Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 12/5/2013 21:54'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng dịch thuật vì một nền văn hóa lành mạnh

Từ trái sáng: Các dịch giả Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ và Lương Việt Dũng.

Từ trái sáng: Các dịch giả Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ và Lương Việt Dũng.

Dù vẫn còn nhiều tranh luận về thực trạng dịch thuật ở nước ta hiện nay, lời khen cũng lắm và lời chê cũng không ít. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nhờ dịch thuật, chúng ta ngày càng tiếp xúc được với nhiều sách vở tinh hoa, kinh điển, từ cổ kim đến đông tây. Chúng ta có điều kiện cọ xát với nhiều nền văn hóa khác nhau và tiếng Việt cũng ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế đến mức tối đa những sai sót không đáng có trong các tác phẩm dịch; công tác biên tập và phê bình tác phẩm dịch thuật cần phải được đặt đúng vị trí và vì một mục đích duy nhất: nâng cao chất lượng dịch thuật… Đây là những vấn đề được bàn thảo tại Tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” diễn ra mới đây tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội, do Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam tổ chức.

Tham dự buổi Tọa đàm có các dịch giả: Lê Hồng Sâm, nguyên giảng viên văn học học Pháp; Nhà báo Trịnh Lữ, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng thời gian vừa qua như “Rừng Na Uy”, “Đại gia Gatsby”; Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… cùng đông đảo các dịch giả, biên tập viên nhiều thế hệ và đại diện cơ quan báo chí.

 Trước thực trạng thời gian gần đây xuất hiện không ít tác phẩm dịch tạo ra sự  tranh luận trên báo chí, phê phán chất lượng dịch thuật còn nhiều sai sót. Dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng: Dịch giả khi chuyển thể các tác phẩm sang tiếng Việt phải biết được cái chừng mực, ranh giới có thể vượt qua được và không thể vượt qua được, có nghĩa là sự sáng tạo của ngôn từ phải trên cơ sở của tác phẩm gốc, không được “ngẫu hứng” tùy tiện để làm sai lệch chủ ý của tác giả. Quá trình dịch phải lưu ý đến sự thay đổi, phát triển của ngôn ngữ, để giữ được tinh thần, văn phong của tác phẩm gốc, đồng thời vẫn phải đảm bảo để bản dịch không quá khó tiếp nhận đối với độc giả trong nước.

Dịch giả Lê Hồng Sâm nhấn mạnh: Dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo. Phục tùng là để tôn trọng tác giả, và sáng tạo là để tôn trọng độc giả. Khi mà độc giả nước nhà còn có những phản hồi phê bình cho chất lượng của sách dịch, thì đó là điều đáng mừng, chứng tỏ rằng, bạn đọc hiện nay có trình độ ngoại ngữ cao hơn và quan tâm đến sách dịch và coi trọng văn hóa đọc. Với kiến thức và phông văn hóa rộng, việc bạn đọc phê bình có ý thức với mục đích góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm dịch thuật… là những điều đáng quý, là cơ hội và điều kiện cho các dịch giả và các nhà xuất bản tiếp thu, rút kinh nghiệm; đồng thời thể hiện được sự tích cực, phát triển của hoạt động xuất bản trong nước.

Lưu ý đến những vấn đề về văn hóa và bản sắc khi chuyển tải tác phẩm dịch đến với công chúng trong nước, dịch giả Trịnh Lữ nhấn mạnh: Dịch thuật là sự tiếp biến, thương lượng giữa hai nền văn hóa, phải làm sao để những khác biệt về  phong tục và bản sắc văn hóa của một xứ sở khác khi đến với bạn đọc trong nước thông qua tác phẩm dịch không trở nên quá lạ lẫm và khó hiểu, nhưng cũng không nên Việt hóa những yếu tố “ngoại lai” của tác phẩm gốc.

Bàn về công tác phê bình tác phẩm dịch, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng: Cùng một tác phẩm gốc, mỗi dịch giả có thể tạo ra những tác phẩm dịch không giống nhau, phụ thuộc vào lăng kính và trình độ của mỗi người, cho nên không có khái niệm “bản dịch đúng” mà chỉ có thể xác định là “bản dịch hay” hoặc “bản dịch dở”. Nếu quan niệm “Dịch thuật là một nghệ thuật chính xác” thì người đọc cũng phải xác định được tâm thế của người thưởng thức nghệ thuật. Độc giả hiện nay có nhiều trình độ khác nhau, cho nên dịch giả phải xem người đọc phản ứng với thái độ và mục đích gì, không nên chạy theo “dư luận ảo”. Cần phải có nhiều bài viết phê bình về tác phẩm dịch thuật trên nền tảng lý luận và thực tiễn, mang tính xây dựng với mục đích khích lệ và nâng cao chất luợng công tác dịch thuật, chứ không phải là những ý kiến phê bình theo kiểu “a dua”, “theo đuôi”...

Trao đổi về kinh nghiệm trong quá trình dịch thuật, dịch giả trẻ Lương Việt Dũng chia sẻ: Trước hết phải thuần thục những kỹ năng cơ bản trong công tác dịch thuật, rồi mới tính tới chuyện có một bản dịch nghệ thuật. Tôi cảm thấy áp lực trước những bản dịch của các tác giả kỳ cựu nhưng may mắn lại được kế thừa những di sản mà thế hệ trước để lại. Kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước vô cùng quan trọng cho dịch giả trẻ.

Sai lầm dễ mắc phải trong dịch thuật đôi khi không phải do thái độ làm việc không nghiêm túc, mà do bị ám ảnh và “ngợp” trong bối cảnh văn hóa bản địa của tác phẩm gốc - nơi sinh ra ngôn ngữ cần dịch, nên dịch giả nhiều khi bị chệch ra khỏi “đường ray”. Đây là điều không thể tránh khỏi, cho nên cần phải có sự thẩm định lại, thoát ly ra khỏi tác phẩm, đặt mình vào tư cách của độc giả để “kiểm chứng” tính thích nghi của tác phẩm với nền văn hóa Việt Nam.

Thành công của một tác phẩm dịch phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng và góp ý của độc giả. Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều người tham gia vào dịch thuật với sự đa dạng về kiến thức, trình độ, lăng kính văn hóa, gu thẩm mĩ, cho nên rất cần cái nhìn độ lượng, chia sẻ từ độc giả, không nên “đánh đồng” và đổ lỗi tất cả do công tác quản lý, hoặc hạn chế về chuyên môn khiến nhiều tác phẩm dịch chưa hay...

Biên tập viên, dịch giả Trần Lê Thùy Linh thì cho rằng: Dịch thuật là công việc mang tính riêng , vì bản dịch luôn mang dấu ấn cá nhân của dịch giả. Do đó, không có bản dịch chuẩn, mà chỉ có bản dịch phù hợp với bối cảnh và nhu cầu chân chính của thời đại hay không. Điều quan trọng khi chuyển ngữ một cuốn sách, dịch giả hướng nguồn trước hay hướng đích trước mà thôi.

Biên tập viên là độc giả đầu tiên của bản dịch, phản ứng của biên tập viên chính là phản ứng của độc giả đầu tiên. Vấn đề “non kém”, “chưa hay”, “chưa tới tầm” của bản dịch, ngoài trách nhiệm của dịch giả và biên tập viên cũng cần xét đến “phông tri thức” và lăng kính tiếp nhận của độc giả, vì mỗi người có một cách đọc và cách tiếp nhận tác phẩm khác nhau, nên không phải cái gì bạn đọc phê phán cũng là lỗi - Biên tập viên Trần Lê Thùy Linh khẳng định..

Bên cạnh những ý kiến nêu trên, Tọa đàm còn có sự tham gia, chia sẻ về kinh nghiệm, nhận định, đánh giá một bản dịch hay, cũng như những khó khăn trong quá trình dịch của bản thân của các dịch giả: Nguyễn Thiện Đạo, Phạm Tú Câu, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Bích Lan cùng đông đảo các bạn đọc khác...

Ngoài việc nhìn nhận, xem xét nghiêm túc về phản ứng của dư luận phê phán chất lượng dịch sách thời gian qua, nhiều ý kiến tại Tọa đàm cũng khẳng định: độc giả cần có cái nhìn khách quan hơn, bên cạnh việc phê bình - chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế, cần có cái nhìn độ lượng, thừa nhận công lao của dịch giả - những người cần mẫn như “con ngựa chở văn hóa” góp phần vào sự đa đạng, phong phú trong nhu cầu tiếp nhận của công chúng trong nước.

Kết luận Tọa đàm nhấn mạnh: Dù có nhiều ý kiến khác nhau, dù còn những hạn chế nhất định, nhưng vai trò của công tác dịch thuật đã được khẳng định rất rõ trong việc góp phần vào sự đa dạng, phong phú của ấn phẩm, tác phẩm văn học - nghệ thuật, văn hóa - lịch sử… trong thực tế xuất bản của nước ta, đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay. Mong rằng, thông qua những trao đổi, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, chất lượng dịch thuật sẽ ngày càng được nâng cao, phong phú hơn, tạo điều kiện để bạn đọc có nhiều sự lựa chọn, tiếp nhận, bổ sung tri thức vì một nền văn hóa lành mạnh, bổ ích./.

Đông Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất