Giáo sư nghĩ gì về điều này?

- Đó là nhận xét đúng. Trong các sự kiện VHNT lớn, sự kiện kỷ niệm các danh nhân VHNT cần sự tham gia hai phía. Hội chuyên ngành nhạy cảm đề xuất và Hội đồng cũng cần chủ động nắm thông tin phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả thực tế, đẩy mạnh sinh hoạt nghiệp vụ LLPB. Tôn vinh, kỷ niệm các danh nhân là quan trọng nhưng cũng cần nhân đó đẩy lên thành sinh hoạt nghề nghiệp, học thuật rút kinh nghiệm cho LLPB hôm nay.

Mai Thi thực hiện-HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất