Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 4/5/2013 23:6'(GMT+7)

Để thơ Đường luật Việt Nam còn mãi

Ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VIII.

Ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VIII.

Trong quá trình giao thoa văn hóa của thế giới, có nhiều nền văn hóa của nước này được nước khác tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo và được chuyển hóa như một nền văn hóa độc đáo của dân tộc. Ở Việt Nam, chữ Hán nôm là một điển hình mà trí thức Đại Việt đã tiếp thu sáng tạo từ chữ Hán của Trung Quốc. Thơ Đường luật cũng là một loại hình văn hóa được ứng dụng uyển chuyển từ thể thơ Đường luật của Trung Quốc vào Việt Nam từ rất sớm và dần dần trở thành mạch nguồn thi ca của dân tộc ta, làm cho thơ quốc âm của nước ta ngày càng phong phú và có sức sống chan chứa đến tận ngày nay. 


Không phải ngẫu hứng, hay chỉ dành cho sự đam mê của những người yêu thích dòng thơ Đường luật mà trong thời gian gần mười năm trở lại đây, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên tiêu, (15 tháng giêng) Hội thơ Đường luật Việt Nam lại sôi nổi tổ chức Ngày hội để giao lưu thơ và trao đổi học thuật về thơ Đường luật. Cái cốt yếu sâu xa của Hội thơ là để nhằm kế thừa sáng tạo mạch nguồn thi ca, một di sản văn hoá quý báu của cha ông ta đã để lại. Từ năm 2006 đến nay, Hội thơ Đường luật Việt nam đã 8 lần liên tục tổ chức Ngày hội thơ Đường tại Văn Miếu Quốc tử Giám (Hà Nội), Thành phố Bắc Giang (Bắc Giang), Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà), Thành phố Hồ Chí Minh và năm nay, ngày 17-3 vừa qua,  Hội thơ Đường Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Thanh Hoá tổ chức Ngày Hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VIII năm 2013 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thanh Hoá. Đó là những minh chứng cho sức sống đầy ắp giá trị văn hóa, nhân văn của dòng thơ Đường luật. Dù ở đâu, ở vùng miền nào của đất nước thì ngày hội thơ Đường cũng được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhằm tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa của một thể thơ đã được cha ông ta tiếp thu sáng tạo và dày công vun đắp, gìn giữ từ hàng nghìn năm nay - trở thành ngày hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam
.


Đến dự ngày Hội thơ Đường toàn quốc mỗi năm, con số hội viên và các chi hội thơ Đường ngày càng nhiều thêm. Nhất là năm 2013 không chỉ có đông đảo hơn 500 nhà thơ đại diện cho 75 Chi hội thơ Đường của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Hà Giang, Quảng Ninh đến Cần Thơ, Cà Mau mà còn có nhiều người yêu thơ là những cán bộ hưu trí hoặc đương chức, chẳng quản đường xa, tuổi cao, hăng hái đến Hội thơ với niềm đam mê và phấn khởi. Điều đó khiến cho ngày hội không chỉ đông vui, hoành tráng mà còn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc cho công chúng yêu thơ của địa phương.


Thể thơ Đường luật du nhập và phát triển ở Việt Nam từ thuở Đại Việt do ảnh hưởng của nền văn hoá Hán tộc. Những vị thiền sư, những trí thức nho học của nước Đại Việt đã sử dụng và phát triển thơ Đường lên đỉnh cao như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Quách Tấn, Tản Đà... Đặc biệt cao quý và rạng rỡ cho hồn thơ Đường luật của Việt Nam là tập thơ Đường “Nhật ký trong tù” và bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đất nước ta, dân tộc ta với truyền thống hàng nghìn năm lịch sử từ thuở hồng hoang đến suốt thời kỳ văn minh lúa nước, ngày nay là thời đại Hồ Chí Minh đang vươn mình đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, dẫu trải qua những thời kỳ biến thiên của lịch sử, dù là sử dụng ngôn ngữ Hán, ngôn ngữ Nôm hay ngôn ngữ tiếng Việt, nhân dân ta vẫn luôn luôn tôn trọng và nâng niu giữ gìn, bảo tồn và phát triển thơ ca truyền thống. Thể loại thơ phong phú và phổ biến nhất là thơ lục bát và thơ Đường luật. Thơ Lục bát bình dân, dung dị và phổ cập trong tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động với "muôn hồng nghìn tía" của ca dao tục ngữ, đến đỉnh cao là tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du. Thơ Đường luật nghiêm ngặt về cú pháp, niêm luật đối xứng, khuôn phép, triết tự, cô đúc đặc biệt mà trước đây chỉ có tầng lớp trí thức, nho sĩ, quan lại đam mê sáng tác và ngâm vịnh.


Trải qua gần nghìn năm lịch sử, tuy có lúc thăng trầm, thậm chí có thời kỳ bị lãng quên bởi nền văn hoá Âu - Tây tràn ngập trên đất nước ta và phong trào thơ mới đua nhau thịnh hành, song, với khát vọng cháy bỏng của những người yêu thể thơ Đường luật, thơ Đường luật đã được phục hồi, làm sống lại và phát triển đến bất ngờ như ngày nay trong mạch nguồn thi ca đất Việt. Nhiều câu thơ, bài thơ Đường luật đã làm say đắm lòng người, vững vàng "thi gan" cùng với dòng chảy của thi ca Việt Nam mà không hề bị lạc hậu. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét: “Thơ Đường là nền thơ ca vào hạng lớn nhất của thi ca nhân loại. Các nền thơ khác chỉ trội riêng từng mặt, còn thơ Đường thì được toàn bộ tình, ý, nhạc, hình ảnh, triết lý… Cái gì thơ Đường cũng nổi trội và đứng đầu, vì thế thơ Đường dẫu có lúc bị lãng quên nhưng vẫn sống mãi với thời gian”.


Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc, vào mùa Xuân năm Mậu Tý 1948, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ Đường thể thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng có tựa đề: “Nguyên tiêu'':

                               “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

                              Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên

                              Yên ba thâm xứ đàm quân sự

                              Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Nhà thơ, nhà báo Xuân Thủy, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã dịch bài thơ của Bác Hồ và chuyển thành thể thơ lục bát như sau:

                               Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)

                               Rằm xuân lồng lộng trăng soi

                      Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

                               Giữa dòng bàn bạc việc quân

                      Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

“Nguyên tiêu” là một bài thơ tuyệt tác của nhà thơ Hồ Chí Minh. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới những chiến công và niềm vui thắng trận của quân và dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tại một cuộc hội thảo lớn về thơ Đường luật ngày 26/4/2012 do Hội thơ Đường Việt Nam tổ chức, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hoá, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã nêu triết lý Việt hoá về thơ Đường rằng: “Đây là thơ Việt Nam, thể hiện tâm hồn Việt Nam, cảm xúc Việt Nam và phản ánh hiện thực Việt Nam. Còn về kỹ thuật chỉ sử dụng thể loại tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú thời Đường, dù là viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm... nhưng đều là thơ Đường Việt Nam”. Trong lễ trao quyết định về tiếp nhận Hội thơ Đường luật Việt Nam vào Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam ngày 1-12-2012, ngài Đại sứ Ru-ma-ni, Ve-nen-rui A-tem đã phát biểu “Mặc dù thơ Đường sinh ra ở đất nước Trung Hoa, nhưng tại Việt Nam, các bạn đã giữ gìn, phát triển và thăng hoa nó lên một tầm cao mới. Thơ Đường luật chính là di sản phi vật thể của nhân loại”.


Trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam, thơ ca như một vườn hoa mênh mang muôn vàn mầu sắc với các thể loại ca dao, tục ngữ, câu đố, câu đối, thơ song thất lục bát, thơ tự do và thơ Đường luật. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, có ánh sáng đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thơ Đường luật được hồi sinh, như nhà thơ Bằng Việt đã khẳng định: “Thơ Đường của chúng ta mang sức sống như ngày hôm nay, mang tính dân chủ hoá và đại chúng hoá của thời đại Hồ Chí Minh, thơ Đường luật Việt Nam chắc chắn còn tiếp tục phát triển và vươn tới những tầm cao mới”. Nếu ngày xưa, thơ Đường chủ yếu do các nhà nho sáng tác, ngâm vịnh, xướng hoạ thì ngày nay thơ Đường lại dấy lên từ phong trào quần chúng, từ đời sống bình dân, lan toả ra các vùng nông thôn, miền núi, các đô thị. Tác giả là nhà giáo, cán bộ về hưu, cựu chiến binh, cựu giáo chức, nông dân, công nhân, người lao động bình thường sáng tác, xướng hoạ, ngâm vịnh, nhiều cụ tuổi đã cao nhưng vẫn tự biên tập, tự xuất bản rồi biếu tặng người thân những tập thơ chân chất, mộc mạc nhưng thắm đượm tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.


Từ một số ít người có tâm huyết với thơ Đường buổi ban đầu, đến nay Hội thơ Đường luật Việt Nam đã có tổ chức hoạt động ở hơn 54 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 2.500 hội viên, phần lớn là những trí thức, cựu giáo chức, các cựu chiến binh, cán bộ trung, cao cấp trong và ngoài quân đội đã nghỉ hưu và những người yêu mến thơ Đường được tập hợp trong 75 Chi hội, Chi nhánh trong toàn quốc, đứng đầu là vùng quê Xứ Thanh với hơn 170 hội viên. Hàng năm, Hội thơ Đường luật Việt Nam vẫn giữ nề nếp ngày hội Thơ Đường toàn quốc, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm về học thuật và kỹ năng sáng tác cho hội viên nhằm không ngừng nâng cao hiểu biết về Thơ Đường, một thể thơ vừa lạ mà quen - quen mà lạ, góp phần làm cho thơ Đường luật Việt Nam thực sự có một lối sống mới, một tâm thế mới của một thời đại mới để truyền lửa và truyền sinh lực mới vào từng câu “đề, thực, luận, kết” vốn vẫn bất biến trong thơ Đường từ hàng ngàn năm nay.


Hầu hết các chi hội thơ Đường ở các địa phương trong nước được cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban, ngành quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và phát triển thơ Đường, làm phong phú đời sống văn hoá của nhân dân, góp phần phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương và đóng góp vào kho tàng văn học của nước nhà. Tại ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VIII năm nay, tuyển tập "Thơ Đường luật Việt Nam - tập VIII" đã được xuất bản và giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu thơ Đường luật toàn quốc. Đây là một tập thơ thể hiện đầy đủ các khía cạnh của cuộc sống, trong đó tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được đặt lên hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.


Trong ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VIII tại Thanh Hoá vừa qua, PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương, trong phát biểu chào mừng, đã nêu rõ: Thơ Đường luật Việt Nam tiếp nối từ dòng chảy thi ca truyền thống dân tộc. Nhiều tác phẩm thơ Đường đã chứa đựng tình yêu thương con người, vợ chồng, gia đình, làng xóm, cộng đồng, cao hơn cả là tình yêu Tổ quốc, nhất là những bài thơ viết về Hoàng Sa, Trường Sa luôn dâng trào cảm xúc cao cả cùng với trách nhiệm thiêng liêng của toàn quân và toàn dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương
mong muốn những người yêu thơ, các hội viên Hội thơ Đường luật Việt Nam tiếp tục nêu cao vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, xung phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống cùng các biểu hiện tiêu cực khác, góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng như việc nâng cao chất lượng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới./.


Khương Bá Tuân

Hội viên Hội thơ Đường luật Việt Nam


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất