Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 25/6/2012 13:8'(GMT+7)

Cần hiểu đúng quy định về sở hữu, sử dụng đất đai trong Hiến pháp

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Ở Việt Nam, bản chất Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Vì vậy, Điều 17, Hiến pháp năm 1992 đã xác định “Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”. Trong Điều 18 của Hiến pháp cũng đã xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất đai: “Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất, chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật”.

Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã cụ thể hóa các nguyên tắc, quan điểm về quản lý đất đai trong Hiến pháp để các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội; doanh nghiệp và người dân thực hiện.

Gần đây, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã nảy sinh nhiều bất cập, nhất là quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; thị trường bất động sản còn bộc lộ nhiều yếu kém, không ổn định, phát triển thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" khá phổ biến; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...

Nguyên nhân dẫn đến sự bất cập, yếu kém trong công tác quản lý đất đai có nhiều, trong đó có nguyên nhân một số quy định trong Luật Đất đai không còn phù hợp. Chính vì lẽ đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhất trí phải khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế cuộc sống, giải quyết những vướng mắc về đất đai, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Thực tế dự thảo Luật Đất đai mới đã được soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét vào năm tới.

Nhân việc sửa đổi Luật Đất đai và sửa đổi Hiến pháp, một số người đã lên tiếng cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về đất đai trong Hiến pháp, trong đó “vấn đề mấu chốt là phải sửa đổi quy định về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Mọi ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp đều được Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp trân trọng ghi nhận. Tuy nhiên, ý kiến nói trên lại kèm theo những ẩn ý khác, có thể cản trở đến con đường đã lựa chọn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trước hết, phải khẳng định rằng, Hiến pháp năm 1992 đã đi qua chặng đường 20 năm. Cho đến thời điểm này, có những quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung những gì và như thế nào, đòi hỏi phải có quan điểm và phương pháp tư tưởng đúng đắn, khoa học, biện chứng, xuất phát từ yêu cầu phát triển và thực tiễn của đất nước. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp mới phải tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp, trong đó có quy định về sở hữu đất đai. Phải mất mấy chục năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ, chịu tổn thất nhiều hy sinh, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Thực tế đã chứng minh đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý mới phát huy được nguồn lực từ đất đai và có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây, sau khi đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc những vấn đề liên quan đến đất đai, đã nhất trí tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời đưa ra nhiều chủ trương, định hướng mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai như phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo quy định của pháp luật; tái định cư, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi... Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nhất trí xác định: Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn; được có một số quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp...) theo quy định của pháp luật và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có sự phân biệt các loại đất và nguồn gốc đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về đất đai, phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp...

Như vậy, những nguyên tắc về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra đã khá rõ ràng và phù hợp với lợi ích của quốc gia, lợi ích chính đáng của nhân dân. Những định hướng nói trên sẽ được thể hiện trong Luật Đất đai mới và các văn bản dưới Luật, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay trong công tác quản lý đất đai.

Hiến pháp là đạo luật gốc, giữ vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật và thể hiện ý chí của nhân dân trong một quốc gia, vì vậy nguyên tắc: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý cần phải được thể hiện trong Hiến pháp mới./.

(Hằng Nga/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất