Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 18/6/2012 14:10'(GMT+7)

Văn hóa ứng xử của nhà báo

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Chưa bàn đến những hành vi lợi dụng nghề nghiệp để làm việc bất lương, vi phạm pháp luật của một số nhà báo; chỉ riêng thái độ ứng xử của nhà báo với đối tượng tác nghiệp và môi trường xung quanh cũng có những chuyện đáng bàn.

Dễ bắt gặp nhất là trong các cuộc họp báo. Không hiểu vì lý do gì mà trong lúc những người chủ trì cuộc họp thể hiện thái độ trân trọng, khi phát biểu thì đứng lên, lời nói nhã nhặn, lịch sự… thì lại có những phóng viên chỉ đáng tuổi con, cháu… khi chất vấn, đặt câu hỏi phỏng vấn cứ ngồi lì một chỗ, đặt câu hỏi cộc lốc, thậm chí còn thể hiện sự xấc xược, cứ như mình là kẻ bề trên. Chuyện phóng viên mặc quần soóc, áo thun, váy ngủ… đi họp báo không còn là chuyện hiếm. Khi đến cơ sở, sự đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi một cách thái quá cũng là chuyện xảy ra với không ít phóng viên. Những biểu hiện ấy phần nào đó làm méo mó hình ảnh nhà báo trong công chúng.

Điều gì khiến một bộ phận người làm báo, nhất là những người trẻ tự cho mình cái quyền được phê phán, được đòi hỏi, tự đặt mình lên trên người khác? Thực trạng này xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp. Trong quan niệm của công chúng, nghề báo là nghề luôn được xã hội trân trọng. Vì non kém bản lĩnh, thiếu hụt kỹ năng đạo đức nghề nghiệp nên một số nhà báo đã ngộ nhận bản thân, dẫn đến có hành vi thiếu chuẩn mực. Trên thực tế, đạo đức nghề nghiệp không tách rời những giá trị văn hóa và truyền thống của quốc gia, dân tộc hay mỗi địa phương và cộng đồng dân cư. Nhà báo trong khi tác nghiệp cần hiểu biết và tôn trọng phong tục tập quán, phong cách ứng xử, cử chỉ, lời nói theo những chuẩn mực chung.

Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh hành vi của nhà báo khi hành vi ấy có biểu hiện vi phạm pháp luật. Còn những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của nhà báo thì sao? Việc điều chỉnh chỉ có thể can thiệp bằng đạo đức nghề nghiệp và dư luận xã hội, thái độ phê bình của đồng nghiệp. Hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của nhà báo không hiếm, nhưng thực tế lại rất hiếm những góp ý, phê bình từ đồng nghiệp. Ngại va chạm, né tránh đấu tranh phê bình và tự phê bình, mải mê lo việc chuyên môn, xao nhãng trau dồi văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng “việc ai nấy làm, chuyện ai nấy lo” trong đời sống báo giới và ngay trong mỗi cơ quan báo chí dù không phổ biến nhưng cũng không hiếm.

Nhà báo cũng là người của công chúng. Mọi biểu hiện, hành vi ứng xử của nhà báo đều có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng, xã hội.

Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay đúng dịp Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền đường lối, Nghị quyết của Đảng đến với toàn dân; dịp này chính là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên nêu cao tính Đảng trong môi trường công tác. Niềm tin của Đảng, Nhà nước và sự ưu ái của xã hội đã tạo cho nghề báo, nhà báo một giá trị đặc thù mà không phải ngành nghề nào cũng có được. Tính đặc thù ấy đòi hỏi bản thân từng nhà báo phải luôn luôn ý thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, vị trí xã hội của mình, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, văn hóa nghề nghiệp để hoàn thiện bản thân; tích cực góp ý, phê bình đồng nghiệp để cùng tiến bộ, xây dựng và củng cố hình ảnh cao đẹp của nhà báo, nghề báo.

Phan Tùng Sơn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất