Những đoàn quân nối dài trùng điệp, bụi bazan phủ kín mặt mũi, những tiếng reo
vang ngày đại thắng… Từng ấy hình ảnh về những ngày tháng Tư lịch sử vẫn chưa
bao giờ nhạt phai trong tâm thức Thượng tướng-Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.
Gần bốn thập kỷ đã qua đi, trong không gian bình dị và thanh thản của một buổi
chiều mùa hạ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chậm rãi ôn lại những kỷ niệm về cuộc
hành quân thần tốc, trận đánh quyết tử đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của
quân Ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chỉ lộ hai
khóe mắt!
Bên khung cửa sổ, với nụ cười hiền hậu, Thượng tướng
Nguyễn Huy Hiệu trầm ngâm: “Mới đó mà đã 38 năm trôi qua! Tôi còn nhớ như in
ngày nào cả Trung đoàn 27 Triệu Hải hành quân vượt 1.700 kilômét hướng về miền
Nam ruột thịt.”
Ngày đó, ông là Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27
thuộc Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng) - Quân đoàn cơ động đầu tiên của quân
đội ta.
Thượng tướng kể, ngày 16/3/1975, Trung đoàn 27 đang thực hiện
nhiệm vụ đắp đê ở Ninh Bình thì được lệnh hành quân thần tốc bằng tất cả các
phương tiện vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 18/3 năm đó, cả Trung
đoàn lên đường.
“Bên tai lúc nào cũng văng vẳng mật lệnh của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp: ‘Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh
thủ từng phút, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và
toàn thắng.’ Ngày đó, tôi 28 tuổi.
Không khi nào tôi quên được không
khí khẩn trương, những bước chân rầm rập của bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh
những ngày ấy. Ngày đầu Trung đoàn đi được 150 kilômét, ngày sau tăng dần
150-200 kilômét, có ngày đạt kỷ lục 300 kilômét,” Thượng tướng nói, ánh mắt rạng
ngời niềm tự hào.
Ký ức ùa về, ông kể lại câu chuyện về một thời gian khó
nhưng anh hùng cho lớp trẻ nghe, giọng đầy hào hứng: “Trường Sơn ‘bên nắng đốt,
bên mưa dầm.’ Từng đoàn người và xe nối hàng dài trùng trùng điệp điệp, hành
quân không nghỉ. Đường đất đỏ, những ngày nắng, bụi phủ ngập không gian; những
ngày mưa, bùn lầy ngập tới nửa bánh xe.”
Trong hồi ức của vị tướng già,
khi ấy, trên gương mặt mỗi chiến sỹ chỉ còn lộ hai khóe mắt; còn lại tất cả đều
phủ bụi đỏ bazan. “Cháu biết không, chỉ khi ăn, các chiến sỹ mới lấy tay chùi
qua cái miệng đi thôi, tuyệt đối không được dụi mắt vì nếu bụi đó dính vào, rất
dễ làm hỏng mắt,” hướng ánh nhìn đầy bao dung về phía người trẻ ngồi đối diện,
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu giải thích.
Đêm 26/3/1975, Trung đoàn 27 đến
Huế khi thành phố này vừa được giải phóng. Sau đó, cả Trung đoàn quay ra Đông Hà
(Quảng Trị) nhận nhiệm vụ mới.
Đến ngày 4/4/1975, Trung đoàn được lệnh
xuất phát theo đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn nhằm hướng Nam thẳng
tiến.
Trận đánh quyết tử
“Trong chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử, Trung đoàn tôi được giao nhiệm vụ đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc
theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình và các cây cầu trọng yếu, bằng mọi giá
phải mở được cánh cửa phía Bắc để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn,”
người chỉ huy năm xưa nhớ lại.
Cuộc hành quân luồn sâu trong lòng địch
diễn ra với nhiều khó khăn. “Còn nhớ, khi đi đến đèo Bun, tôi đã phải huy động
cả một đại đội xuống mở một con đường vòng để tránh đụng độ với địch,” Thượng
tướng Nguyễn Huy Hiệu cho hay.
Những năm tháng quá khứ như cuốn phim
quay chậm mở ra trước mắt người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông kể:
“Để đến được chốt tử thủ của quân ngụỵ, trên đường đi, đơn vị đã đánh tan mặt
trận pháo địch ở Biên Hòa, đập tan hai đại đội bảo an của địch ở Thuần Giáo,
chốt vòng ngoài Lái Thiêu-Bình Dương.”
Tất cả đều diễn ra với một nhịp độ
khẩn trương, sục sôi khí thế cách mạng. Đến 17 giờ ngày 29/4, Trung đoàn 27 dừng
lại ở ngã tư Búng, chuẩn bị tấn công địch ở Lái Thiêu (Bình Dương).
Theo
lời kể của Thượng tướng, cả đơn vị hừng hực khí thế, biết chắc rằng sắp giải
phóng hoàn toàn miền Nam rồi, toàn thắng sắp về ta rồi! “Lúc đó, dường như ai
cũng mong chờ trời sáng để được ra trận! Những ánh mắt rạng ngời như muốn lan
truyền niềm tin và sức mạnh cho nhau; những cái nắm tay thật chặt để thể hiện
quyết tâm chiến đấu,” Tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi tưởng.
Đúng 5 giờ sáng
ngày 30/4/1975, Trung đoàn 27 phát lệnh tấn công. Nhớ lại trận đánh quyết tử ấy,
Thượng tướng bồi hồi xúc động: “Địch bị đánh bất ngờ, dẫn đến tình trạng hoảng
loạn, vỡ trận nhanh chóng. Sau hai tiếng chiến đấu liên tục, cánh cửa phía Bắc
Sài Gòn mở rộng, đội hình xe tăng, thiết giáp bộ binh cơ giới của ta tiến thẳng
qua Lái Thiêu, hướng về Sài Gòn.”
“Sẽ không bao giờ tôi quên hình ảnh Đại
đội trưởng Hoàng Thọ Mạc khi đó. Anh cầm khẩu B40 nhảy xuống khỏi xe chỉ huy,
bắn cháy xe bọc thép của địch. Đến lúc bị trúng đạn, anh vẫn xách súng lao lên.
Bất ngờ, một tiếng nổ vang trời, xe của anh bị bắn cháy, anh xô ngã người đồng
đội rồi nằm đè lên. Khói đạn phủ kín hai người. Đến phút cuối, anh vẫn cố gắng
che chở cho đồng đội. Hòa bình ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng bao xương máu
của chiến sỹ, đồng bào ta,” hướng ánh nhìn xa xăm, giọng trầm ngâm, Thượng tướng
chia sẻ.
Thời khắc lịch sử
Mất chỗ dựa, quân địch
trên chốt giữ trên cầu Vĩnh Bình đầu hàng. Vượt qua cầu, cả Trung đoàn vỡ òa
niềm hạnh phúc khi nhìn thấy tấm biển chỉ đường “Sài Gòn 10km.” Không khí cách
mạng sục sôi, rền vang tiếng nổ của các loại đạn cỡ lớn.
Thừa thắng xông
lên, “khoảng 9 giờ 30 sáng ngày hôm đó, Trung đoàn 27 đánh thẳng vào Bộ tư lệnh
Thiết giáp-một trong những đơn bị trọng yếu của địch. Các xạ thủ B40, B41vượt
qua làn đạn, xông thẳng đội hình xe tăng địch. Quân địch bất ngờ trước lối đánh
táo bạo, cảm tử của ta nên quay đầu tháo chạy,” Thượng tướng nói giọng quả
quyết, bàn tay nắm chặt như một lần nữa khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến
đấu của quân đội ta.
Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu khi
đó ra lệnh cho bộ binh, xe tăng tiến thẳng vào. Địch chống cự rất yếu ớt rồi
nhanh chóng đầu hàng.
Lá cờ quân giải phóng tung bay trên cột cờ Bộ tư
lệnh Thiết giáp của quân Ngụy. “Cùng thời điểm trưa hôm đó, lá cờ chiến thắng
của quân ta được kéo lên dinh Độc lập và nhiều nơi khác ở Sài Gòn. Cả thành phố
ngập sắc cờ đỏ sao vàng, những nụ cười rạng rỡ và những giọt nước mắt hạnh phúc
lăn dài trên má chiến sỹ, đồng bào. Những tiếng reo ‘Thắng rồi,’ ‘Giải phóng
rồi’ vang lên khắp nơi,” Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bồi hồi nhớ
lại.
Nghe câu chuyện xúc động của vị tướng già lão thành, tôi bỗng nhớ
tới lời hát “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” trong ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui
đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Giữa thời bình hôm nay, những câu chuyện, bài
hát về ngày giải phóng ấy vẫn cứ vang ngân, nhắc nhớ về một thời kỳ “lửa và hoa”
hào hùng của dân tộc./.
Phương Mai
(Vietnam+)