Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 26/4/2013 16:56'(GMT+7)

Đọc sách - một nét văn hóa đang mai một!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Số liệu mới nhất, mang tính chính thức của một cơ quan có thẩm quyền cho biết: Theo thống kê hằng năm dựa trên báo cáo của các thư viện, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Ở một đất nước có gần 90 triệu dân, trong đó khoảng 30% là dân thành thị, mà tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng chỉ có 0,38 cuốn, là quá ít ỏi.Với trẻ em, số liệu cho biết các trường vùng nông thôn, các em đọc 0,2- 0,8 cuốn/năm, ở thành phố thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm (ngoài SGK). Trong khi đó, ở Ma-lai-xi-a cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; nhưng vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm. Tức là tăng gấp gần 10 lần.

Có một thực tế là, trước năm 1975, ở nông thôn miền Bắc có rất nhiều các bà các mẹ không biết chữ mà thuộc Kiều, thuộc rất nhiều tục ngữ, ca dao, dân ca. Mỗi buổi lao động làm đồng tập thể thường rất vui bởi người ta hò, hát, kể chuyện…Và đặc biệt là những bà mẹ trẻ ngày ấy thuộc rất nhiều bài hát ru. Những buổi trưa hè đi trong thôn xóm thấy xao xuyến với những lời ru trữ tình, ngọt ngào và êm đềm, sâu lắng. Thế hệ ấy, thời buổi ấy đã đi vào dĩ vãng. Đến hôm nay, chắc là rất khó tìm một bà mẹ trẻ nào thuộc nhiều bài hát ru, chưa nói đến thuộc Kiều! Vì sao? Vì người ta lười đọc.

Các cụ ta dùng từ “nhập tâm” để chỉ những ai có khả năng đọc sách kỹ, thuộc nhanh, thuộc lâu. Như vậy, đọc không chỉ bằng mắt mà còn đọc bằng cách huy động mọi giác quan. Điều này lý giải tại sao các bà, các mẹ ngày trước không biết chữ mà vẫn thuộc Kiều, có người đọc ngược 3.254 câu Kiều. Đấy là nhờ các bà, các mẹ “đọc” trước hết bằng tai, rồi đọc bằng cả tâm hồn mình, đi theo bước đi của cô Kiều, thông cảm, tri âm, đau đớn, vui mừng cùng nhân vật…Hầu như ai có tuổi thiếu niên trước năm 1975 đều có những kỷ niệm bạn bè tranh nhau một cuốn truyện để đọc, đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại đến nỗi sách bị quăn mép, nhàu trang.

Ngày trước người ta sống chậm mà kỹ, ngày nay sống nhanh mà ẩu. Bằng chứng là tội phạm tày trời thường ngày được báo chí nói đến, mà ngày trước làm gì đến nỗi như vậy. Nguyên nhân: Người ta vô cảm. Vô cảm, có một nguyên nhân là không đọc sách!

Các cụ ta dạy rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hiểu theo nghĩa đen, là đi một ngày đường, tức là đi được nhiều nơi thì biết được nhiều thứ. Nhưng câu tục ngữ chủ yếu dạy ta theo nghĩa bóng: Mỗi ngày học một ít, đọc một ít thì sẽ tích lũy được học vấn. Mà học từ sách, đọc từ sách. Thế cho nên, cụ Lê-nin vĩ đại mới nói: “Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Đây là chân lý của muôn đời và muôn người! Không nghi ngờ gì nữa, nước ta còn nghèo, chậm tiến, có một nguyên nhân: Dân ta còn ít đọc sách. Một bộ phận thanh thiếu niên ta hư hỏng, có một nguyên nhân: Họ không chịu đọc sách… Một cảnh thường thấy: Trên các phương tiện giao thông công cộng, ở các nước tiên tiến, thanh niên thường cầm sách đọc; nhưng ở nước ta, thanh niên thường cắm tai nghe vào tai… và ngủ!

Một xã hội tiến bộ là một xã hội học tập. Học tập, trước hết là bằng cách đọc sách! Nhưng muốn đọc sách, trước hết phải có sách. Giá sách hiện nay nói chung là cao. Một cuốn sách trung bình giá 50.000 đồng. Đối với tầng lớp sinh viên, để bỏ tiền ra mua một cuốn sách với cái giá ấy là một sự băn khoăn không nhỏ. Nhà nước cần có chính sách trợ giá. Thị phần sách hiện nay hầu như tập trung ở các thành phố, thị xã. Ở nông thôn, có nhà văn hóa nhưng thực tế có rất ít, hoặc không có sách. Cần có các chính sách xã hội hóa kêu gọi ủng hộ đầu tư mua sách cho bà con, cho các cháu thiếu nhi. Tại sao không quan tâm thiết thực đến đời sống tinh thần đang có nhu cầu học hỏi cái mới của con người?

Sách là người bạn không bao giờ phản bội. Đấy là nói tới sách tốt, sách hay, sách có ích. Nghĩa là phải biết chọn bạn mà chơi cũng như chọn sách mà đọc. Có những loại sách in ra chỉ làm xói mòn nhân cách con người.

Do vậy, Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ đầu ra của các nhà xuất bản; các cơ quan chức năng có lực lượng phê bình sách nên có tiếng nói trọng lượng hơn, thuyết phục hơn trong việc chọn sách giúp người đọc!./.

Thu Giang (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất