Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 7/11/2016 21:20'(GMT+7)

Khơi lại dòng chảy văn học Nga ở Việt Nam

Các bạn trẻ say mê đọc sách văn học Nga.

Các bạn trẻ say mê đọc sách văn học Nga.

Theo TS Hà Thanh Vân, giai đoạn phát triển hoàng kim của văn học Nga là những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước. Thời gian đó, có gần 1.000 đầu sách văn học Nga được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Nhưng con số ấn tượng thật sự lại nằm ở số lượng được phát hành. Mỗi đầu sách trung bình được phát hành 30.000 cuốn, có đầu sách lên tới 80.000 cuốn, hơn thế, những tác phẩm kinh điển còn phát hành tới 120.000 cuốn. Khi văn học Nga đã chững lại, dần đi vào thoái trào từ năm 1990 đến nay, chúng ta vẫn thấy một nền văn học Nga âm ỉ trong dòng chảy của văn học ở Việt Nam, tựa như một mạch ngầm không bao giờ dứt. Và điều đáng mừng là sức sống văn học Nga đã có dịp trỗi dậy trong thời gian gần đây, khi từ năm 2000 đến nay, đã có 396 tác phẩm văn học Nga được dịch, tái bản và xuất bản tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, cụm từ “thoái trào” chỉ khái quát được bề nổi, bởi trong tiềm thức của người Việt vẫn là tình yêu sâu đậm dành cho văn học Nga.

Chia sẻ của TS Hà Thanh Vân được các đại biểu rất tâm đắc, bởi lẽ họ là những người hiểu, yêu và gắn bó sâu sắc với văn học Nga. Buổi tọa đàm dẫn dắt khán giả đi ngược dòng lịch sử để trở về một thời tuổi thơ đắm chìm trong thế giới nghệ thuật đầy lãng mạn của văn học Nga. Thứ tình yêu đó thấm đẫm vào tâm hồn của bao thế hệ bạn đọc, để rồi hình thành nên nhân cách những con người mộng mơ, tử tế, sâu sắc và yêu đời. Dường như chúng ta đã được giáo dục, định hình về quan niệm thẩm mỹ ngay từ thuở thơ ấu, bằng sự góp sức tác động của những tác phẩm văn học thiếu nhi ở xứ sở Bạch Dương. Qua lăng kính lịch sử văn học, chúng ta nhận thấy người Việt Nam không hề tiếp nhận văn học Nga một cách ồ ạt mà phải trải qua một quá trình sàng lọc. Bởi lẽ, văn học Nga là nền văn học có những nét đặc thù gần gũi, phù hợp với con người Việt Nam. Theo PGS, TS Bùi Thanh Truyền, các tác phẩm văn học Nga thường mang tính chất giáo huấn. Có lẽ bởi vậy mà nhiều nhà nghiên cứu thường đùa rằng, một cuốn sách văn học Nga như một cuốn giáo trình, và tác giả của nó như một vị giáo sư. Nhưng những điều ấy lại hợp với gu người Việt, bởi văn học Nga, đặc biệt là văn học thiếu nhi thường có những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc, giản dị mà có tính triết học cao.

Có mặt tại buổi tọa đàm, cô giáo trẻ Hoàng Bích Ngọc, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Ngày còn đi học, văn học Nga là môn học tôi yêu thích nhất. Trong chương trình Ngữ văn ở trường THPT hiện nay, có một số tác phẩm văn học Nga vẫn đang được giảng dạy và thu hút sự quan tâm của học sinh. Chẳng hạn như “Tôi yêu em” của Puskin là một trong số các tác phẩm được học sinh yêu thích và đón nhận nồng nhiệt. Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn chia sẻ, khi được phân công chủ nhiệm lớp có học sinh cá tính mạnh, không chịu nghe lời, thay vì sử dụng các biện pháp răn đe, các cô dành thời gian mỗi tuần để đọc các tác phẩm văn học Nga cho học sinh nghe như một "liệu pháp" thuyết phục, cảm hóa con người. Và kết quả đã giúp các học trò "ngỗ nghịch" dần trở nên có tâm hồn phong phú, biết lắng nghe hơn.

Thời gian gần đây, nhiều hoạt động khơi dậy sức sống văn học Nga đã được triển khai. Nhiều nhà xuất bản và các dịch giả đã giới thiệu các tác phẩm văn học Nga mới, tái bản những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu… Đặc biệt mới đây, NXB Kim Đồng đã tái bảnBộ sách Văn học Nga-Tác phẩm chọn lọc, gồm các tựa sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc trẻ trước đây. Đó là Chiếc nhẫn bằng thép của K.Paustovsky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Maximka của K.M.Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R.Belyaev,Timur và đồng đội cùng Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar, Cánh buồm đỏ thắm của Aleksandr Grin, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino của Tolstoy, Bác sĩ Aibolit của K.Chukovsky. Bộ sách Văn học Nga-Tác phẩm chọn lọc còn là cuộc gợi nhớ về đội ngũ dịch giả một thời hùng hậu với những bản dịch làm sang, làm đẹp cho nguyên tác, đó là Phan Hồng Giang, Lê Khánh Trường, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Ca Sơn, Thúy Toàn… Sách tái bản hứa hẹn sẽ gây hiệu ứng thú vị với bạn đọc hôm nay.

Cùng với sự vào cuộc của các nhà xuất bản, ở môi trường giáo dục, các nhà nghiên cứu đã đưa nhiều tác phẩm văn học Nga vào giáo trình của các khối ngành Ngữ văn, trong đó không chỉ có các tác giả kinh điển mà còn có những tác phẩm mới, tác phẩm phi chính thống, tác phẩm hải ngoại của Nga, tạo điều kiện cho sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn đối với nền văn học Nga.

Dẫu còn khiêm tốn trước hành trình đánh thức văn học Nga trong văn hóa đọc của người Việt, nhưng các học giả và người đọc đều có niềm tin về giá trị tinh thần và thẩm mỹ lớn lao từ văn học Nga. Chúng ta đều có thể hy vọng sự trở lại của một nền văn học xứ Bạch Dương trong lòng người Việt.


Vân Hà (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất