Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 22/6/2012 18:42'(GMT+7)

Cử tri tin tưởng và hy vọng

Đặc biệt, trong hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp, nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành đã được các thành viên Chính phủ nghiêm túc giải trình trước Quốc hội, trước cử tri. Các đại biểu Quốc hội cũng đã xem xét và thông qua Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nghị quyết giao ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội Quy chế về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2012), trong đó quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả.

Cử tri đánh giá cao những cải tiến, đổi mới của Quốc hội trong những kỳ họp gần đây, nhất là những cải tiến, đổi mới trong hoạt động giám sát, chất vấn... Tuy nhiên, để các đạo luật của Quốc hội ngày càng sát thực hơn với cuộc sống; những vấn đề đặt lên bàn nghị sự ngày càng gần gũi với cuộc sống thường ngày của người dân, cử tri mong muốn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục thường xuyên lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Những cải tiến, đổi mới của Quốc hội đã đem lại cho cử tri niềm tin tưởng về một Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ, cởi mở và gần gũi với cuộc sống thường ngày của người dân. Thế nhưng, nhiều cử tri vẫn mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn tập trung hơn, đi đến tận cùng vấn đề và yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời rõ ràng hơn những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế -xã hội. Các đại biểu Quốc hội cần công khai địa chỉ cơ quan, nhà ở, thư điện tử để cử tri có thể phản ánh nhanh nhất các ý kiến, kiến nghị của mình. Trong thời gian Quốc hội chất vấn, nên có bộ phận tổng hợp các ý kiến của cử tri để mọi người đều “cùng nhịp đập trái tim” với các đại biểu Quốc hội.

Điều quan trọng mà các cử tri chờ đợi và hy vọng là các vấn đề mà Quốc hội xem xét quyết định trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII sẽ đi vào cuộc sống thường nhật của người dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý cho hàng loạt các vấn đề kinh tế -xã hội mà người dân quan tâm như việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; bảo hiểm tiền gửi; tái cơ cấu nền kinh tế; xử lý vi phạm hành chính; quảng cáo; giải quyết tranh chấp lao động… Các thành viên Chính phủ sẽ thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội và xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra như thế nào?

Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội của Việt Nam quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ làm tròn trách nhiệm cao cả này./.

(Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất