Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 25/4/2013 23:40'(GMT+7)

Tủ sách dòng họ ở nông thôn – một mô hình nâng cao văn hóa đọc

Tủ sách dòng họ. Ảnh minh họa

Tủ sách dòng họ. Ảnh minh họa

Ở nông thôn, cùng với sự ra đời, phát triển của các quỹ khuyến học, nhiều dòng họ đã tạo lập mô hình “tủ sách dòng họ”. Thời gian đầu mới hình thành, “tủ sách dòng họ” vẫn còn khá mới mẻ.. Đến nay, mô hình đã và đang phát triển, hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước.

Sự cần thiết của tủ sách dòng họ ở nông thôn

Nhu cầu đọc trong người dân ở nông thôn rất lớn, nhưng ở đây hiện chỉ có nguồn sách từ một số thư viện như “Thư viện xã”, “Tủ sách khu dân cư”; “Tủ sách pháp luật xã”; “Điểm Bưu điện-Văn hoá xã” và hệ thống “Thư viện trường học” cấp cơ sở. Nhưng trên thực tế, các hình thức trên chưa phát huy được hiệu quả: Thư viện  xã, các tủ sách thôn, làng đặt tại các nhà văn hóa thôn hầu như không hoạt động. Tủ sách pháp luật thường được đặt tại UBND các xã nên người dân ngại tới đọc. Tủ sách ở các điểm Bưu điện - văn hoá xã còn rất sơ sài, đầu sách ít, chật chội, thiếu bàn ghế nên không thu hút được người đọc. Các thư viện trường học cấp cơ sở vốn tài liệu chủ yếu vẫn chỉ phục cho giáo viên, chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu của các em học sinh.

Trong hoàn cảnh đó, sự ra đời của Tủ sách dòng họ là biện pháp hữu ích để phục vụ nhu cầu đọc sách báo của người nông dân, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức xã hội và xây dựng thói quen đọc sách. Tủ sách dòng họ còn góp phần xây dựng truyền thống hiếu học của dòng họ. Một ưu điểm nữa của Tủ sách dòng họ là thời gian mở cửa trong tuần bất kỳ, thậm chí cả thứ bảy và chủ nhật; các thư viện đều phục vụ miễn phí, có thể tổ chức phục vụ đọc tại chỗ hoặc cho mượn sách báo về nhà. Hơn nữa, Tủ sách dòng họ thường đặt tại địa điểm gần gũi với  người dân nông thôn (Từ đường, nhà trưởng họ) và thời gian trả - mượn không mang tính “hành chính”, cùng với cách quản lý dựa vào tình cảm họ hàng làng xóm, điều đó đã giúp tủ sách phát huy hiệu quả.

Những khó khăn khi xây dựng Tủ sách dòng họ:

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng Tủ sách dòng họ, có rất nhiều khó khăn. Nguồn sách ít, chủ yếu là do con em trong họ tự đóng góp. Thiếu thốn địa điểm đặt tủ sách (phần lớn phải sử dụng nhà thờ họ - mà ở đây diện tích hạn chế nên chủ yếu chỉ dùng làm kho chứa sách và một ít bàn ghế). Hình thức hoạt động đơn giản, chủ yếu vẫn chỉ là cho mượn sách mang về. Hơn nữa, Tủ sách dòng họ không có thủ thư chuyên nghiệp. Việc quản lý được giao cho một vài người có thời gian rỗi rãi, tâm huyết (chủ yếu là cán bộ về hưu, giáo viên…). Họ đều không có nghiệp vụ thư viện nên mặc dù rất tâm huyết nhưng vẫn gặp không ít khó khăn lúng túng khi thực hiện công việc. Ví dụ như thư viện dòng họ Đinh (Thôn Khê Ngoại - xã Văn Khê - Mê Linh - Hà Nội) giao cho chị Nguyễn Thị Quý (giáo viên trường THPT Văn Khê A). Nhưng công việc chủ yếu cũng chỉ là ghi vào sổ theo dõi bạn đọc mượn trả sách. Hay như Tủ sách dòng họ Vũ ở làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) có 2 địa điểm: Một tủ sách văn học, khoa học… đặt ở Nhà văn hóa thôn do thương binh Vũ Đăng Lục - Phụ trách nhà văn hóa - trông nom. Và một tủ sách khác chứa những cuốn sách quý hiếm, có nội dung viết về dòng họ Vũ được đặt ở Hạ đường miếu thờ cụ Vũ Hồn, do ông Vũ Quốc Ái ( cũng là thương binh) và ông Vũ Huy Nhan – cán bộ về hưu – là bảo vệ khu đền thờ cụ tổ họ Vũ đảm nhiệm.

Chính vì những lý do trên nên hầu hết các thư viện dòng họ mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng được nơi chứa sách, giá sách chứa các tài liệu và có người trông coi, mở cửa đón bạn đọc. 

Cần nhân rộng mô hình tủ sách dòng họ ở nông thôn

Để xây dựng được mô hình Tủ sách dòng họ, trước hết cần khuyến khích xây dựng Tủ sách gia đình (Ví dụ như tủ sách của ông Phạm Thế Cường (Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh), hay của ông Đỗ Anh Tuấn (An Phụ, Thái Bình).

Trên thực tế, cùng với tủ sách tư nhân, mô hình tủ sách cho dòng họ đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng ít được biết tới. Đến năm 2007, khi mô hình này được anh Nguyễn Quang Thạch (sinh năm 1975 tại xã Sơn Lễ - Hương Sơn - Hà Tĩnh) khởi xướng thì Tủ sách dòng họ mới trở thành phong trào, được nhiều dòng họ cả nước hưởng ứng. Đến nay, mô hình Tủ sách dòng họ đã được nhân rộng thành hơn 100 tủ sách trên khắp các tỉnh thành cả nước. Đặc biệt phải kể đến một số Tủ sách dòng họ tiêu biểu như: Tủ sách của dòng họ Đinh (thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội)… Tủ sách một số dòng họ tại các xã An Dục, Đồng Tiến, An Vũ (huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình); Tủ sách họ Hoàng ở xã Diễn Cát (Diễn Châu - Nghệ An); Tủ sách dòng họ Đỗ thôn Cổ Đẳng (xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình); Tủ sách dòng họ Vũ ở làng Mộ trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)…

Tuy nhiên, để mô hình Tủ sách dòng họ ngày càng được nhân rộng, cần có những giải pháp cụ thể như: Xây dựng chính sách và cơ chế hoạt động hợp lý cho Tủ sách dòng họ. Tăng cường kinh phí cho Tủ sách dòng họ bằng phương pháp xã hội hoá. Nghiên cứu và xây dựng chính sách bổ sung nguồn sách hợp lí. Hướng tới đội ngũ thủ thư chuyên nghiệp. Tăng cường sự giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm từ các thư viện công cộng cấp trên với thư viện dòng họ. Trao đổi sách giữa các thư viện dòng họ.

Trên thực tế, để tăng số lượng đầu sách, một số dòng họ đã có hình thức quyên góp sách từ nguồn xã hội hóa. Con cháu đi xa về gần thường góp về tủ sách thêm nhiều loại sách báo mới. Hàng năm, vào một dịp nhất định, Quỹ Khuyến học của dòng họ lại trích ra một khoản để làm kinh phí cho việc bổ sung thêm sách báo mới. Đây là một trong những biện pháp tích cực mà các dòng họ đề ra để phát huy truyền thống tốt đẹp.

Nhưng chỉ cố gắng của con cháu trong các dòng họ chưa đủ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tập huấn nghiệp vụ, về nguồn sách… Được biết, Thư viện tỉnh Thái Bình đã cử cán bộ tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách dòng họ cho trên 20 thủ thư với các công việc của hoạt động thư viện. Nhờ đó của các tủ sách dòng họ này đã có điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn. Mới đây, chương trình “Đổi sách điện tử lấy sách in giúp các tủ sách dòng họ nông thôn” diễn ra tại Văn Miếu (Hà Nội) ngày 20/4/2013 là bước khởi đầu giúp việc tìm kiếm nguồn sách dồi dào phong phú.

Đôi khi những thứ ta không cần nữa nhưng lại rất quý đối với người khác. Sách báo lại càng như vậy. Có những cuốn sách nằm lâu trên tủ sách nhà bạn, người thân của bạn muốn gọi người vào “cân giấy vụn” cho rộng nhà thì với vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, những cuốn sách đó là nguồn tri thức lớn lao. Thay vì bạn “cân giấy vụn”, hãy đem nó tặng lại cho các thư viện nông thôn khi họ thực sự cần. Vì vậy chương trình “đổi sách điện tử lấy sách in giúp các dòng họ nông thôn” rất cần được nhân rộng trên nhiều khu đô thị. Hoạt động này không chỉ có trong “Ngày sách và bản quyền thế giới” 23/4 mà cần tổ chức thường niên để tăng nguồn sách cho các thư viện nông thôn, trong đó có Tử sách dòng họ.

Mô hình Tủ sách dòng họ đã và đang được hình thành ở nhiều làng quê Việt Nam. Đó là một mô hình hay, cần khuyến khích bởi không những góp phần nâng cao dân trí, vốn tri thức cho người dân, mà còn góp phần hình thành văn hóa đọc ở các vùng quê. Để mô hình này phát huy ngày càng hiệu quả, ngoài sự chung tay góp sức của các thành viên trong dòng họ, cũng rất cần có một cơ chế cụ thể của ngành văn hóa các địa phương. Có như vậy, mô hình ý nghĩa này mới thực sự được phát huy hiệu quả.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất