Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 11/5/2013 11:10'(GMT+7)

Đừng quá "thận trọng" với đãi ngộ nghệ nhân

Cụ Hà Thị Cầu, một trong những nghệ nhân đã ra đi trước khi được hỗ trợ

Cụ Hà Thị Cầu, một trong những nghệ nhân đã ra đi trước khi được hỗ trợ

Đến giờ, vẫn chưa có một văn bản pháp lý cấp nhà nước nào được thông qua đề cập đến chế độ đãi ngộ với nghệ nhân dân gian. Nhiều nghệ nhân đã về với thế giới bên kia khi chưa kịp nhận bất cứ chính sách nào.

Vấn đề chế độ đãi ngộ nghệ nhân dân gian luôn được đề cập trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đối với nghệ nhân thuộc lĩnh vực các loại hình nghệ thuật truyền khẩu, đến giờ, vẫn chưa có sự công nhận chính thức từ nhà nước. Từ năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian có sáng kiến tôn vinh những nghệ nhân thuộc lĩnh vực này. Nhưng Hội Văn nghệ dân gian là một tổ chức nghề nghiệp - xã hội, sau vinh danh, Hội hoàn toàn không có kinh phí hỗ trợ, ngoài một khoản tiền làm quà tặng mang tính tượng trưng khi trao bằng công nhận danh hiệu. Không có kinh phí, Hội cũng rất khó khăn trong việc khai thác, phát huy tài năng, trí tuệ của nghệ nhân.

Năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi các địa phương đề nghị kê khai danh sách nghệ nhân chuẩn bị cho đợt phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đợt đầu tiên trong năm 2010. Nhưng hiện vẫn chưa nghệ nhân nào nhận được vinh dự ấy. Bởi giờ này Nghị định Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghị định ấy vẫn nằm ở dạng đang là dự thảo, chưa biết khi nào mới được thông qua. Không được công nhận chính thức cũng có nghĩa, các nghệ nhân không nhận được bất kỳ chế độ đãi ngộ nào. Trong khi đó, đời sống vật chất của nhiều nghệ nhân rất khó khăn, nhiều nghệ nhân cao tuổi đau yếu, bệnh tật mà không có bảo hiểm y tế. Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời trong khó khăn, túng bấn về kinh tế hồi đầu năm nay vẫn là điều khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Trong khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn đang loay hoay với những tiêu chuẩn để phong tặng Nghệ nhân dân gian thì những ngày qua, các nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đón nhận tin vui khi HĐND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011-2016 đã bàn và thống nhất thông qua "Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh". Việc làm này mang ý nghĩa hết sức thiết thực. Nghệ nhân không chỉ được tôn vinh, mà còn được chăm sóc một cách thiết thực cả về vật chất và tinh thần. Đồng thời, đây cũng là việc cần thiết để bảo vệ, phát huy dân ca quan họ - Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Hoàn cảnh của những nghệ nhân của miền quan họ Kinh Bắc có thể coi là điển hình cho đội ngũ nghệ nhân dân gian nói chung. Họ đều xuất thân từ những làng quê, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Khi cao tuổi, các cụ hoàn toàn phải nương tựa vào con cái. Nếu may mắn, con cái có điều kiện kinh tế, đời sống các cụ mới đỡ phần vất vả. Còn nếu ngược lại, chắc rằng ai cũng hiểu cuộc sống các cụ thế nào... Khi cuộc sống còn khó khăn, làm sao các cụ có thể yên tâm trao truyền bí quyết, vốn liếng mà mình đang giữ cho thế hệ trẻ? Làm sao thế hệ trẻ dám học hát quan họ khi nhìn vào tấm gương của các cụ?

Năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh" (đợt 1) cho 41 nghệ nhân quan họ tiêu biểu, kèm theo số tiền 5 triệu đồng mỗi nghệ nhân. Nhiều người bảo rằng, giờ đây các cụ đã có "lương" khi mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu. Các cụ được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân trên địa bàn. Nếu Nhà nước không có chế độ đãi ngộ (mức trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí…) thì những nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu cũng sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh với mức trợ cấp hàng tháng bằng hai lần mức lương tối thiểu và các chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí.

Mặc dù là địa phương đi đầu trong xây dựng chế độ đãi ngộ với nghệ nhân, nhưng đến nay, khi Quy chế đãi ngộ được thông qua, cũng chỉ còn 37 nghệ nhân quan họ của Bắc Ninh được nhận. Bốn cụ đã ra đi trong thời gian qua. Với mức đãi ngộ hàng tháng tương đương một tháng lương tối thiểu, có thể thấy, cho dù trên địa bàn có hàng trăm nghệ nhân đi chăng nữa, số tiền một địa phương chi cho việc đãi ngộ các nghệ nhân không lớn so với ngân sách của cả một tỉnh. Nhưng, nó lại có ý nghĩa lớn lao trong động viên nghệ nhân, trong thúc đẩy bảo tồn văn hoá dân tộc.

Trong khi chờ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, từ kinh nghiệm của Bắc Ninh, các địa phương khác hoàn toàn có thể áp dụng trên địa bàn mình. Đừng quá "thận trọng". Bởi các cụ đều đã gần đất, xa trời...

  Theo Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất