Bộ KHCN cũng đã có chủ trương từ tháng 6 - 8/2012 sẽ thanh tra trên diện rộng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Chủ trương này đã được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trước.
Cả năm trời qua, nhiều vụ cháy nổ xe máy, ô tô khiến người dân hoang mang, lo lắng. Những kết quả nghiên cứu của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ xe có sự “lệch pha” càng gây khó hiểu cho người dân.
Đặc biệt, tối 17/6, khi trả lời trên VTV1 (Đài THVN), Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, khi Nhà nước tăng cường thanh tra kiểm tra, số vụ cháy nổ ô tô, xe máy đã giảm đi rõ rệt.
Bộ KHCN cũng đã có chủ trương từ tháng 6 - 8/2012 sẽ thanh tra trên diện rộng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Chủ trương này đã được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trước.
Nhấn mạnh việc thanh tra cần phải công khai minh bạch, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Chúng ta công bố công khai như vậy để các doanh nghiệp tự điều chỉnh nếu họ có hành vi gian lận. Và nếu như họ bị phát hiện, xử lý thì họ phải “tâm phục khẩu phục” vì chúng ta đã thông báo trước”.
Mặc dù Bộ trưởng có giải thích thêm rằng, “việc thanh tra, kiểm tra không chỉ có trên diện rộng mà chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm”, nhưng chắc chắn dư luận sẽ lo ngại rằng, việc tuyên bố thanh tra công khai như thế sẽ khiến cho các doanh nghiệp và các đại lý kinh doanh xăng dầu có biện pháp đối phó.
Nhớ lại mấy năm trước đây, nước ta từng phát hiện hàng loạt cây xăng có gắn thiết bị hỗ trợ gian lận. Sự phanh phui đó đã khiến người tiêu dùng giật mình và cảnh giác hơn khi đi mua xăng.
Lúc đó nhiều vị chức sắc đã trả lời trên báo chí, than rằng, các chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ răn đe và ngăn chặn. Họ cũng ta thán về bất hợp lý của quy định thanh tra cây xăng là "khi thanh tra phải báo trước một tuần và mỗi cây xăng chỉ bị kiểm tra một lần/năm" (!).
Còn hiện tại, mặc dù xăng vẫn còn đang là đối tượng nghi vấn trong cuộc truy lùng thủ phạm gây cháy xe, nhưng đích thân Bộ trưởng Quân đã khẳng định: “Lượng xăng A83 tiêu thụ trên thị trường vừa qua nhiều một cách không bình thường. Vì thế, chắc chắn có hiện tượng gian lận trong việc pha thêm phụ gia vào xăng A83 để bán với giá của A92 và A95”.
Rõ ràng, sau bao năm, nhiều sai phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu không thể phủ nhận, và những mánh khoé gian lận, vi phạm đã tăng lên, tinh vi hơn. Nhưng phương thức thanh tra đơn vị kinh doanh xăng dầu vẫn còn tồn tại kiểu “thanh tra báo trước”. Cách làm này, dù theo quy định nào chăng nữa, cũng đang hiện rõ sự vô lý. Bởi đi thanh tra, kiểm tra mà báo trước khác nào “đánh rắn động cỏ”!.
Khi đã biết trước sẽ có đợt thanh tra, chắc chắn đơn vị kinh doanh, cửa hàng xăng dầu sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định trong thời gian thanh tra. Còn sau khi đợt thanh tra, khi đoàn thanh tra đi, ai dám khẳng định họ sẽ “tâm phục khẩu phục” để làm ăn chân chính hay lại “ngựa quen đường cũ”?
Cho dù nhà chức trách, vì phải chấp hành quy định nào đó của luật pháp về việc có loại thanh tra phải báo trước, nhưng nếu quy định có điểm không hợp lý thì phải sửa. Bởi ai làm ra quy định? Ai tư vấn cho cơ quan chức năng ra quy định? Chắc chắn là do các cấp, ngành có nhiệm vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán xăng dầu từ Trung ương đến địa phương.
Những người đủ trí tuệ để biết gian lận trong kinh doanh xăng dầu, không thể không biết hành vi của mình là phạm pháp, nhưng họ vẫn làm. Thử hỏi, với phương thức thanh tra báo trước, liệu rằng khi bị phát hiện sai phạm họ có “tâm phục khẩu phục”, như Bộ trưởng Bộ KHCN nói, để mà hành thiện, hay cái ròng rọc lương tri mới chỉ treo lơ lửng đâu đó quanh cây xăng mà đã bị vướng cái móc “tâm tỳ gian lận, khẩu phục lợi”?./.
(Theo: Xuân Thân/VOV)