Cũng theo ông Hinh, mức điểm sàn riêng này sẽ áp dụng cả với trường công lập và trường ngoài công lập.
“Chúng tôi cũng đang băn khoăn vấn đề kỹ thuật làm sao để đưa ra con số
ngưỡng điểm này. Nhiều ý kiến cho rằng nên để 21 điểm cho tổ hợp xét
tuyển ba môn, trung bình mỗi môn 7 điểm. Tuy nhiên, điểm còn phụ thuộc
mức độ khó, dễ của đề thi. Có ý kiến cho rằng nên lấy ở mức 30% của phổ
điểm, nhưng lại sợ như thế sẽ là quá cao với một số trường,” ông Hinh
chia sẻ.
Theo ông Hinh, mặc dù Luật Giáo dục Đại học quy định việc tuyển sinh do
các trường tự chủ, nhưng y là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức
khỏe, tính mạng người dân. Vì thế, đào tạo y, dược cần có những quy
định để đảm bảo về chất lượng đào tạo, trong đó có chất lượng đầu vào.
“Chúng tôi mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định,” ông Hinh nói.
Trước đề xuất của Hiệp hội các trường y, dược, bà Nguyễn Thị Kim Phụng,
quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bà
đồng thuận với quan điểm này.
“Nếu trong trường hợp xã hội và các cấp quản lý không đồng ý với đề xuất
trên, tôi có đề nghị anh Hinh cùng các trường sẽ đưa ra mức điểm khuyến
nghị về chất lượng đầu vào để có căn cứ đối chiếu, so sánh,” bà Phụng
nói.
Không chỉ mong muốn nâng cao chất lượng đầu vào của ngành y, dược, ông
Nguyễn Đức Hinh cho biết, tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng hiệu
trưởng các trường y, dược cũng đề nghị phải nâng cấp quyết định mở
ngành y.
Theo đó, việc mở các ngành y, dược sẽ do Chính phủ quyết định thay vì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định như hiện nay.
Ông Hinh cũng cho rằng việc mở thêm các trường đào tạo ngành y, dược là
yêu cầu tất yếu hiện nay khi nước ta có 90 triệu dân nhưng chỉ có khoảng
20 trường đào tạo bác sỹ.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, việc mở một trường y rất
khó, kể cả với các trường công lập do đòi hỏi rất cao về nhân lực, cơ sở
vật chất, cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên…
Vì thế, theo ông Hinh, nên thành lập các trường y, dược theo từng bước,
trước hết là thành lập phân hiệu của các trường đại học y có uy tín, sau
đó sẽ nâng cấp dần từng bước để có thể tách thành trường y độc lập.
“Đó cũng là cách mà chúng ta đã làm để hình thành Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hải Phòng,” ông Hinh nói./.
Theo TTXVN