Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 7/11/2016 21:23'(GMT+7)

Phối hợp nguồn lực, phát huy lợi thế

Du lịch cần sự phối hợp của nhiều ngành để phát triển  (Nguồn: baodauthau.vn)

Du lịch cần sự phối hợp của nhiều ngành để phát triển (Nguồn: baodauthau.vn)

Phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động

Ngoài yếu tố tài nguyên, việc thu hút đông đảo khách du lịch tại một số địa phương hiện nay còn là kết quả của chính sách phát triển du lịch, với sự tham gia phối hợp của các ngành liên quan. Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Sở Du lịch Hà Nội vừa tham mưu cho Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: Tạo đột phá trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, tạo ra động lực và có khả năng dẫn dắt các ngành kinh tế khác. Thực tế, đẩy mạnh phát triển du lịch đang được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo, giám sát với những việc làm cụ thể, đặc biệt là những việc ban đầu mang tính tạo dựng”.

Ngành du lịch Hà Nội cũng tăng cường phối hợp với cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội vừa ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với 13 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến”, 14 tỉnh, thành phố sẽ phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng cường tổ chức hoạt động phát triển du lịch; liên kết, phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch để phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước của các địa phương...

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng có sự liên kết chặt chẽ. Sở Du lịch Hà Nội mới thành lập gần 1 năm, chỉ có 5 thanh tra, nhưng có kế hoạch phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, các thanh tra chuyên ngành, tạo thành các đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra đột xuất. Ví dụ, được sự phối hợp từ tỉnh Quảng Ninh, đoàn thanh tra thành phố đã xử lý một đoàn đưa dẫn khách không có hướng dẫn viên Việt Nam ngay khi đặt chân đến Hà Nội...

Các tỉnh, thành phố khác muốn phát triển du lịch cũng cần có chính sách liên kết, phối hợp như vậy.

Không phải đi xin

Khi các mối liên kết, phối hợp giữa du lịch với các ngành khác chưa được quy định chặt chẽ, phần nhiều phụ thuộc vào sự chủ động của ngành, nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo ngành khác, và các tỉnh, thành phố. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của một tỉnh phía Bắc từng than rằng, du lịch tỉnh bị gắn mác “chặt chém”, trong khi đó lại là vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của ngành, cũng như rất nhiều yếu tố khác: Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, ăn xin, móc túi, chèo kéo khách tràn lan... Nếu không được sự quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp của các ngành khác, du lịch đành ngậm ngùi chấp nhận nhìn khách ra đi không trở lại.

Ở cấp độ quốc gia, ngành du lịch từ lâu có những vướng mắc về vấn đề xuất nhập cảnh, thị thực, giao thông - vận tải, chất lượng dịch vụ, liên quan tới tất cả các ngành và địa phương... Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng: Quan hệ văn hóa - kinh tế, một ngành - nhiều ngành, Trung ương - địa phương, quản lý nhà nước - doanh nghiệp... là những bài toán đặt ra khi xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Trong khi đó, từ trước đến nay, từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như quản lý ở cơ sở chưa có được sự phối hợp ngang bằng, mà phải đi xin các bộ, ngành khác. Điều này không thúc đẩy được ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, chưa phát huy hết tiềm năng của ngành.

Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần thứ 5 (trình QH chiều nay, 7.11) đã dành hẳn một chương (Chương IX) quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trong quản lý và phát triển du lịch. Đó là tín hiệu đáng mừng cho công tác phối hợp trong ngành kinh tế mang tính tổng hợp này, nhưng các quy định chưa cụ thể. Hơn thế, muốn thu hút khách du lịch, còn cần có sản phẩm hấp dẫn, điểm du lịch bảo đảm về cả môi trường, cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên; nguồn nhân lực chất lượng, hoạt động lữ hành tốt... mà không phải yếu tố nào cũng thực hiện được trong ngày một ngày hai.


Thảo Nguyên (daibieunhandan)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất